1. Giới thiệu sách mới: Thị trường rau quả tươi Bắc Âu
Các nước Bắc Âu có khí hậu lạnh trong phần lớn thời gian trong năm dẫn đến khó khăn trong việc sản xuất rau quả trong nước. Rau quả chủ yếu phải nhập khẩu từ các nước trên thế giới.
Các nước Bắc Âu có nhiều điểm chung từ địa lý, lịch sử, khí hậu, văn hóa cho đến chính trị và hệ thống xã hội. Do vậy, thói quen và xu hướng tiêu dùng cũng khá tương đồng. Khi doanh nghiệp đã tiếp cận được một thị trường Bắc Âu sẽ dễ dàng tiếp cận được các thị trường còn lại.
Trong những năm gần đây, lượng tiêu thụ rau quả của các nước Bắc Âu liên tục tăng trưởng là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, đây là các thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao và các doanh nghiệp cần tuân thủ các qui định và yêu cầu nghiêm ngặt không chỉ của EU mà còn của riêng từng nước.
Cuốn sách này sẽ lần lượt giới thiệu tổng quan về thị trường rau quả tươi của Bắc Âu như qui mô, xu hướng, phân khúc thị trường, tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu, các kênh phân phối, các qui định thị trường, cơ hội kinh doanh, để từ đó đưa ra các khuyến nghị đối với doanh nghiệp.
Cuốn sách còn cung cấp danh sách các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và xuất khẩu rau quả tươi vào thị trường Bắc Âu.
Để đọc sách, xin bấm vào đường link dưới đây
https://vietnordic.com/wp-content/uploads/books/NEFruit/index.html
2. Bản tin tiếng Việt tháng 3/2021
https://vietnordic.com/ban-tin-thang-ba-2021/
3. Ngăn chặn rủi ro hóa chất thông qua thương mại điện tử
Theo Cơ quan Hóa chất Thụy Điển, có một số sản phẩm không tuân thủ Luật Hóa chất châu Âu được đưa vào thị trường Thụy Điển thông qua hình thức thương mại điện tử. Đặc biệt, hàng nhập khẩu của cá nhân mua trực tuyến từ các nước không thuộc EU và EEA có thể chứa các hóa chất không rõ nguồn gốc hoặc hóa chất bị hạn chế lưu hành trong EU. Theo đó, ngoài việc tăng nguy cơ gây hại cho sức khoe và môi trường, khả năng cạnh tranh của các công ty châu Âu cũng bị ảnh hưởng.
Báo cáo của Cơ quan Hóa chất Thụy Điển cho biết, thông qua kiểm tra đối với các sản phẩm đưa vào thị trường Thụy Điển thông qua thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ sản phẩm không tuân thủ về các quy định hóa chất của các nhà cung cấp bên ngoài EU và EEA cao hơn nhiều so với các nhà cung cấp trong khu vực này,
Cơ quan Hóa chất Thụy Điển đã đề xuất một số biện pháp với Chính phủ Thụy Điển để giải quyết vấn đề này như:
• Thụy Điển có thể tác động đến các quy định của EU trong tương lai với mục đích tăng cường trách nhiệm quản lý thị trường (ví dụ như Chỉ thị về Thương mại điện tử);
• Cơ quan Hóa chất Thụy Điển có thể tăng cường hỗ trợ Chính phủ để phát triển và triển khai hệ thống toàn cầu góp phần đảm bảo thương mại điện tử an toàn hơn;
• Cơ quan Hóa chất Thụy Điển và Cơ quan Hải quan Thụy Điển có thể hợp tác với nhau hơn nữa để xác định các sản phẩm không đáp ứng yêu cầu về hóa chất và loại bỏ ngay sản phẩm này ở điểm kiểm soát biên giới;
• Thụy Điển có thể hướng tới việc đảm bảo rằng luật hóa chất (như REACH, CLP và POPs) có thể ở mức độ cao hơn tùy thuộc vào các yêu cầu trách nhiệm kinh tế trong EU
4. Công cụ thông tin ghi nhãn thực phẩm mới trên toàn EU
FLIS (Food Labelling Information System), là một công cụ thông tin ghi nhãn thực phẩm mới trên toàn EU, hiện đã có trên trang web của Ủy ban châu Âu. Công cụ này giúp các công ty nhanh chóng tìm ra thông tin về các loại thực phẩm và nhóm thực phẩm khác nhau nên được dán nhãn vào sản phẩm trước khi bán ra thị trường EU.
Hiện nay, phiên bản đầu tiên đang có trên trang web của Ủy ban châu Âu, chứa các quy tắc chung của Liên minh châu Âu về ghi nhãn thực phẩm đối với từng loại hàng hóa. Công cụ này đơn giản, miễn phí, có thể được sử dụng bởi các công ty muốn bán thực phẩm ở các nước EU và các nước muốn xuất khẩu thực phẩm vào EU để biết rõ thêm về quy định ghi nhãn.
Dự kiến trong phiên bản tiếp theo, công cụ này sẽ được bổ sung các quy tắc ghi nhãn quốc gia bắt buộc áp dụng cụ thể cho các quốc gia thành viên khác nhau của EU.
Đây là một công cụ hữu ích đề các doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm ra những thông tin bắt buộc phải có trên bao bì.
5. Vật liệu hỗn hợp từ tre và nhựa có thể không được phép trong đĩa và cốc
Theo Cục Quản lý Thực phẩm Quốc gia Thụy Điển, trong những năm gần đây, các sản phẩm như đĩa và cốc làm từ hỗn hợp sợi tre, bột tre và một số dạng nhựa như melamine đã xuất hiện. Các sản phẩm này thường hướng đến trẻ em và được bán trên thị trường như các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, hiện tại EU đã có những cảnh báo về việc đĩa và cốc làm từ hỗn hợp này không được phép sử dụng và trong một số trường hợp, các sản phẩm này đã được chứng minh là có hại cho sức khỏe con người.
Hệ thống cảnh báo thực phẩm của EU, RASFF đã cảnh báo có những sản phẩm loại này giải phóng melamine và formaldehyde vào thực phẩm ở mức cao có thể gây hại cho sức khỏe.
Cục Quản lý Thực phẩm Quốc gia Thụy Điển khuyến cáo các công ty buôn bán sản phẩm này làm việc với các nhà sản xuất về thành phần của những sản phẩm này được làm bằng gì, có làm bằng tre, nứa nguyên chất không hay pha lẫn nhựa trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Hiện nay, Thụy Điển chưa có một quy định cụ thể nào đối với hệ thống kiểm soát hoàn chỉnh đối với các vật liệu dự định tiếp xúc với thực phẩm. Văn phòng Chính phủ Thụy Điển đang làm việc để dự thảo một quy định mới về vấn đề này và hy vọng sẽ áp dụng được trong năm nay.
6. Từ ngày 1/4/2021, thực phẩm vượt quá giới hạn tối đa chất béo chuyển hóa sẽ không được bán trên thị trường EU
Tháng 4/2019, quy định 2019/649 sửa đổi phụ lục III quy định 1925/2006 về chất béo chuyển hóa đã được công bố chính thức. Quy định mới này đặt ra giới hạn hàm lượng chất béo chuyển hóa, trừ chất béo chuyển hóa tự nhiên trong động vật, trong thực phẩm dành cho người tiêu dùng cuối cùng và thực phẩm dùng để cung cấp cho cơ sở bán lẻ, không được vượt quá 2 gam trên 100 gam chất béo.
Quy định có hiệu lực từ tháng 4/2019. Tuy nhiên, thực phẩm không tuân thủ quy định này vẫn có thể tiếp tục được bán trên thị trường cho đến ngày 01/4/2021.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Ai-xơ-len, Na uy, Lát-vi-a)

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương