Đây là khẳng định của ông Duangdej Yuaikwarmdee, Phó Giám đốc điều hành kiêm Tổng Giám đốc Công ty Reed Tradex tại Việt Nam với phóng viên Báo Kinh tế Việt Nam về triển vọng ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam và kế hoạch hoạt động của công ty trong thời gian tới.
Là đơn vị tổ chức triển lãm gắn bó với ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam trong nhiều năm qua, ông có đánh giá thế nào về lĩnh vực này của Việt Nam, đặc biệt là trước những tác động của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia?
Nền công nghiệp Việt Nam đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp một phần không nhỏ vào tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế. Đặc biệt, ngành sản xuất linh kiện ô tô của Việt Nam đang có bước tiến rất nhanh so với các nước trong khu vực. Thị trường này của Việt Nam đang có sự cải thiện về chất lượng. Sau gia nhập Cộng đồng ASEAN và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam lại có thuận lợi trong việc nhắm vào các thị trường tiềm năng là Nhật và Mỹ. Trong khi đó, các nhà đầu tư Nhật đang không ngừng gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam, đây còn là cơ hội để Việt Nam xuất khẩu linh kiện sang các thị trường tiềm năng như Thái Lan, Philippines.
Trong đó, ngành chế tạo khuôn mẫu dự báo sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, là nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp Việt Nam nói chung. Mặt khác, hiện các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đang gia tăng, họ thường phải sản xuất các linh kiện quan trọng tại nước ngoài. Xét trên khía cạnh giảm thiểu chi phí và rút ngắn thời gian giao hàng thì nâng cao tỷ lệ mua sắm nội địa là điều cần thiết đối với các công ty này. Do đó, cơ hội cho ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam phát triển đang rất rộng mở.
Năm 2016 đánh dấu một cột mốc quan trọng cho Việt Nam trên thương trường quốc tế với việc tham gia Cộng đồng ASEAN và TPP. Theo Bloomberg, Việt Nam đạt được vị trí thứ hai trong danh sách 10 quốc gia có chỉ số phát triển kinh tế nhanh nhất trong năm 2016. Có thể thấy rằng đây là một cơ hội cho việc xây dựng các nguồn giao thương cũng như thu hút những nguồn đầu tư mới, nhưng đồng thời cũng mang đến những thách thức nhất định cho Việt Nam trong việc chuẩn bị và nâng cao khả năng cạnh tranh để có thể phát triển một cách vững chắc và toàn diện, chứ không phải là một bước đột phá nhất thời tại thời điểm này.
Ngoài ra, trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, khả năng tự cung ứng nội địa là một ưu thế then chốt. Một số nhà sản xuất tầm cỡ thế giới hiện đang có nhà máy hoạt động tại Việt Nam như Samsung Electronics đã đạt tỷ lệ nội địa hóa là 10% trong mùa thu vừa qua, hay Toyota Motor với tỷ lệ 19-37% tùy theo dòng xe. Tuy nhiên, sự trì trệ của quá trình nội địa hóa khiến các nhà đầu tư quốc tế phải vận hành hoạt động kinh doanh của họ bằng việc nhập khẩu một số lượng lớn các thành phần và linh kiện từ bên ngoài. Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam phải cập nhật những thông tin công nghiệp cũng như xu hướng thế giới, nâng cao công nghệ, trình độ lao động, chất lượng sản phẩm, cơ sở hạ tầng và gia tăng trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh để có thể đạt được một vị thế cạnh tranh bền vững trong khu vực.
Với tư cách một nhà tổ chức triển lãm và kết nối giao thương, Reed Tradex đã, đang và sẽ có những hoạt động gì để hỗ trợ các nhà sản xuất công nghiệp tại Việt Nam trong việc nắm bắt những cơ hội kinh doanh mới?
Thời gian qua, Reed Tradex luôn gắn bó với Việt Nam bằng các triển lãm, hội chợ về thiết bị công nghệ, góp phần phát triển nhiều ngành sản xuất công nghiệp. Nhận thức được những cơ hội mới của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam, Reed Tradex sẽ tiếp tục tổ chức Triển lãm "Vietnam Manufacturing Expo 2016” từ ngày 6-8/4/2016 với nhiều nội dung tập trung vào ngành sản xuất nhựa và chế tạo khuôn mẫu nhằm mục tiêu phục vụ tốt hơn các ngành công nghiệp cốt lõi như điện tử, phụ tùng và linh kiện xe máy. Đây còn là “trung tâm giao dịch” cho các nhà máy sản xuất phụ tùng công nghiệp, các kỹ sư, quản lý sản xuất.
Đặc biệt, cùng địa điểm với Manufacturing Expo, Triển lãm “Sheet Metalex Vietnam 2016” sẽ lần đầu tiên được tổ chức. Đây là triển lãm duy nhất tại Việt Nam về máy móc và công nghệ gia công kim loại tấm. Hai triển lãm hứa hẹn sẽ là nơi tương tác, khám phá công nghệ mới, nâng cấp trình độ sản xuất, thu thập kiến thức, ý tưởng mới và mở rộng mạng lưới kinh doanh cho doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam, nâng cao khả năng cạnh tranh để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư sau khi TPP chính thức có hiệu lực.
Xin ông cho biết điểm nổi bật của triển lãm năm nay?
Triển lãm Vietnam Manufacturing Expo 2016 sẽ có hơn 400 thương hiệu công nghiệp phụ trợ hàng đầu thế giới tham gia nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng mạng lưới giao thương cho các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam. Năm ngoái, Manufacturing Expo đã thu hút được 270 đơn vị và hơn 900 người tham gia triển lãm. Các đơn vị tham gia triển lãm cũng như khách hàng đến tham quan đều đi vào thực chất, hiệu quả. Tiếp nối thành công này, triển lãm năm nay có số lượng đơn vị đăng ký tăng 20% (khoảng hơn 400 thương hiệu đến từ 20 quốc gia và trung tâm giao dịch chuyên biệt tham gia), hứa hẹn góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động kinh doanh của cộng đồng công nghiệp với hơn 10.000 khách mua hàng chất lượng thuộc lĩnh vực ô tô, điện và điện tử, đóng gói, sản phẩm tiêu dùng, xây dựng và các ngành công nghiệp nhựa đang tìm kiếm máy móc, nguyên liệu, hóa chất, thiết bị đo lường, điều khiển và kiểm tra, linh kiện và phụ tùng mới phù hợp nhất với nhu cầu vận hành của doanh nghiệp, mặt khác giúp doanh nghiệp nắm bắt được những cơ hội vàng từ hội nhập.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Nguyễn Hường/Ven.vn