Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67%.
Theo Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 6,47%; quý 2 tăng 8,55%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67%, đóng góp 2,14% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,26%, đóng góp 0,5%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,13%, đóng góp 0,04%. Riêng ngành khai khoáng giảm 7,22%, làm giảm 0,24% trong mức tăng chung.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng ở 56 địa phương và giảm ở 7 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất, phân phối điện và ngành khai khoáng tăng thấp hoặc giảm.
Theo đại diện Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê), có thể thấy sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi từ quý 1 và tăng trưởng với xu hướng rõ nét hơn trong quý 2, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước: quý 1 tăng 5,9%; quý 2 ước tăng 9,5%; 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 7,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 3/4 số ngành công nghiệp cấp I (gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải) tăng so cùng kỳ năm trước với mức tăng lần lượt là: 8,5%; 13% và 6,3%.
Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành chiếm trên 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp) tiếp tục đà tăng trưởng với xu hướng rõ nét hơn, 6 tháng đầu năm tăng 8,5% so cùng kỳ, trong khi cùng kỳ năm trước giảm 1,8%. Nhiều ngành quan trọng thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học - một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta trong thời gian qua có sự phục hồi rõ nét nhất, quý 1 tăng 0,3%, quý 2 tăng 17,4%, 6 tháng đầu năm tăng 8,6%.
Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tồn kho sản phẩm giảm thể hiện qua chỉ số sản xuất tăng, chỉ số tiêu thụ tăng cao hơn sản xuất, chỉ số tồn kho giảm. Cụ thể, chỉ số sản xuất tăng 8,5%, chỉ số tiêu thụ sản tăng 10,8% (mức tăng chỉ số tiêu thụ cao hơn 2,3% so với chỉ số sản xuất), chỉ số tồn kho thời điểm 30/6/2024 dự kiến tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tồn kho tăng 19,9% cùng thời điểm năm 2023. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2024 là 76,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2023 là 83,1%.
Bên cạnh các điểm tích cực, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 còn một số khó khăn bởi tốc độ tăng 6 tháng đầu năm nay chỉ cao hơn năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6 tháng đầu năm 2021, 2022 cho thấy ngành công nghiệp chưa thể hoàn toàn phục hồi như trước dịch Covid-19.
Đồng thời, một số ngành trong trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn gặp khó khăn hoặc dấu hiệu phục hồi chưa thực sự rõ nét, chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước: sản xuất ô tô và xe có động cơ giảm 5,5%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 3%; sản xuất xi măng, vôi, thạch cao giảm 2%; sản xuất bia và mạch nha ủ men bia giảm 3,9%...

Nguồn: Haiquanonline