Thông tin trên vừa được ông Võ Hoàng An - Tổng Thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam - cho biết tại họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế lần thứ 16 về máy và thiết bị ngành công nghiệp nhựa, cao su Việt Nam, diễn ra chiều 17/8.

Ông Võ Hoàng An cho hay, để đối phó với tình trạng nguồn cung lớn hơn cầu, các nước xuất khẩu cao su lớn trên thế giới đã cùng liên kết nhằm đưa ra giải pháp giảm sản lương cao su, phối hợp với nhau để hình thành thị trường tiêu thụ cao su chung trong khu vực…

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên thế giới (ANRPC), trong nửa đầu năm 2016, sản xuất cao su tự nhiên của các quốc gia thành viên đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,928 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc giảm 12%, Malaysia giảm 3,8%, Ấn Độ giảm 3%, Indonesia giảm nhẹ 0,3%; trái lại, Thái Lan và Việt Nam lại tăng tương ứng là 1% và 5,3%. Tuy nhiên, hiện Thái Lan đã ra tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 15% so với mức đang sản xuất nhằm giảm nguồn cung trên thị trường. Tương tự, Việt Nam cũng đang có kế hoạch nhằm giảm bớt áp lực nguồn cung hiện nay. Với những nỗ lực trên, dự báo đến năm 2019-2020, giá cao su thế giới sẽ được cải thiện hơn.

Về tiêu thụ cao su từ nay đến cuối năm, theo dự báo của ANRPC thị trường vẫn còn yếu bởi những yếu tố bất ổn trên thế giới, triển vọng thị trường dầu mỏ không sáng sủa và sự đi xuống của đồng nội tệ các nước xuất khẩu cao su chủ chốt. Thuế chống phá giá và chống trợ cấp mà Mỹ áp dụng kể từ tháng 6/2016 đối với một số loại lốp xe ô tô do Trung Quốc sản xuất được dự báo sẽ ảnh hưởng mạnh tới nhu cầu cao su thiên nhiên của quốc gia này.

Thông tin về tình hình sản xuất, xuất khẩu cao su tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Võ Hoàng An cho biết, để thúc đẩy sự phát triển của ngành cao su, Việt Nam đã và đang tìm nhiều giải pháp nhằm tăng giá trị sản phẩm cao su, giảm xuất thô, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất săm lốp-vỏ xe. Riêng bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang có sự phối hợp với nhiều nhà sản xuất cao su lớn của thế giới để tạo đầu ra cho sản phẩm.

“Cái khó lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp sản xuất cao su Việt Nam là yếu về tài chính, hệ thống phân phối yếu, chưa có thương hiệu… Do đó, chúng ta cần hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất cao su có thương hiệu lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng của họ”, ông Võ Hoàng An cho biết thêm.

Nguồn: Mai Ca/Báo Công Thương điện tử