Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ ngày 20/7 – 1/8/2016, đoàn công tác và DN của Hà Nội đã có cơ hội tìm hiểu về thị trường da giầy, túi xách, kênh phân phối, chính sách về thuế, hải quan cũng như những xu hướng thời trang và các yêu cầu của nhà nhập khẩu với nhà cung cấp của Hà Lan, Đức. Đồng thời, tìm hiểu về công tác đào tạo nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN...

Cụ thể, tại Hà Lan, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, Trường đào tạo giầy Slem tổ chức hội thảo giao thương với các DN trong ngành da giầy tại Hà Lan; phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan tổ chức buổi làm việc với Trung tâm hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) Hà Lan; làm việc với Trường đào tạo giầy Slem và Công ty Stahl để tìm hiểu về công nghệ, quy trình sản xuất giầy dép hiện đại và nguyên phụ liệu da mới cho ngành giầy dép, thời trang tại Hà Lan; khảo sát thị trường giầy dép, thời trang tại một số Trung tâm thương mại lớn.

Tại CHLB Đức, đoàn đã tham gia 8 gian hàng tại Hội chợ quốc tế GDS + Tag it tại Dusseldorf, CHLB Đức từ ngày 26-28/7/2016. Phối hợp với Trung tâm đào tạo ISC tổ chức hội thảo, giao thương với Hội da giầy và các DN da giầy của vùng Pirmasen và các DN da giầy của Đức tại Primasens. Thăm và làm việc với Trung tâm đào tạo da giầy ISC để tìm hiểu về công nghệ, quy trình sản xuất giầy dép hiện đại, cũng như trao đổi về định hướng hợp tác hỗ trợ, hợp tác phát triển nguồn nhân lực ngành da giầy Hà Nội...

Thông qua chương trình hội thảo, nhiều DN Hà Lan đã quan tâm về sản phẩm và khả năng cung cấp hàng hóa của Việt Nam. Hiện có một số DN tiếp tục đàm phán để đi đến ký kết hợp đồng, như: Công ty Phong Châu đang tiếp tục trao đổi với 2 đối tác của Hà Lan (Modint, @ Design) để  đàm phán về các Hợp đồng cung cấp ba lô túi cặp, dép nữ và dép lưới; Công ty Hóa dệt Hà Tây tiếp tục trao đổi với Zoutbeach (Công ty chuyên các dòng sản phẩm thời trang trên chất liệu mới đặc biệt như da cá)…

Còn tại CHLB Đức, chỉ tính trong 3 ngày tại Hội chợ GDS + Tag it, đã có khoảng 200 lượt khách hàng tới giao dịch tại gian hàng của Hà Nội (không kể các lượt khách hàng qua xem sản phẩm và lấy catalogue). Một số DN đang tiếp tục đàm phán chi tiết hơn với các khách hàng có tiềm năng như: Công ty Phong Châu đang tiếp tục trao đổi với công ty Kaufland, Truffaut, Novel, K&K, Palm Shoes, Spida Group, Porio Grupo…; Công ty Giầy Thăng Long trao đổi với Công ty Atom Group, Pfaf Industrial, Ring Maschinenbau GmbH, Amann Group; Công ty Hóa dệt Hà Tây trao đổi với Công ty Sportland (middle East), Bany Flat (Hàn Quốc), Capwave (Đức), Planet (Đức), Basu Design (Hà Lan), Felia Shoe and Accessories (Hà Lan); Công ty Atshoes đang tiếp tục trao đổi với Nhà máy sản xuất cặp túi Vastness AB JianHao, Techno trends; Cabani Shoe; Công ty giầy Thụy Khuê đã đặt lịch làm việc với Novi Footwear International Co.,Ltd tại Việt Nam trong tháng 9 này và tiến hành triển khai làm một số mẫu để bán tại thị trường châu Âu trong mùa đông cuối năm 2016 theo đơn đặt hàng của Công ty Samson Worldwide Int’l Ltd…

Trong khuôn khổ chương trình, Đoàn DN Hà Nội đã đi thăm quan và khảo sát thị trường giầy dép, thời trang tại một số Trung tâm thương mại lớn của Đức và Hà Lan. Qua khảo sát, các DN đã tìm hiểu được cách trưng bày, yêu cầu đóng gói, tem mác hàng hóa sản phẩm khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu; nghiên cứu mức giá bán lẻ của các nhóm giầy và đánh giá khả năng của các mặt hàng, nhãn hiệu cạnh tranh cùng chủng loại; thị hiếu và tâm lý mua chọn hàng của khách hàng mua lẻ tại châu Âu...

Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, dù đây là thời điểm khó khăn của thị trường giầy dép ở châu Âu nhưng Đức và Hà Lan vẫn đóng vai trò là nơi tập trung các thương hiệu lớn. Chính vì vậy, thông qua chương trình công tác, các DN Hà Nội đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong việc trưng bày sản phẩm, nắm bắt các thông tin về thị trường nước ngoài, chủ động tìm tòi các công nghệ mới, chủ động tìm kiếm đối tác, cải tiến công nghệ sản xuất…

Dự kiến, trong năm 2017, chính quyền và Hiệp hội da giầy vùng Pirmasens sẽ tổ chức một đoàn DN da giầy của Đức tới Hà Nội để tìm hiểu thị trường và khách hàng Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để các DN trong ngành da giày của Hà Nội nói chung và Việt Nam nói riêng tiến quân sát hơn vào EU.

Nguồn: Thanh Tâm/Báo Công Thương điện tử