Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10 tháng 4 năm 2020 về việc xây dựng phương án điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5 năm 2020 và thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1152/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2020 thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với một số cơ quan có liên quan từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 4 năm 2020 để cập nhật tình hình sản xuất, xuất khẩu, tồn kho thóc gạo và ý kiến đề xuất, nếu có, về phương án điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5 năm 2020 và thời gian tới.
Đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Trồng trọt, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản), Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Công an (Cục An ninh kinh tế) và Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Đoàn kiểm tra liên ngành đã làm việc với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Chi cục Hải quan khu vực I, Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh; khảo sát tại cảng Cát Lái, cảng ICD để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng cũng như quy trình thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, kiểm soát, thông quan hàng hóa tại một số cảng, cửa khẩu. Đoàn cũng đã tổ chức buổi làm việc ngày 22 tháng 4 năm 2020 với đại diện các tỉnh/thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP. Hồ Chí Minh, đại diện của Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam để đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và kế hoạch trong thời gian tới.
Căn cứ kết quả làm việc của Đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm b khoản 2 văn bản số 2827/VPCP-KTTH dẫn trên, Bộ Công Thương đã dự thảo phương án điều hành xuất khẩu gạo và gửi văn bản số 2939/BCT-XNK ngày 24 tháng 4 năm 2020 xin ý kiến các thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành và các Bộ, ngành liên quan về phương án này.
Sau khi tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành và các thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành, Bộ Công Thương kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10 tháng 4 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ và kiến nghị phương án điều hành xuất khẩu gạo cho thời gian tới như sau:
Tình hình thực hiện chỉ đạo củ Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 2827/VPCP-KTTH
Công tác triển khai của Bộ Công Thương
Để triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã dự thảo và sau đó trao đổi nhanh với Tổng cục Hải quan và Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam để thống nhất nội dung trước khi ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10 tháng 4 năm 2020 công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4 năm 2020.
Đồng thời, ngày 10 tháng 4 năm 2020, Bộ Công Thương đã có văn bản số 2581/BCT-XNK gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị phối hợp triển khai thực hiện văn bản số 2827/VPCP-KTTH và Quyết định số 1106/QĐ-BCT. Ngày 10 tháng 4 năm 2020, Bộ Công Thương cũng đã có các công văn số 361/XNK-NS và số 362/XNK-NS gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thông tin về văn bản số 2827/VPCP-KTTH, Quyết định số 1106/QĐ-BCT để biết và kịp thời triển khai thực hiện. Bộ Công Thương cũng đề nghị phản ánh về Bộ Công Thương nếu có vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện hạn ngạch xuất khẩu gạo để kịp thời trao đổi phương án xử lý với các cơ quan liên quan.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu và các trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, Thông tư số 30/2018/TT-BCT ngày 01 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan.
Công tác triển khai của Bộ Tài chính
Căn cứ nguyên tắc quản lý hạn ngạch quy định tại Quyết định số 1106/QĐ-BCT nêu trên, Tổng cục Hải quan tiến hành thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS) để tự động theo dõi trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu và áp dụng từ 0 giờ ngày 12 tháng 4 năm 2020. Việc trừ lùi được Hệ thống tự động thực hiện ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến Hệ thống theo nguyên tắc tờ khai hải quan đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước và Hệ thống sẽ tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu (là 400.000 tấn).
Tính đến thời điểm báo cáo, các thương nhân đã đăng ký 521 tờ khai, tương đương 399.999,63 tấn. Phần lớn số tờ khai được doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu qua các cửa khẩu quốc tế tại TP.Hồ Chí Minh (442 tờ khai, tương đương 304.846,75 tấn, chiếm 76,21%).
Tính đến thời điểm xây dựng báo cáo (11 giờ 30 ngày 26 tháng 4 năm 2020), theo thống kê tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan, đã thực xuất khẩu được 185.634,59 tấn (chiếm 46,41% tổng lượng hạn ngạch 400.000 tấn), còn 214.365,14 tấn đã đăng ký nhưng chưa xuất khẩu (chiếm 53,59%).
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính tại công văn số 5005/BTC-TCHQ ngày 23 tháng 4 năm 2020 về hạn ngạch xuất khẩu gạo:
- Số lượng gạo đã được đưa vào cảng trước ngày 24 tháng 3 năm 2020 nhưng chưa đăng ký được tờ khai là 17.380,02 tấn;
- Số lượng gạo đã được đưa vào cảng từ ngày 24 tháng 3 năm 2020 đến hết ngày 21 tháng 4 năm 2020 nhưng chưa đăng ký được tờ khai hải quan, được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng và cơ quan hải quan là 55.446,68 tấn.
Kế hoạch và tình hình sản xuất, tiêu thụ thóc gạo năm 2020
Tại văn bản số 2092/BC-BNN-TT ngày 23 tháng 3 năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch sản xuất và tiêu thụ lúa gạo và rau quả năm 2020 như sau:
Kế hoạch và tình hình sản xuất
Sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Trong đó:
- Vụ Đông Xuân: sản lượng ước đạt 20,2 triệu tấn thóc; trong đó, sản lượng vùng ĐBSCL ước đạt 10,8 triệu tấn.
- Vụ Hè Thu: sản lượng ước đạt 11,0 triệu tấn thóc; trong đó, vùng ĐBSCL ước đạt 8,7 triệu tấn (đến nay đã xuống giống được 0,3 triệu ha, tập trung ở vùng không bị ảnh hưởng của hạn, mặn).
- Vụ Thu Đông tại các tỉnh vùng ĐBSCL ước đạt 4,2 triệu tấn thóc, diện tích gieo cấy dự kiến 750 nghìn ha.
- Vụ Mùa: sản lượng ước đạt 8,2 triệu tấn thóc. Vùng Trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng ước đạt 4,7 triệu tấn; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ước đạt 1,4 triệu tấn.
Riêng vùng ĐBSCL, vụ Đông Xuân tới nay về cơ bản đã thu hoạch xong 1,54 triệu ha gieo trồng, sản lượng ước đạt 10,8 triệu tấn thóc.
Nhu cầu tiêu dùng và dự trữ
Tại văn bản số 2092/BC-BNN-TT dẫn trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 (đã bao gồm cả dự trữ) là 29,96 triệu tấn thóc, cụ thể như sau:
- Tiêu thụ của người dân: 14,26 triệu tấn
- Phục vụ chế biến: 7,5 triệu tấn.
- Phục vụ chăn nuôi: 3,4 triệu tấn.
- Dùng làm giống, giống dự phòng: 1,0 triệu tấn.
- Dự trữ trong nước: 3,8 triệu tấn.
Như vậy, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo.
Riêng vụ Đông Xuân, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi trừ đi nhu cầu dự trữ và tiêu dùng, lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn.
Tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì tại Văn phòng Chính phủ ngày 20 tháng 4 năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định số liệu báo cáo về sản lượng vụ Đông Xuân không có sự thay đổi so với số liệu tại công văn số 2092/BC-BNN-TT ngày 23 tháng 3 năm 2020.
Tình hình xuất khẩu
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong quý I năm 2020 đạt 1,52 triệu tấn.
Hạn ngạch gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 năm 2020 là 400 nghìn tấn và được bổ sung 100 nghìn tấn tạm ứng trước theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 163/TB-VPCP ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ. Tuy nhiên, như trên đã trình bày, tới ngày 24 tháng 4 năm 2020 xuất khẩu gạo mới đạt 185.634,59 tấn. Căn cứ năng lực thông quan của hệ thống cửa khẩu quốc tế hiện nay, dự kiến xuất khẩu gạo trong tháng 4 sẽ dao động trong khoảng 300 - 350 nghìn tấn. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 4, xuất khẩu gạo ước đạt tối đa 1,9 triệu tấn.
Với tổng lượng gạo có thể xuất khẩu là khoảng 3,2 triệu tấn (tính cả lượng “gối đầu” từ năm 2019 chuyển sang khoảng 200 nghìn tấn), sau khi trừ đi lượng gạo dự kiến xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2020, lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu là khoảng 1,3 triệu tấn.
Phản ứng quốc tế
Sau Philippines và Ô-xtrây-lia, thời gian qua có thêm một số nước khác như Nhật Bản, Singapore, Mông Cổ, Lào … đã có văn bản gửi đến Bộ Công Thương để bày tỏ ý kiến về hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam và đề nghị Việt Nam sớm khôi phục hoàn toàn xuất khẩu gạo vì lương thực, ngoài ý nghĩa kinh tế, còn có ý nghĩa nhân đạo, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.
Ý kiến các tỉnh, Hiệp hội và Doanh nghiệp
Các ý kiến tại cuộc họp ngày 22 tháng 4 năm 2020 với Đoàn kiểm tra liên ngành đều khẳng định vụ Đông Xuân tại khu vực ĐBSCL được mùa, số liệu về sản lượng nhìn chung không có sự thay đổi so với đánh giá tại cuộc họp ngày 26 tháng 3 năm 2020. Do giãn tiến độ xuất khẩu từ ngày 24 tháng 3 đến ngày 10 tháng 4 năm 2020 nên lượng thóc - gạo còn tồn tại kho của các thương nhân tại các tỉnh/thành phố là khá lớn.
Các ý kiến phát biểu đều khẳng định an ninh lương thực vào thời điểm này không còn là vấn đề đáng lo ngại như thời điểm cuối tháng 3. Theo đó, các tỉnh và các doanh nghiệp thống nhất kiến nghị cho tăng thêm lượng hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 5 (khoảng từ 600 đến 650 nghìn tấn), hoặc cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, không áp dụng hạn ngạch.
Một số ý kiến bày tỏ thắc mắc về quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo vào ngày 23 tháng 3 năm 2020, sau đó cho xuất khẩu trở lại nhưng áp dụng hạn ngạch từ ngày 10 tháng 4 năm 2020. Nhiều ý kiến đề nghị có biện pháp để giải phóng nhanh lượng gạo đang tồn tại các cảng do không đăng ký được tờ khai xuất khẩu theo hạn ngạch, đồng thời đề nghị Hải quan đẩy nhanh tốc độ thông quan mặt hàng gạo để giảm thiểu chi phí lưu kho, lưu bãi, lưu tàu cho thương nhân.
Đoàn kiểm tra liên ngành đã thông tin lại với cuộc họp về các chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 163/TB-VPCP ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, thóc nếp, gạo nếp và tấm nếp đã được xuất khẩu theo nhu cầu trong tháng 4 năm 2020, không chịu sự điều chỉnh của cơ chế điều hành xuất khẩu gạo tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH. Hạn ngạch xuất khẩu gạo cũng đã được tạm ứng trước 100 nghìn tấn để xử lý cho các lô hàng đã đưa vào cảng trước ngày 24 tháng 3 năm 2020 nhưng chưa mở được tờ khai hải quan.
Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã giải thích lại với hội nghị về hoàn cảnh ra đời của các biện pháp điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 4 năm 2020, cụ thể là:
- Hoạt động xuất khẩu gạo đến giữa tháng 3 cho thấy nhu cầu lương thực của thế giới tăng rất mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Bên cạnh nhu cầu tiêu dùng thực tế mà các nước xuất khẩu gạo vẫn có thể đáp ứng, đã xuất hiện nhu cầu tăng dự trữ chiến lược tại nhiều quốc gia khiến giao dịch gạo trong thời gian đầu tháng 3 rất sôi động, gạo bị hút rất mạnh ra khỏi Việt Nam, giá gạo thế giới liên tục tăng dù Ấn Độ và Việt Nam (2 quốc gia sản xuất, xuất khẩu gạo lớn) được mùa.
- Nếu tiếp tục giữ tốc độ xuất khẩu bình quân 25 nghìn tấn/ngày như 15 ngày đầu tháng 3 thì xuất khẩu gạo Quý I/2020 sẽ đạt gần 1,7 triệu tấn, đến hết tháng 5 năm 2020 sẽ đạt 3,2 triệu tấn, bằng đúng tổng lượng gạo vụ Đông Xuân có thể dành cho xuất khẩu. Như vậy, trong giai đoạn giáp hạt từ khoảng cuối tháng 5 cho đến khi vụ Hè Thu thu hoạch rộ (khoảng giữa tháng 6), xuất khẩu sẽ bắt đầu lạm vào lượng gạo lẽ ra phải dành cho nhu cầu trong nước. Trong điều kiện bình thường, ta có thể cân đối được nhưng vào thời điểm 23 tháng 3, khi Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ bùng phát dịch bệnh , tâm lý người dân rất không ổn định thì nguy cơ thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước là có thực, thậm chí có thể tới sớm hơn thời điểm cuối tháng 5 năm 2020.
- Một yếu tố khác rất khó đoán định vào cuối tháng 3 năm 2020, có khả năng gây tác động mạnh đến an ninh lương thực, là kết quả vụ Đông Xuân của 31 tỉnh, thành phố phía Bắc. Với diễn biến phức tạp của thời tiết do biến đổi khí hậu và nhuận hai tháng tư âm lịch, có nguy cơ bùng phát các nhóm sinh vật, sâu bệnh gây hại cho lúa vụ Đông Xuân . Vụ Đông Xuân rất quan trọng, quyết định 60% sản lượng lương thực của khu vực này. Do vậy, nếu xảy ra biến cố thì lượng gạo tại vùng ĐBSCL, dù được mùa, cũng sẽ không đủ dùng cho nhu cầu trong nước nếu tiếp tục cho phép xuất khẩu với tốc độ lên tới 25 nghìn tấn/ngày.
- Đứng trước hoàn cảnh cấp bách nêu trên, ngày 23 tháng 3 năm 2020, Thường trực Chính phủ quyết định tạm thời giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực, đặt an toàn của người dân lên hàng đầu, không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ thời điểm, địa điểm nào trong cả nước. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trên thế giới, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác cũng buộc phải đưa ra các động thái tương tự để bảo đảm nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân (như Thái Lan phải tạm ngừng xuất khẩu trứng, Campuchia tạm ngừng xuất khẩu thóc và gạo trắng, Ủy ban Kinh tế Á - Âu tạm ngừng xuất khẩu gạo, kiều mạch, hành, tỏi, ngũ cốc, bột mì, lúa mạch đen, đậu nành và một số loại thực phẩm chế biến sẵn v..v).
Kiến Nghị:
Bối cảnh trong nước
Đến cuối tháng 4 năm 2020, các yếu tố quan trọng nhất dẫn đến quyết định giãn tiến độ xuất khẩu gạo vào cuối tháng 3 đã có sự thay đổi đáng kể, theo hướng tốt lên, cụ thể là:
- Công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực, dịch bệnh về cơ bản được khống chế dù nguy cơ lây nhiễm vẫn còn. Theo thông báo cập nhật của Bộ Y tế, cho đến sáng ngày 26 tháng 4 năm 2020, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 10 liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 nào trong nước; đã có 225/270 ca mắc được chữa khỏi, chỉ còn 45 ca đang được điều trị, trong đó 16 ca đã cho kết quả xét nghiệm âm tính 1-2 lần.
- Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội đã được nới lỏng, tất cả các tỉnh/thành phố đều đã được hạ thấp nhóm nguy cơ (trừ hai huyện Mê Linh và Thường Tín thuộc thành phố Hà Nội, huyện Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang, huyện Yên Phong thuộc tỉnh Bắc Ninh). Cả nước đã chuyển sang một giai đoạn mới, vừa thực hiện giãn cách xã hội nhưng cũng vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh và sẵn sàng thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt.
- Nhờ vào thành công của công tác phòng, chống dịch Covid-19 của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, Chính phủ trong suốt thời gian qua, cộng thêm nỗ lực của ngành Công Thương và các tỉnh trong việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường trong nước, tâm lý người dân đã ổn định trở lại, không còn hiện tượng mua gom, tích trữ nhu yếu phẩm như tại thời điểm cuối tháng 3.
- Về nguồn cung thóc gạo, vụ Đông Xuân tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã ổn định và đang thu hoạch thuận lợi; vụ Đông Xuân tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về cơ bản đã thu hoạch xong và được mùa. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại buổi làm việc ngày 22 tháng 4 năm 2020, vụ Đông Xuân năm 2020 vùng ĐBSCL tính đến nay đã chính thức đạt được sản lượng thóc gạo như dự báo. Lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu là khoảng 3,2 triệu tấn (tính cả lượng gạo "gối đầu" từ năm trước chuyển qua). Vụ Hè Thu sản lượng ước đạt 11,0 triệu tấn thóc, trong đó vùng ĐBSCL ước đạt 8,7 triệu tấn (đến nay đã xuống giống được 0,75 triệu ha). Dự kiến lượng gạo hàng hóa của vụ Hè Thu có thể xuất khẩu là khoảng 2,3 - 2,4 triệu tấn.
- Với tính toán đã trình bày tại mục III nêu trên, với tổng lượng gạo có thể xuất khẩu khoảng 3,2 triệu tấn, sau khi trừ đi lượng gạo dự kiến xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2020, lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu trong thời gian từ đầu tháng 5 tới giữa tháng 6 (thời điểm vụ Hè Thu thu hoạch rộ) là khoảng 1,3 triệu tấn (chưa tính lượng gạo hàng hóa được bổ sung từ thu hoạch sớm tại 1 số vùng trong nửa cuối tháng 5, dự kiến khoảng 100 nghìn ha). Qua theo dõi của Bộ Công Thương, trong vòng 5 năm trở lại đây, với năng lực thông quan của các cảng/cửa khẩu quốc tế hiện nay, ta chưa khi nào xuất khẩu được 700 nghìn tấn gạo/tháng. Như vậy, kể cả trong trường hợp tháng 5 xuất khẩu được 700 nghìn tấn, ta vẫn còn tồn ít nhất là 600 nghìn tấn trong nửa đầu tháng 6, trước khi được bổ sung nguồn cung từ vụ Hè Thu thu hoạch rộ. Đây là điểm khác biệt cơ bản về cung - cầu gạo so với thời điểm cuối tháng 3 năm 2020.
Có thể khẳng định ta đã đạt được mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhất.
Bối cảnh ngoài nước
- Sau khi áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 25 tháng 3 năm 2020 để kiểm soát dịch bệnh, Ấn Độ dự báo sẽ cân nhắc việc nới lỏng lệnh phong tỏa trong những ngày đầu tháng 5 khi diễn biến dịch bệnh tại nước này nói riêng cũng như trên thế giới nói chung đang có những chuyển biến theo hướng tích cực. Sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, dự kiến Ấn Độ sẽ cung ứng ra thị trường thế giới một lượng gạo tương đối lớn, khả năng giá gạo thế giới sẽ giảm so với hiện nay.
- Bên cạnh đó, một số nước đã chủ động tự túc nguồn cung lương thực hoặc bổ sung dự trữ lương thực từ nhiều nguồn khác trong 01 tháng qua nên khả năng hút hàng từ Việt Nam không còn đáng báo động như thời điểm cuối tháng 3 năm 2020.
- Các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại gạo với Việt Nam đều thể hiện sự đồng cảm với Chính phủ Việt Nam khi phải đưa ra một quyết định không dễ dàng nhằm đảm bảo an ninh lương thực và an toàn cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề an ninh lương thực quốc gia, còn có vấn đề nhân đạo mà Việt Nam, với tư cách là một quốc gia có trách nhiệm trước các vấn đề toàn cầu, không thể không lưu ý đến, nhất là khi ta đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020. Theo dự báo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dưới sự tác động mạnh mẽ của dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, có thể xảy ra tình trạng thiếu lương thực cục bộ tại một số khu vực khi chuỗi cung ứng thực phẩm bị gián đoạn và các quốc gia cần nỗ lực hơn nữa để hợp tác xử lý vấn đề này. Việc xuất khẩu gạo của nước ta, vì vậy, cần cân nhắc thêm về yếu tố đối ngoại như tại Thông báo số 163/TB-VPCP ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ đã đề cập: “không ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế và quan hệ đối ngoại của Việt Nam”.
Kiến nghị phương án điều hành
Căn cứ bối cảnh trong nước và ngoài nước, xét mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong thời điểm khó khăn nhất đã đạt được, trên cơ sở các số liệu mới nhất về cung - cầu gạo trong nước trước khi bước vào vụ Hè Thu, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
- Kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2020, dừng cơ chế điều hành xuất khẩu gạo quy định tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10 tháng 4 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ.
- Kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2020, cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Để duy trì, đảm bảo an ninh lương thực trong trạng thái bình thường mới hiện nay, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu điều hành xuất khẩu gạo tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ, Bộ Công Thương xin kiến nghị tiếp tục thực hiện một số biện pháp hỗ trợ sau đây:
- Tiếp tục thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không). Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Biên phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ để phòng ngừa, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu gạo qua biên giới.
- Bộ Công Thương tiếp tục đôn đốc các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc tuân thủ quy định tại Điều 12 của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về việc thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó và cam kết sẽ cung cấp ngay ra thị trường trong nước nếu được Chính phủ yêu cầu, đồng thời đề nghị 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất là 01 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.
Trường hợp thương nhân không thực hiện việc duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, hoặc không thực hiện cam kết theo thỏa thuận đã ký, hoặc khai báo không trung thực, đã được nhắc nhở nhưng không khắc phục, cho phép Bộ Công Thương thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp cho thương nhân đó.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo các Sở Công Thương trên địa bàn tăng cường công tác đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác sản xuất nông nghiệp, đảm bảo đáp ứng đủ nguồn cung thóc gạo phục vụ nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu.