Cùng dự hội nghị có Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên; Thứ trưởng Trương Thanh Hoài và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các đơn vị tư vấn, giám sát, nhà thầu thi công, các lực lượng tham gia Dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Hà Nội), trực tuyến tới điểm cầu 9 tỉnh, thành phố mà đường dây đi qua (Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) và điểm cầu 63 công ty điện lực trong cả nước. Hội nghị nhằm nhìn nhận, đánh giá lại toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), các kết quả nổi bật đã đạt được, các bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra. Từ đó tiếp tục xác định phương hướng, các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt hơn công tác đầu tư xây dựng các Dự án trọng điểm khác trong thời gian tới, đặc biệt là các Dự án được giao theo Quy hoạch điện VIII.
Kỳ tích trong xây dựng Dự án đường dây 500 kV mạch 3
Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dự án đường dây 500 kV mạch 3 có tổng chiều dài 519 km, 1177 vị trí cột, đi qua 09 tỉnh/ thành phố với tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng. Đây là các công trình truyền tải điện có vai trò đặc biệt quan trọng để nâng cao độ dự trữ ổn định trên giao diện Bắc - Trung, bổ sung công suất từ khu vực Bắc Trung Bộ cho khu vực miền Bắc, giảm tải cho các đường dây 500 kV hiện hữu đảm bảo tiêu chí N-1.
Kể từ khi bắt đầu triển khai đầu tư xây dựng, Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và cá nhân đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Với sự tư duy, phương pháp, cách tiếp cận mới so với cách làm trước đây nên thời gian triển khai dự án đã được rút ngắn rất đáng kể, đáp ứng yêu cầu tiến độ hoàn thành dự án như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm, ủng hộ của các bộ ngành, địa phương và người dân, EVN/EVNNPT đã nỗ lực để sau hơn 6 tháng đã hoàn thành thi công, đóng điện và khánh thành Dự án đúng dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 theo đúng tiến độ được giao. Đây là thành tích nổi bật đã được Thủ tướng Chính phủ biểu dương.
Để hoàn thành các hạnh mục công việc theo đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN/EVNNPT cùng các Ban QLDA đã phối hợp với các nhà thầu tập trung nhân lực, máy thi công triển khai thi công ngay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “4 tại chỗ”, thi công “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “làm việc xuyên lễ, tết, ngày nghỉ”. Công trường cao điểm có lúc huy động lên tới hơn 12.000 người, gấp đôi khả năng đáp ứng của nhà thầu. Trong đó, hơn 1.000 cán bộ, chiến sỹ Quân khu 4 hỗ trợ vận chuyển vật tư thiết bị, kéo dây tại các vị trí khó thi công. Hơn 6.200 đoàn viên và cán bộ từ nhiều doanh nghiệp như Viettel, PVN, VNPT cùng tham gia. Đồng thời còn có hơn 3.000 lao động, kỹ sư, công nhân tay nghề cao của các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam được huy động để hỗ trợ nhà thầu dựng cột, kéo dây.
Kết quả là sau hơn 6 tháng thi công, Dự án đóng điện thông mạch ngày 27/8/2024 và khánh thành ngày 29/8/2024. Như vậy, đến nay, ngành Điện Việt Nam đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành 4 mạch đường dây truyền tải điện 500 kV từ Bắc vào Nam với chiều dài của mỗi đường dây hơn 1.500 km. Trong đó, đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 được đóng điện vận hành ngày 27/5/1994, tiếp theo đường dây 500kV mạch 2 vận hành ngày 23/9/2005 và ngày 27/8/2024, các cung đoạn cuối cùng của hai mạch đường dây 500 kV mạch 3 đã được hoàn thành thi công và đưa vào vận hành.
Phát huy vai trò của cơ quan quản lý và nhiều bài học kinh nghiệm khi thực hiện các dự án trọng điểm
Phát biểu tham luận tại Hội nghị Tổng kết đường dây 500 kV mạch 3, thay mặt Lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài khẳng định, nhận thức được tầm quan trọng của Dự án, với vai trò là Bộ quản lý chuyên ngành điện lực và là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng Quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cùng với cả hệ thống chính trị của 9 tỉnh, thành phố có đường dây đi qua khẩn trương vào cuộc chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và các nhà thầu, đơn vị thi công vượt qua những khó khăn, thách thức cả về không gian, thời gian và sự bất lợi về địa hình, thời tiết để thần tốc thi công, hoàn thành Dự án với nỗ lực, quyết tâm cao nhất, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” nhằm bảo đảm tiến độ được giao, cụ thể:
Thứ nhất, Bộ đã chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao, quyết liệt các bộ, ngành liên quan và EVN/EVNNPT triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành Dự án, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Thứ hai, chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ đẩy nhanh tiến độ thẩm tra, trình phê duyệt thiết kế kỹ thuật của các Dự án thành phần; đồng thời, thường xuyên đi kiểm tra giám sát, đôn đốc tiến độ thi công tại các địa phương để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, báo cáo tham mưu với cấp có thẩm quyền để chỉ đạo giải quyết.
Thứ ba, ngay từ khi mới bắt đầu triển khai Dự án, Lãnh đạo Bộ Công Thương, trực tiếp là Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên với vai trò là Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đã định kỳ (2 tuần/lần) tổ chức họp giao ban với các Bộ, ngành, địa phương liên quan và đơn vị chủ đầu tư để kiểm điểm tiến độ thực hiện Dự án; kịp thời phát hiện và xử lý những khó khăn, vướng mắc nảy sinh theo thẩm quyền (hoặc tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo tháo gỡ những vấn đề vượt thẩm quyền), góp phần quan trọng thúc đẩy tiến độ thực hiện Dự án.
Thứ tư, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật (như ban hành Nghị định 27/2024/NĐ-CP và Nghị định 91/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP), giúp Chủ đầu tư và các địa phương tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và sử dụng tạm đất rừng để làm lán trại, đường tạm thi công, đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng và phục vụ thi công các hạng mục công trình.
Thứ năm, để bảo đảm tiến độ nhập khẩu, vận chuyển các vật tư, thiết bị phục vụ thi công, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trực tiếp giao thiệp và có nhiều văn bản đề nghị các đối tác nước ngoài (như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ,…) hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục liên quan; đồng thời, chỉ đạo Tham tán Thương mại tại một số nước làm việc trực tiếp với các cấp chính quyền địa phương sở tại để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về nhập khẩu và vận chuyển thiết bị, vật tư, bàn giao cho các đơn vị thi công đúng tiến độ, chất lượng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ đã chủ động đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công và tham gia các Đoàn công tác của Thủ trướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đi kiểm tra công trường; đồng thời, chỉ đạo làm tốt công tác truyền thông về vai trò, ý nghĩa quan trọng của Dự án, tạo sự đồng thuận, ủng hộ mạnh mẽ của người dân Vùng dự án và toàn xã hội.
Có thể khẳng định, sau hơn 06 tháng thi công, với sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các Bộ, ngành trung ương và các địa phương; sự ủng hộ, hỗ trợ của nhân dân; đặc biệt là nỗ lực vượt bậc của Chủ đầu tư và các đơn vị thi công, Dự án đường dây 500 kV mạch 3 đã hoàn thành, đóng điện thành công. Đây được coi là “kỳ tích” trong công tác đầu tư xây dựng các dự án lưới điện truyền tải; thể hiện khát vọng, bản lĩnh, trí tuệ và ý chí tự lực, tự cường, sự quyết tâm vươn lên mạnh mẽ của người Việt Nam với tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.
Từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Dự án đường dây 500 kV mạch 3 với tiến độ “thần tốc”, Bộ Công Thương đã rút ra một số bài học kinh nghiệm quý trong chỉ đạo, điều hành và phối hợp tháo gỡ khó khăn khi triển khai các công trình, dự án lớn để vận dụng, phát huy trong công tác đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia thời gian tới:
Một là, phải xác định rõ mục tiêu, phân công, phân nhiệm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả và thời gian hoàn thành, từ đó tập trung chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, có trọng tâm, trọng điểm nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp, đại đoàn kết toàn dân; huy động cả hệ thống chính trị từ cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể, lực lượng quân đội, công an ở cả Trung ương và địa phương cùng vào cuộc một cách đồng bộ, trách nhiệm với tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt"; đặc biệt là huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và quần chúng nhân dân ở địa phương theo phương châm "4 tại chỗ", góp phần vừa tạo thêm nguồn lực cho thực hiện Dự án, vừa tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân và DN tại địa phương.
Ba là, có sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương (theo chức năng, nhiệm vụ được giao); sự chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt bậc của EVN, EVNNPT và các đơn vị quản lý, thi công cùng với sự tham gia hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân ở cả Trung ương và địa phương với tinh thần "chia sẻ, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển".
Bốn là, triển khai kịp thời, chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng và đơn vị Chủ đầu tư, bảo đảm tiến độ thi công và chất lượng công trình; đồng thời, duy trì tốt các cuộc giao ban định kỳ hằng tuần, hằng tháng giữa các Bộ, ngành chức năng và các địa phương với Chủ đầu tư và các nhà thầu, đơn vị thi công trong quá trình triển khai thực hiện Dự án để điều hành linh hoạt, xử lý, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh (kể cả về cơ chế, chính sách luật pháp), góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.
Năm là, phát động và làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo khí thế quyết tâm và sự đồng thuận cao trong các cơ quan, đơn vị liên quan và toàn xã hội, giúp cho công tác giải phóng mặt bằng và thi công trên công trường được triển khai nhanh chóng, thuận lợi, góp phần đưa Dự án về đúng tiến độ đề ra.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và bày tỏ vui mừng, xúc động trước sự trưởng thành, lớn mạnh hơn của EVN và cả ngành điện trong năm 2024. Đồng thời, thời gian tới, Thủ tướng đề nghị EVN và các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục làm tốt các công việc còn lại như hoàn nguyên môi trường, thanh quyết toán, chăm lo đời sống người dân bị ảnh hưởng, công tác khen thưởng. Thủ tướng yêu cầu EVN và ngành điện phải tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sự bản lĩnh, kiên cường, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới; phát huy sức mạnh của ngành điện và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để bảo đảm các khâu gồm nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện hiệu quả, giá điện phù hợp với doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp khác, huy động sức mạnh từ người dân và xã hội; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý ngành điện và EVN đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật vào ngành điện, mà trước hết cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế, phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh kiên cường, hình ảnh của người thợ điện trong lòng nhân dân. Tiếp tục phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Làm tốt các chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động, trong đó có những chính sách đặc thù nhưng cần hài hòa, hợp lý với các ngành, lĩnh vực khác.

Nguồn: moit.gov.vn