Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), trong tháng 7 giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 1,4 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng 6 và giảm 2% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tháng thứ 2, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm tốc.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) nhận định xuất khẩu gỗ và lâm sản những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp khăn do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao.
Ngoài ra, lạm phát và chính sách thắt chặt tín dụng ở một số nền kinh tế khiến hàng hóa đắt đỏ, nhu cầu về các sản phẩm không thiết yếu như gỗ lao dốc.
Hiện, các đơn hàng từ thị trường Mỹ, châu Âu, Anh đang sụt giảm mạnh, tác động tiêu cực trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành hiện nay.
Bên cạnh đó, ngành gỗ cũng đang đối diện với vụ việc khởi xướng điều tra của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với mặt hàng tủ gỗ và bàn trang điểm.

(Khảo sát của Viforest và Forest Trends)
Mới đây, Hiệp hội gỗ phối hợp với tổ chức Forest Trends đã khảo sát 52 doanh nghiệp ngành về tình hình đơn hàng, sản xuất kinh doanh.
Kết quả cho thấy trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu đi Mỹ có 33 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng chỉ khoảng 11%.
Điều này xảy ra tương tự với thị trường EU. Cụ thể, trong số 38 doanh nghiệp tham gia thị trường này có tới 24 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 doanh nghiệp cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%.
Khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.
“Các con số này cho thấy một bức tranh về thị trường rất ảm đạm. Các doanh nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào.
Nhiều doanh nghiệp cũng đang tiến hành các biện pháp giảm thiểu khắc phục, bao gồm giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường và một số biện pháp khác”, ông Lập nói.
Do đó, đại diện Viforest kiến nghị cơ quan chức năng như giãn nợ, giảm lãi suất; gia hạn các khoản vay đến hạn; tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, giảm/chậm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, giảm tiền thuê đất…

Nguồn: vietnambiz