Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành lâm nghiệp năm 2022 diễn ra ngày 28/12, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2021, 5/5 chỉ tiêu của ngành lâm nghiệp đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Trong đó, trị giá xuất khẩu lâm sản đạt 15,87 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020 (riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,72 tỷ USD); xuất siêu cả năm ước đạt 12,94 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm trước; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.115 tỷ đồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42,02%, tăng 0,01%, tương ứng 3.300 ha so với năm 2020.
Ông Bùi Chính Nghĩa nêu rõ, trong năm 2021, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, Tổng cục Lâm nghiệp đã thường xuyên phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản nắm bắt tình hình, tham mưu Bộ NN&PTNT các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; theo dõi và phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện, xử lý các vụ tranh chấp thương mại quốc tế.
“Tổng cục cũng phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các biện pháp nhằm bảo hộ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam về xuất khẩu gỗ và đồ gỗ”, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp nói.
Đánh giá cao những kết quả của ngành lâm nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nêu rõ, trị giá xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng trị giá xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; 4,7% trị giá xuất khẩu toàn quốc và là 1 trong 7 mặt hàng có trị giá xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Trị giá xuất siêu lâm sản chiếm lớn nhất trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đóng góp quan trọng vào trị giá xuất siêu của toàn ngành nông nghiệp.
Về mặt thị trường xuất khẩu, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam. Trong năm 2021, Mỹ chi tới 9 tỷ USD mua đồ gỗ của Việt Nam, tăng 24,6% so với năm 2020, chiếm 59,4% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn trong khi sản phẩm đồ gỗ nội thất của Việt Nam đang được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng và đánh giá cao. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cũng lưu ý, quy định xuất xứ, phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này cần được quan tâm.
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tác động chính khiến ngành gỗ có sự chuyển biến tích cực trong những tháng cuối năm 2021 là nhờ những chính sách và hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, cùng với đó là sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành gỗ nhằm duy trì sản xuất.
Năm 2022, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng 42%, nâng cao chất lượng rừng. Cả nước sẽ trồng 230.000 ha rừng tập trung, trồng 122 triệu cây phân tán. Về xuất khẩu, tổng kim ngạch hướng đến là 16 tỷ USD.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục tác động đến hoạt động, sản xuất của ngành, một số đại biểu cho rằng cần tiếp tục có thêm nhiều nỗ lực, sáng kiến mới, nhất là tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý, thời gian tới cần thêm các bộ giống cây lâm nghiệp chủ lực bên cạnh cây keo hiện nay để nâng cao chất lượng rừng và gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Cho rằng thu dịch vụ môi trường rừng đạt trên 3.100 tỷ đồng là cao nhưng chưa tương xứng với tiềm năng từ rừng, lãnh đạo Bộ NN&TPNT nhấn mạnh: “Chúng ta đang kỳ vọng vào việc bán tín chỉ các bon từ rừng. Đây là hướng phát triển lâu dài, bền vững, vừa đảm bảo công bằng vừa là động lực thúc đẩy hình thành vùng nguyên liệu, phát triển rừng. Ngành cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển và bảo vệ rừng”. 

Nguồn: haiquanonline/Thanh Nguyễn