Tham dự buổi làm việc, tại điểm cầu Bộ Công Thương có đại diện các đơn vị: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Văn phòng Bộ; Văn phòng Ban chỉ đạo năng lượng; Cục Điều tiết điện lực; Vụ Dầu khí và Than; Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Vụ Pháp chế; Cục An toàn Môi trường và kỹ thuật công nghiệp; Cục Công Thương địa phương; Vụ Kế hoạch - Tài chính cùng đại diện các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam.
Điểm cầu các tỉnh thành phố gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Long An, Bạc Liêu, Bình Thuận, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Ninh Thuận, Đồng Nai, Cần Thơ.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định đây là cuộc họp quan trọng để thực hiện Kế hoạch và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Theo Bộ trưởng, từ nay đến năm 2030 nhu cầu điện của đất nước cần khoảng 70.524 MW, gần gấp đôi công suất hiện nay. Về mặt cơ cấu chúng ta phải chuyển rất mạnh từ cơ cấu điện từ nguồn sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu và điện khí) sang những loại nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường để đạt mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050. Tuy nhiên để giữ được an ninh hệ thống điện, đòi hỏi nguồn điện nền khá lớn và ổn định với khoảng 70% tổng công suất khả dụng. Theo đó, việc phát triển sản xuất điện khí là nhiệm vụ quan trọng. Theo Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030, Việt Nam phải phát triển 30.424 MW điện khí. Trong đó, khí tự nhiên trong nước là 7.900MW được thực hiện từ 10 dự án đã được duyệt trong Quy hoạch; 13 dự án khí hóa lỏng vưới công suất 22.524 MW sẽ phải nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện nay việc triển khai các dự án điện khí đang không theo kịp với tiến độ đề ra.
Báo cáo về tình hình thực hiện các dự án điện khí, ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án), trong đó: tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900 MW (10 dự án), tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng LNG là 22.524 MW (13 dự án).
Về tình hình triển khai, đến thời điểm tháng 4 năm 2023 đã có một nhà máy đã đưa vào vận hành, cụ thể là Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Ô Môn I (660 MW) đã đưa vào vận hành năm 2015, hiện tại sử dụng nhiên liệu dầu và dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng nhiên liệu khí sau khi có khí từ mỏ khí Lô B.
Một dự án đang xây dựng là Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, công suất 1.624 MW, tiến độ đạt 85%. Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 sử dụng LNG từ Kho cảng LNG Thị Vải. Hiện tại, dự án Kho cảng LNG Thị Vải đã hoàn thành thi công và đưa vào sử dụng, sẵn sàng cấp LNG cho Dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.
Có 18 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng (tổng công suất 23.640 MW), và ba dự án đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng công suất 4.500 MW gồm các dự án Cà Ná, Nghi Sơn, Quỳnh Lập.
Tại cuộc họp, đại diện các địa phương có dự án, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị liên quan thuộc Bộ đã báo cáo về tiến độ triển khai dự án, các khó khăn đang gặp phải trong quá trình thực hiện và đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Các vướng mắc chủ yếu liên quan đến việc đàm phán ký kết các hợp đồng; tiến độ giải phóng mặt bằng tại các địa phương; một số địa phương chưa thể đàm phán, ký kết Thoả thuận đấu nối cho dự án do chưa xác định được chủ đầu tư các dự án đường dây truyền tải để giải toả công suất; các đề xuất ưu đãi, đảm bảo đầu tư của nhà đầu tư chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành…
Ghi nhận ý kiến của các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng đây là cơ sở để Bộ Công Thương tổng hợp, giải quyết theo thẩm quyền và kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành xem xét giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án trên. Bởi, các dự án điện khí trong Quy hoạch điện VIII là nguồn năng lượng vô cùng quan trọng, không chỉ bảo đảm đủ tổng nguồn trong Quy hoạch, mà còn là nguồn điện nền để huy động, khai thác nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời.
Để thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VIII, tư lệnh ngành Công Thương đề nghị các địa phương, Tập đoàn EVN, PVN và một số đơn vị có liên quan của Bộ khẩn trương thực hiện một số nội dung quan trọng sau:
Đối với các địa phương chưa lựa chọn nhà đầu tư gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận, đề nghị không được chậm trễ, cố gắng hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, đủ tài chính, đủ kinh nghiệm trước ngày 15/7/2024 theo đúng Luật đầu tư và các quy định có liên quan. Đặc biệt, ngay khi lựa chọn nhà đầu tư, các địa phương cần lên tiến độ và có cam kết thực hiện tiến độ đối với nhà đầu tư đó.
Đối với các địa phương đã có chủ đầu tư, cần khẩn trương rà soát những vướng mắc của chủ đầu tư phản ánh để chủ động xử lý theo thẩm quyền (rà soát điều chỉnh Quy hoạch tỉnh, Kế hoạch sử dụng đất, vấn đề mặt bằng, điều chỉnh chủ trương đầu tư…). Đề nghị các địa phương báo cáo Bộ Công Thương, Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng về tiến độ tổng thể của các dự án đang triển khai. Các tiến độ này phải có cam kết của chủ đầu tư và có xác nhận của chính quyền địa phương. Đây là cơ sở để Bộ Công Thương và Chính phủ xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật nếu để chậm trễ, tìm mọi cách trì hoãn việc thực hiện các dự án được giao làm chủ đầu tư. Kiên quyết xử lý các vi phạm của các chủ đầu tư, các đơn vị có liên quan, đồng thời trình Chính phủ xem xét, xử lý các chủ đầu tư nếu có dấu hiệu trốn tránh trách nhiệm, trì hoãn việc triển khai, gây khó khăn việc bảo đảm an ninh năng lượng đất nước.
Cùng với đó, các địa phương đôn đốc các các chủ đầu tư trình phê duyệt Hợp đồng FS, ký các hợp đồng mua bán điện với EVN dựa vào quy định của luật pháp hiện hành và Thông tư 31/2022/TT-BCT sửa đổi Thông tư 57/2014/TT-BCT quy định phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện và Thông tư 57/2020/TT-BCT quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện.
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành và Thông tư 57 sửa đổi phải khẩn trương, có trách nhiệm hướng dẫn chủ đầu tư trong quá trình đàm phán PPA, báo cáo Bộ công Thương các vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời giải quyết.
Khẩn trương hoàn thành đàm phán, ký kết hợp đồng PPA với chủ đầu tư, nhất là dự án Nhơn Trạch 3 và 4 và các dự án thuộc Chuỗi khí Lô B trong Quý II/2024.
Khẩn trương đề xuất cấp có thẩm quyền được giao làm chủ đầu tư các đường dây truyền tải để giải tỏa công suất cho các nhà máy điện khí này. Đồng thời, đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án đường dây truyền tải trong hệ sinh thái điện khí đã được cấp có thẩm quyền giao làm chủ đầu tư. Các dự án truyền tải chưa rõ chủ đầu tư cần đề xuất chủ đầu tư trong tháng 4/2024. Các dự án đã lựa chọn chủ đầu tư cần lên tiến độ như các nhà máy điện khí.
Với tư cách là chủ đầu tư được duyệt, EVN cần khẩn trương triển khai thực hiện các dự án điện Quảng Trạch I, Quảng Trạch II đáp ứng tiến độ đã được phê duyệt
Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cần khẩn trương triển khai thực hiện Chuỗi dự án khí điện Lô B và các dự án điện Ô Môn III, Ô Môn IV; hoàn thiện, ký kết hợp đồng bán khí cho các dự án điện sử dụng khí Lô B; triển khai thực hiện các dự án điện, khí đã được giao làm chủ đầu tư để sớm đưa vào vận dụng.
Đối với các đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng yêu cầu Văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước các dự án trọng điểm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc báo cáo Trưởng ban chỉ đạo để giải quyết kịp thời các vướng mắc của các dự án trọng điểm ngành năng lượng. Hằng tháng, Văn phòng thu thập thông tin, bám sát chủ đầu tư, đầu mối UBND các tỉnh, thành phố, gắn trách nhiệm của chính quyền, có thể đề xuất giao ban hằng tháng, hằng quý.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thường xuyên đôn đốc chủ đầu tư; khẩn trương thực hiện thẩm định FS, thiết kế xây dựng theo thẩm quyền đúng quy định và kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
Cục Điều tiết điện lực hướng dẫn và giải quyết các vướng mắc của EVN và chủ đầu tư trong quá trình đàm phán hợp đồng PPA, bảo đảm đúng quy định.
Vụ Dầu khí và Than đôn đốc, hướng dẫn PVN triển khai thực hiện các chuỗi khí điện Lô B, Cá Voi Xanh, LNG Thị Vải, báo cáo cấp thẩm quyền để giải quyết kịp thời các vướng mắc (nếu có).
Đối với các đơn vị khác có liên quan, tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình hỗ trợ giúp các chủ đầu tư, địa phương, các bên liên quan để thực hiện các dự án này. 

Nguồn: moit.gov.vn