Ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Ngay sáng 7/3, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng đoàn công tác Bộ Công Thương đã gấp rút lên đường tới làm việc tại tỉnh Lạng Sơn - một trong những địa phương có hoạt động giao thương qua biên giới mạnh mẽ nhất với Trung Quốc.
Trước khi đến làm việc tại UBND tỉnh Lạng Sơn, đoàn công tác Bộ Công Thương đã có mặt tại cửa khẩu Hữu Nghị từ 8h sáng để trực tiếp trao đổi với lực lượng chức năng đang hoạt động quanh khu vực cửa khẩu và tại khu vực cách ly phục vụ hoạt động giao, nhận hàng hóa xuất nhập khẩu.
8h sáng đoàn công tác Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm trưởng đoàn có mặt tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và khu vực cách ly riêng phục vụ hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu
Lạng Sơn chủ động ứng phó dịch bệnh
Theo tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 5/2/2020 đến hết ngày 1/3/2020, tại 5 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thông quan được 7.048 xe, trong đó xuất khẩu 3.369 xe, nhập khẩu 3.679 xe.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh đến hết ngày 29/2/2020 đạt 360 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 210 triệu USD.
Tại cửa khẩu Hữu Nghị, trong khi chưa có phương án phòng chống dịch bệnh tối ưu đối với lái xe quan biên giới, UBND Lạng Sơn đã chủ động chủ đạo các cơ quan chức năng thiết lập khu vực cách ly riêng chia làm nhiều khu nhỏ cho lái xe và chủ hàng Trung Quốc; lái xe và chủ hàng Việt Nam; nhân viên bốc xếp, giao nhận. Khu cách ly được dảm bảo công tác quản lý, giám sát y tế chặt chẽ, nghiêm ngặt và thực hiện tiêu độc khử trùng triệt để với tổ lái xe chuyên dụng để đảm bảo phòng dịch.
Ông Hồ Tiến Thiệu - Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Lạng Sơn báo cáo tình hình phòng chống dịch và hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh
Cũng trong quá trình vận hành phương thức này, Lạng Sơn đã có sáng kiến cho các chủ hàng, lái xe mặc quần áo bảo hộ y tế khi sang Tủng Quốc giao dịch và cởi bỏ, tiêu hủy theo quy định. Khi trở lại Việt Nam, các đối tượng này không cần phải cách ly.
Sáng kiến này đã được Bộ Y tế chấp thuận, đồng thời nhân rộng áp dụng trong thực hiện xuất nhập cảnh qua biên giới, nhờ đó góp phần cải thiện rõ rệt kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo phòng chống dịch có hiệu quả.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết quá trình thực hiện thông quan đặt yếu tố an toàn y tế lên hàng đầu
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Lạng Sơn là một trong những địa phương điển hình trong kịp thời triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương liên quan, đồng thời chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức kiểm tra trực tiếp sát sao tại cửa khẩu và không ngần ngại đề xuất các giải pháp mới, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để từng bước khắc phục tác động của Covid-19 lên kinh tế, thương mại.
Thấu hiểu với những vất vả mà tỉnh đang nỗ lực vượt qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu cao tinh thần trách nhiệm của Lạng Sơn khi chủ động tính toán các giải pháp ngắn hạn trong thời điểm dịch căng thẳng nhất đến khi dần được kiểm soát, trong đó có cả những trăn trở về giải pháp dài hạn liên quan đến tái cơ cấu, tổ chức lại thị trường xuất nhập khẩu.
“Tôi cũng rất ấn tượng với việc các đồng chí đã duy trì và giữ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với nước bạn, cập nhật kịp thời thông tin về phòng chống dịch bệnh của bạn, đặc biệt ở các tỉnh như Quảng Tây, Vân Nam”, Bộ trưởng bày tỏ, cho rằng đây là hướng đi đúng trong việc tìm kiếm giải pháp kịp thời và khai thác tốt vai trò đối tác của Trung Quốc trong thương mại qua biên giới.
Chuyến làm việc của đoàn công tác Bộ Công Thương và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh được đánh giá rất có ý nghĩa và kịp thời ngay sau khi Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành
Càng khó khăn, càng vào cuộc quyết liệt
Trước thông tin Việt Nam có ca nhiễm Covid-19 thứ 17, người đứng đầu ngành Công Thương thẳng thắn nhận định tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, trong bối cảnh dù Trung Quốc đã dần kiểm soát dịch bệnh nhưng số lượng ca nhiễm bên ngoài quốc gia này lại tăng nhanh, trong đó có nhiều đối tác quan trọng của Việt Nam, gây áp lực lên kinh tế toàn cầu.
Hơn bao giờ hết trong nước không được chủ quan, nhưng cũng không nên bi quan, nhụt chí bởi Chính phủ cũng như Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục dự báo các kịch bản dịch bệnh theo nhiều cấp độ trong ngắn hạn và dài hạn, từ đó đưa ra quyết sách, giải pháp ứng phó phù hợp.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc đầy đủ chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19, trong đó yêu cầu đầu tiên là đảm bảo tính mạng sức khỏe của người dân, luôn chuẩn bị sẵn sàng với mọi tình huống, diễn biến mới của dịch bệnh, trong đó có tính toán đến cả đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân.
Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định quyết tâm vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của Bộ Công Thương và Chính phủ trong đồng hành cùng địa phương, doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng chưa nên hài lòng với sự cải thiện của xuất nhập khẩu những ngày qua, cần kiên định hướng tới mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra là phòng chống dịch bệnh đi kèm với duy trì phát triển kinh tế ổn định, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp vượt qua bão dịch.
Mặt khác, Trung Quốc cũng bắt đầu cho thấy có nhu cầu cao trong khôi phục nền kinh tế thông qua nhập khẩu một số mặt hàng trong nước còn thiếu, đây chính là cơ hội mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt để lấy lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu.
“Bộ Công Thương đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các Bộ, ngành để đẩy nhanh xúc tiến mở cửa thị trường hơn nữa. Trong khi Trung Quốc có nhu cầu với hơn 20 mặt hàng rau quả, trái cây của ta mà ta chỉ đang xuất khẩu có 8 loại, không thể kìm hãm năng lượng sản xuất của chính chúng ta được nữa. Chúng tôi cũng rất sốt ruột về vấn đề này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sốt sắng, nhưng vẫn khẳng định một mặt Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đóng gói bao bì,… để đủ yêu cầu xuất khẩu chính ngạch qua nước bạn.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chủ động làm việc với các Bộ, ngành để trình Chính phủ loạt giải pháp ứng phó với Covid-19 hiệu quả hơn, đồng thời khẩn trương làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, tổ chức điện đàm với lãnh đạo tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc và Tổng Cục Hải quan Trung Quốc nhằm tạo cơ chế thuận lợi nhất cho địa phương và doanh nghiệp, dựa trên cơ sở thực tiễn đề xuất mà Bộ Công Thương đã ghi nhận được thời gian qua.
Các vấn đề cũng như kiến nghị, đề xuất sẽ được Bộ Công Thương tiếp thu và đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương doanh nghiệp do Bộ tổ chức dự kiến vào ngày 16/3 tới. Tại Hội nghị, các nhiệm vụ cụ thể sẽ được giao đến từng đơn vị thuộc Bộ Công Thương để vào cuộc quyết liệt hơn, đồng thời sẵn sàng các giải pháp để báo cáo Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp triệt để, có hiệu quả.
Tạp chí Công Thương