Ông Nguyễn Chí Thanh - Trưởng phòng Quản lý tiền chất, Cục hóa chất cho biết, hiện nay cả nước có 8 đơn vị được nhà nước cho phép sản xuất thuốc nổ và phụ kiện thuốc nổ. Tổng công suất các dây chuyền sản xuất vật liệu nổ công nghiệp khoảng 140.000 tấn/năm, đáp ứng đủ về số lượng nhu cầu sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong nước.

Trong đó, có hai đơn vị là Tổng công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (GAET) và Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ - Vinacomin (MICCO), ngoài việc nhập khẩu để đáp ứng thị trường nội địa, đã bắt đầu có hoạt động xuất khẩu sang một số nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu còn rất thấp, chiếm 3% tổng sản lượng trong nước.

Hiện nay, xu hướng phát triển chung của khu vực và trên thế giới đang phát triển một số sản phẩm mới theo công nghệ hiện đại và an toàn hơn như việc sử dụng kíp nổ điện tử, thuốc nổ phi tiêu chuẩn chuyên dụng trong khai thác hầm lò, mỏ vàng, kim loại… Mặt khác, thực tế khai thác trong nước như khai thác đá, hầm lò dần phải xuống các tầng sâu, nên yêu cầu các loại vật liệu nổ công nghiệp phải an toàn với khí, bụi nổ, chịu nước, giảm khói… Do đó, nếu các đơn vị sản xuất trong nước không cải tiến sản phẩm, công nghệ và phương pháp sử dụng thì sẽ tụt hậu.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, hiện nay, việc sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp gặp một số khó khăn do các ngành sử dụng vật liệu nổ công nghiệp giảm nhu cầu khai thác. Do đó, các doanh nghiệp nên làm việc với Tập đoàn Hóa chất để tìm hiểu về nhu cầu tiêu thụ vật liệu nổ công nghiệp tại các nước trong khu vực, đặc biệt là Lào, để chúng ta tăng xuất khẩu sang nước này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, làm sao để các sản phẩm có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Mặt khác, trong từng trường hợp cụ thể, các doanh nghiệp nên có sự hợp tác để phát triển bền vững.

Nguồn: Quỳnh Nga - Lan Anh/Báo Công thương điện tử