1. Triển vọng và lợi thế
1.1. Thị trường tiêu thụ được mở rộng
Trong nhiều năm qua, ngành dệt may và da giày Việt Nam ngày càng được mở rộng ra thị trường quốc tế. Theo WTO, kim ngạch XK quần áo của Việt Nam năm 2015 chiếm 4,8% tổng kim ngạch XK của thế giới, đứng thứ 3 sau Trung Quốc (39,3%), EU (25,2%) và Bangladesh (5,9%). Như vậy, thị phần hàng may mặc của Việt Nam đã tăng mạnh từ mức khiên tốn là 0,9% trong năm 2000. So với các đối thủ cạnh tranh, tốc độ tăng trưởng kim ngạch của Việt Nam tăng khá nhanh và đều qua các năm.
Trong những năm tới, xu hướng dịch chuyển sản xuất hàng may mặc của các tập đoàn từ Trung Quốc dự báo sẽ còn tiếp tục. Việt Nam vẫn là quốc gia hấp hẫn các nhà đầu tư nhờ các ưu đãi về thuế theo các cam kết FTA.
Việc Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định RCEP được nhận định sẽ mở ra một thị trường mang tính chiến lược trong khu vực châu Á. Đồng thời tạo thêm niềm tin cho các nhà đầu tư và DN trong bối cảnh nỗi lo XK dệt may sẽ gặp khó do TPP có thể thiếu vắng Mỹ.
Việc một số cường quốc sản xuất và XK hàng dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ cũng tham gia đàm phán RCEP đã làm dấy lên nỗi lo về sức cạnh tranh của dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam không ngại cạnh tranh bởi có nhiều yếu tố thuận lợi. Đầu tiên, chi phí vận chuyển trong khối RCEP sẽ giảm hơn nhiều so với việc XK sang Mỹ hay sang các nước EU, theo đó giá thành sẽ cạnh tranh hơn. Một số thành viên trong khối, tiêu biểu là Trung Quốc có ngành sản xuất nguyên phụ liệu rất phát triển, điều này sẽ giúp DN Việt Nam tận dụng được nguồn cung nguyên liệu cũng như đáp ứng được quy tắc xuất xứ vốn đang làm khó DN trong nước. Đặc biệt, RCEP tạo ra một thị trường cực kỳ rộng lớn với khoảng 3,4 tỷ dân cùng nền văn hóa tương đồng sẽ giúp việc đàm phán và ký kết nhanh hơn, cũng như tạo động lực thu hút đầu tư giữa các nước trong khối.
Việc Ấn Độ tham gia RCEP cũng là một lợi thế. Việt Nam hiện chưa có hiệp định thương mại với quốc gia này, khi tham gia RCEP, những ưu đãi về thuế quan sẽ giúp hàng dệt may Việt Nam vào thị trường này dễ dàng hơn.
Với mặt hàng giày dép, theo tính toán từ số liệu của Trademap, thị phần của Việt Nam được nâng lên từ mức 3,45% trong năm 2001 lên 13,42% trong năm 2016.
Cũng như hàng may mặc, trong bối cảnh mới, ngành dệt may/da giày có nhiều triển vọng tăng trưởng kim ngạch XK nhờ các ưu đãi về thuế theo các cam kết FTA Việt Nam đã tham gia.
Trước những triển vọng to lớn của ngành dệt may/da giày, thời gian qua, nhiều đối tác thuộc các nước có trình độ công nghệ và kinh nghiệm sản xuất dệt may/da giày đã đến tìm kiếm cơ hội hợp tác với DN Việt Nam.
Hiệp hội Quốc gia các nhà sản xuất thiết bị và công nghệ cho ngành da giày Italy cùng Lefaso sẽ đưa vào vận hành Trung tâm Công nghệ giày Italy - Việt tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển da giày Việt Nam, đặt tại Bình Dương từ ngày 12/7/2017.
Với kinh nghiệm của một quốc gia đạt được nhiều thành tựu trong ngành da giày, Italy sẽ hỗ trợ các DN Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm thông quan hoạt động Trung tâm Công nghệ Giày Việt – Italy nhằm chuyển giao công nghệ, tư vấn và hỗ trợ đào tạo giảng viên nguồn cho ngành công nghiệp sản xuất da giày Việt Nam. Cụ thể, sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm sẽ phối hợp với Trường Cao đẳng Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các chương trình đào tạo, phổ biến những xu hướng thiết kế và sản xuất hàng đầu trên thế giới cho đội ngũ quản lý sản xuất, thiết kế và phát triển sản phẩm của DN da giày Việt Nam. Trung tâm được trang bị máy móc thiết bị hiện đại – công nghệ mới nhất được NK trực tiếp từ Italy và châu Âu giúp các DN nhỏ và vừa của ngành da giày Việt Nam có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.
Hiệp hội xúc tiến da Ấn Độ cùng 34 công ty thành viên cũng sang tham dự Hội chợ Da và Giày da được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 12 đến 14/7/2017 nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, phát triển chung trong lĩnh vực công nghiệp da giày giữa Việt Nam và Ấn Độ.
1.2. Lao động dồi dào với chi phí cạnh tranh
Việt Nam được biết đến như là một quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhờ mức sống chung cũng như thu nhập chi trả cho người lao động còn ở mức thấp. Dựa trên Báo Cáo lương năm 2016 của JobStreet.com Việt Nam, lương lao động ngành dệt may trung bình từ 402-604 USD/tháng (từ 8,4 triệu đồng đến 12,6 triệu đồng). Con số này chỉ bằng gần ½ so với Malaysia (725-1.019 USD/tháng) và bằng ¼ so với mức lương trung bình ngành dệt may tại Singapore. Tuy nhiên, khi so sánh với Philippines sự chênh lệch là tương đối nhỏ khi mức lương trung bình ngành dệt may tại Philippines chỉ hơn 1,1 lần Việt Nam. Mức lương trung bình tại Việt Nam thậm chí còn cao hơn cả Indonesia gần 1,2 lần (343-510 USD/tháng). Cũng theo báo cáo lương của JobStreet.com Việt Nam, mức lương trung bình ngành dệt may năm 2016 đã tăng 12% so với năm 2015.
2. Một số thách thức
2.1. Về vốn
Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển CNHT dệt may/da giày khá lớn. Cụ thể, chi phí đầu tư cho công nghiệp dệt, nhuộm, hồ vải thường lớn gấp 6-7 lần so với chi phí đầu tư cho công nghiệp may mặc có cùng quy mô; sản xuất sản phẩm da đòi hỏi vốn đầu tư nhiều hơn từ 8-10 lần so với công nghiệp may giày, dép, túi xách… Trong khi đó, hơn 90% DN Việt Nam có quy mô nhỏ, khả năng tiếp cận nguồn vốn rất hạn chế, nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chưa đủ sức hỗ trợ kịp thời cho các DN.
2.2. Sức cạnh tranh của thị trường ngày càng khốc liệt
Xuất phát điểm thấp, CNHT dệt may/da giày chưa phát triển, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, lại chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các cường quốc sản xuất dệt may thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh… DN Việt Nam mới chỉ tập trung cạnh tranh về giá, song đây chỉ là bước đầu. Nếu DN không cải thiện được khả năng cạnh tranh trên các phương diện khác – chẳng hạn như: chất lượng, khả năng cung ứng đơn hàng lớn, thời gian cung ứng đơn hàng kịp thời, và kênh phân phối – thì sẽ khó thâm nhập được vào thị trường các đối tác FTA, thậm chí thua ngay trên sân nhà.
Với xu thế thương mại hóa toàn cầu ngày càng phát triển thì sự phân công trong chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị gia tăng trên toàn cầu ngày càng đi vào xác định và được quyết định bởi các DN lớn. Các tập đoàn, DN đa quốc gia sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, thường sử dụng mạng lưới xí nghiệp vệ tinh, mạng lưới các DN hỗ trợ sẵn có để chuyên cung cấp các sản phẩm CNHT. Mặt khác, khi sản phẩm hoàn chỉnh được sản xuất cho cả thị trường quốc tế thì các công ty phải thường xuyên thay đổi tính năng, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, tức là tuổi đời của công nghệ rất ngắn, điều đó buộc các DN phải luôn luôn duy trì một sự cơ động, mềm dẻo cao trong việc quản lý dây chuyền cung cấp các sản phẩm hỗ trợ. Trong khi đó, nền công nghiệp nước ta còn kém phát triển, quá trình hội nhập của nước ta muộn hơn, năng lực sản xuất của nước ta còn đang yếu và kinh nghiệm chưa nhiều, cho nên việc len chân được vào chuỗi giá trị toàn cầu là hết sức khó khăn.
Sản phẩm CNHT dệt may/da giày của Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh mạnh với hàng NK bởi nhiều Việt Nam đã ký kết các FTA song phương và đa phương với nhiều nước có thế mạnh cung cấp các sản phẩm này như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Ấn Độ, Australia, Newzealand,… và thuế suất NK nhiều chủng loại sản phẩm CNHT từ các thị trường này về mức 0% từ năm 2018.
2.3. Thách thức từ làn sóng công nghiệp 4.0
Để tận dụng tối đa lợi thế mà các FTA mang lại, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, ngoài việc không ngừng đầu tư, cải tiến công nghệ, mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Công nghiệp 4.0 với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và internet sẽ tạo ra các lợi thế hết sức to lớn. Cuộc cách mạng này nâng cao mức thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống khi các sản phẩm và dịch vụ được tạo ra với chi phí thấp, việc thực hiện được đơn giản hóa.
Công nghiệp 4.0 dự báo cũng đặt ra nhiều vấn đề cho các ngành sản xuất. Đó là nguy cơ mất việc làm cao đối với một số ngành thâm dụng lao động như dệt may/da giày, da giày. Công nghiệp 4.0 vẫn làm gia tăng nguy cơ mất việc làm đối với lao động trong lĩnh vực CNHT dệt may/da giày, đặc biệt lao động có trình độ thấp và ở những công đoạn dễ thay thế bằng máy móc, song mức độ tác động ở mỗi công đoạn sản xuất dệt may/da giày cũng khác nhau.
Đối với dệt may/da giày, Việt Nam trong công nghiệp 4.0 sẽ phải đối mặt với nguy cơ chuyển dần sản xuất quay lại các nước, như: Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc… là các quốc gia có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển và chiếm tới gần 90% tổng kim ngạch XK hàng may mặc của Việt Nam. Đồng thời tạo ra sự chênh lệch lớn về trình độ và thu nhập của người lao động trong DN, trong ngành và giữa các ngành nghề với nhau.
Nguồn: VITIC tổng hợp