Thị trường cao su thiên nhiên đang kỳ vọng vào sự chuyển biến với tín hiệu tích cực: Giá cao su đang hồi phục liên tục từ giữa năm 2016 đến đầu năm 2017. Tuy vậy, thị trường cao su không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào cung - cầu mà còn bị tác động khá nhạy cảm bởi thị trường hàng hóa, giá dầu thô, tỷ lệ hối đoái của các nước xuất khẩu cao su lớn nên biến động khó lường.

Hơn nữa, khu vực Đông Nam Á có khá nhiều tên tuổi trong làng cao su tự nhiên thế giới, việc tận dụng những ưu đãi về xuất khẩu cao su, sản phẩm từ cao su trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng như các đối tác ký FTA với ASEAN, không đơn giản.
Vì vậy, ngành cao su cần nhanh chóng cơ cấu lại sản xuất, chuyển đổi mô hình phát triển cây cao su từ độc canh sang đa canh, trồng xen các cây khác, hoặc chuyển đổi diện tích cao su trên đất không phù hợp sang loại cây thích hợp. Mở rộng diện tích trồng các giống cao sản đã qua thử nghiệm, tạo tuyển, cải tiến đi đôi với tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa cơ giới vào sản xuất; điều chỉnh chế độ khai thác mủ, cải biến cơ cấu sản phẩm theo chiều hướng có lợi nhất, tăng tỷ lệ sản phẩm các chủng loại mủ theo ba tiêu chí: Đàn hồi, mài mòn, độ bền. Tích cực hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh. Đầu tư trang bị kỹ thuật mới trong sản xuất sản phẩm từ cao su theo chuẩn mực quốc tế, giá cạnh tranh. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tăng cường xúc tiến thương mại, khai thác, mở rộng thị trường, bán cao su nguyên liệu cho các nhà trực tiếp sản xuất, khách hàng truyền thống; tiến tới xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm cao su.
Nguồn: Nguyễn Duy Nghĩa/Báo Công Thương điện tử