Nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội Gỗ và Lâm sản đã chủ động thuê những đơn vị tư vấn nước ngoài để sản xuất đạt hiệu quả cao và đảm bảo an toàn phát thải carbon - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, năm 2022 được xem là năm khó khăn nhất từ trước đến nay đối với ngành gỗ. Tốc độ tăng trưởng ngành gỗ đạt 7,1%, chủ yếu nhờ vào các thị trường như Đông Bắc Á, Châu Đại Dương, Hàn Quốc, Nhật Bản… còn lại các thị trường như Bắc Mỹ và EU hầu như "đứng im" do suy thoái.
Năm 2023, ngành gỗ dự báo những tháng đầu năm sẽ còn nhiều khó khăn. "Chúng tôi dự tính phải hết quý II năm 2023 mới có thể phục hồi sản xuất khoảng 85% và kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%, tương đương 18 tỷ USD trở lên", ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.
Ông Lập cho biết, để làm được điều này, ngành gỗ sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bằng việc áp dụng đồng các giải pháp: Đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, giảm sử dụng gỗ nhập khẩu; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất; đẩy mạnh sản xuất phát thải thấp; phối hợp các địa phương xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ quốc tế lớn, phấn đấu từ năm 2024, sẽ đều đặn tổ chức 4 hội chợ lớn/năm...
Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức phát triển ngành lâm nghiệp cân đối; phát triển trồng rừng đi đôi với chế biến. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Bởi lẽ, chỉ có nắm được thị trường mới chủ động được sản xuất và thực hiện tốt việc giải quyết tranh chấp thương mại.
Đưa ra so sánh với ngành gỗ Trung Quốc, ông Lập cho biết, các doanh nghiệp gỗ của Trung Quốc đều có công ty phân phối ở các thị trường lớn, đa số doanh nghiệp Việt chưa làm được điều này nên biến động thị trường tác động rất nhanh, mạnh đến doanh nghiệp Việt. Ông Lập cũng cho biết hiện nay nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội Gỗ và Lâm sản cũng đã chủ động thuê những đơn vị tư vấn nước ngoài để sản xuất đạt hiệu quả cao và đảm bảo an toàn phát thải carbon.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét việc cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp; tăng cường kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vào trồng rừng, bởi lẽ, họ có công nghệ, tiềm lực thuận lợi hình thành các chuỗi liên kết sản xuất. Ngoài ra, ông Lập cũng kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, ngành gỗ hiện đang ở trạng thái "bùn ở dưới chân và nắng ở trên đầu". Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tổng hợp chi tiết các vấn đề và đề xuất để Bộ NN&PTNT cùng phối hợp để có cuộc làm việc với Thủ tướng trong năm mới để tháo gỡ các khó khăn, đảm bảo sản xuất và phát triển thị trường gỗ, lâm sản tới đây.

Nguồn: Đỗ Hương/Cổng Thông tin điện tử Chính phủ