Giá chuẩn của than nhiệt vận chuyển bằng đường biển hiện chỉ còn bằng một phần tư so với mức đỉnh trong năm 2022 – thời điểm xung đột Nga – Ukraine bùng phát đã dẫn đến khủng hoảng năng lượng và tạo ra một đợt tăng giá mạnh trên thị trường than, theo Financial Times.
Giai đoạn giá than duy trì ở mức cao trong năm 2022 và 2023 đã mang lại lợi nhuận lớn cho một số công ty khai thác và quỹ phòng hộ, đồng thời thúc đẩy hoạt động sản xuất bùng nổ. Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đều đã mở thêm các mỏ than mới trong vài năm gần đây.

Diễn biến giá than tại Châu Á Thái Bình Dương (đường màu xanh) và tại Châu Âu (đường màu đỏ) từ năm 2021 đến nay (Đơn vị: USD/tấn, nguồn:Financial Times)
Sản lượng nội địa tại Trung Quốc – nước sản xuất và tiêu thụ than nhiệt lớn nhất thế giới – đã liên tục lập kỷ lục trong năm nay, khiến nước này giảm đáng kể nhu cầu nhập khẩu . Lượng tồn kho lớn tại Trung Quốc và Ấn Độ – quốc gia tiêu thụ than lớn thứ hai – cũng góp phần làm thị trường trở nên ảm đạm.
Thị trường nhập khẩu than qua đường biển thường yếu vào các tháng xuân và thu do nhu cầu điện cao nhất thường rơi vào mùa hè, khi Trung Quốc và Ấn Độ sử dụng điều hòa nhiều hơn.
Giới phân tích dự đoán giá than sẽ còn giảm thêm trong ngắn hạn do nguồn cung quá lớn, trước khi có thể hồi phục vào nửa cuối năm khi nhu cầu mùa hè tăng cao.
“Hiện tại gần như không có yếu tố nào hỗ trợ giá,” ông Firat Ergene – chuyên gia phân tích tại công ty Kpler – nhận định. “Ngay cả khi giá thấp hơn, cũng không có ai muốn mua thêm than,” ông nói, đề cập đến lượng hàng tồn kho đang ở mức cao.
Phần lớn than nhiệt trên thế giới được khai thác và tiêu thụ ngay tại quốc gia sản xuất. Chỉ khoảng 10% lượng than toàn cầu được giao dịch quốc tế qua đường biển.
Dù lĩnh vực khai thác than bị nhiều nhà đầu tư quan tâm tới môi trường né tránh, nhu cầu toàn cầu đối với than vẫn tăng đều trong những năm gần đây, lập mức kỷ lục mới vào năm ngoái nhờ nhu cầu phát điện gia tăng.
Các nước xuất khẩu than nhiệt lớn gồm Indonesia, Australia, Nam Phi và Colombia – đều chịu tác động nặng nề từ đà giảm giá hiện tại, đặc biệt khi châu Âu đang nỗ lực loại bỏ dần than trong cơ cấu năng lượng.
Ông Alex Thackrah – chuyên gia tại Argus – cũng dự đoán giá sẽ tiếp tục giảm cho đến quý III trước khi phục hồi. “Nguồn cung đang điều chỉnh theo mức giá thấp hiện nay,” ông nói, đề cập đến việc các công ty khai thác như Glencore và Drummond đã cắt giảm sản lượng tại Colombia.
Tuy vậy, ông Tom Price – chuyên gia tại Panmure Liberum – lại cho rằng nhu cầu cao trong mùa hè sẽ giúp giữ giá than ổn định. “Tôi không kỳ vọng giá sẽ tăng vọt,” ông nói, “nhưng hiện tại mới chỉ là giai đoạn đầu của chu kỳ mua vào trước mùa cao điểm.”
 

Nguồn: doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn