Tại Họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã thông tin ngắn gọn đến các cơ quan báo chí, truyền thông về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2016.

Theo đó, trong tháng 4, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9% so với tháng 4 năm 2015. Tính chung 4 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất tăng 7,3% so với năm 2015, thấp hơn so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm nhìn chung ổn định, tiếp tục tăng trưởng khá. Tuy nhiên, mức tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn còn thấp hơn so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ.  

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải – người phát ngôn Bộ Công Thương

Với 14,1 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 được nhận định tăng thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm do kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh ở nhóm nguyên liệu khoáng sản. Kim ngạch nhập khẩu 4 tháng năm 2016 đạt 51,4 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, là một Bộ kinh tế đa ngành, Bộ Công Thương luôn nhận được sự quan tâm phản ánh của các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông. Thứ trưởng khẳng định, trong thời gian han hẹp của buổi họp báo, Lãnh đạo Bộ cùng Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ sẽ cố gắng giải đáp hết những thắc mắc của báo giới, tuy nhiên, với một số câu hỏi chưa kịp trả lời tại cuộc họp, Bộ Công Thương sẽ trả lời bằng văn bản để kịp thời thông tin, giải đáp những thắc mắc của các cơ quan truyền thông trong thời gian sớm nhất có thể.

Đề xuất sửa đổi Nghị định về bán hàng đa cấp

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan dến việc thanh tra một số doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Phó Cục trưởng Nguyễn Phương Nam cho biết, sau những vi phạm liên quan đến bán hàng đa cấp thời gian qua, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (gồm thành viên của Bộ Công an, Sở Công Thương các tỉnh…) để kiểm tra, rà soát tình trạng bán hàng đa cấp và có những báo cáo cụ thể lên cơ quan cấp trên. Tuy nhiên, khi thời gian thanh, kiểm tra chưa kết thúc, một số cơ quan báo chí thông tin  đã có kết quả của đợt thanh, kiểm tra và một số doanh nghiệp được kết luận “không vi phạm pháp luật”.

Song ông Nguyễn Phương Nam khẳng định: “Đây không phải quan điểm của Bộ Công Thương, quan điểm của Cục Quản lý cạnh tranh. Chúng tôi chưa hề có ý kiến chính thức nào. Hiện những buổi làm việc đó đang được ghi nhận bằng biên bản và tập hợp để đưa ra kết luận cuối cùng. Theo quy định, trong vòng 45 ngày, Đoàn sẽ có báo cáo cuối cùng, nếu phức tạp thì có thể gia hạn thêm 30 ngày. Như vậy, phải giữa tháng 6 có thể mới ra kết quả cuối cùng”. Khi đó, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ thông tin đến các cơ quan truyền thông một cách cụ thể.

Phó Cục trưởng Cuc Quản lý cạnh tranh Nguyễn Phương Nam

Mặc dù Nghị định về bán hàng đa cấp (Nghị định số 42/2014/NĐ-CP) mới ban hành chưa lâu (năm 2014), nhưng vì nhận thấy chưa phù hợp với thực tế nên Bộ Công Thương, cụ thể là Cục Quản lý cạnh tranh vẫn chủ động đề xuất sửa đổi. Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh thông tin thêm: “Dự kiến, trong tháng 5 sẽ có bản dự thảo theo hướng quản lý, siết chặt bán hàng đa cấp làm sao quản lý tốt hơn”.

Khi được hỏi về những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng người dân bị lôi kéo vào mạng lưới bán hàng đa cấp, ông Nguyễn Phương Nam cho biết, thời gian qua, Cục Quản lý cạnh tranh đã tăng cường công tác thông tin truyền thông đến người dân, đăng tải các bài viết trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (www.moit.gov.vn) và website của Cục Quản lý cạnh tranh (http://www.vca.gov.vn). Cục cũng đã cung cấp công khai danh sách các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp được cấp phép để người dân tìm hiểu thêm. Bên cạnh đó, trong công tác rà soát văn bản, Cục đã tích cực sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan nhằm siết chặt hơn nữa tình trạng bán hàng đa cấp.

Hiện không có bất kỳ dự án thủy điện nào trên sông Hồng

Tại cuộc họp báo, ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng khẳng định với báo giới: "Hiện không có bất kỳ dự án thủy điện nào trên sông Hồng được Bộ Công Thương phê duyệt cũng như nằm trong quy hoạch".

Theo ông Đỗ Đức Quân, việc thời gian qua nhiều báo đưa về việc “siêu dự án thủy điện” trên sông Hồng là hoàn toàn chưa chính xác mà đây là dự án giao thông thủy xuyên Á, có đập, âu thuyền để dâng nước lên. Tất nhiên cũng sẽ cân nhắc hài hòa các lợi ích và có thể kết hợp làm thủy điện.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng Đỗ Đức Quân

Tuy nhiên, với đặc thù là dự án phục vụ nhu cầu giao thông, dự án giao thông thủy này có là siêu dự án hay không, quy mô thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Bộ Gao thông vận tải. Dự án này mới ở giai đoạn nghiên cứu, sau này các Bộ có liên quan sẽ làm rõ.

Đặt vấn đề về việc có xây dựng nhà máy thủy điện trong thời gian tới hay không, đại diện Tổng cục Năng lượng trao đổi: “Giả sử Chính phủ cho nghiên cứu mà có thể làm hiệu quả thủy điện, giá bán hợp lý thì Bộ Công Thương sẽ ủng hộ. Tất nhiên đây mới chỉ là đề xuất sơ bộ, chưa có nghiên cứu và cũng chưa có quy hoạch cụ thể, hồ sơ chi tiết về thủy điện trên sông Hồng”.

Bàn luận thêm về nội dung này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Chúng tôi không làm nhà máy thủy điện bằng mọi giá. Bởi vì đã có lúc chúng ta phải trả giá về môi trường, kể cả hạn hán, mưa lũ đã phải trả giá rồi. Vì thế cần phải tính toán một cách cụ thể các tác động về môi trường khi thực hiện dự án này. Chúng ta không bao giờ đổi môi trường để lấy cái gì bằng mọi giá. Môi trường không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến chúng ta mà còn con cháu chúng ta sau này”.

Kết nối cung cầu, giúp đỡ ngư dân

Trước tình hình cá chết hàng loạt tại miền Trung, gây tâm lý hoang mang trong dư luận khi tiêu thụ hải sản, làm ảnh hưởng nặng nề đến tình hình tiêu thụ của ngư dân, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định tại Họp báo, Bộ Công Thương đã chủ động vào cuộc ngay khi có chỉ đạo của Chính phủ, giao lực lượng quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước phối hợp với các Chi cục Quản lý thị trường địa phương, công an và lực lượng khác không cho đưa cá chết đi tiêu thụ.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền

Lí giải thêm về vấn dề này, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền cho biết, thông thường mặt hàng thủy hải sản việc đánh bắt, chế biến và tiêu thụ thường tự ra thị tường. Nhưng do sự cố đã khiến hoạt động tiêu thụ ngưng trệ do gây tâm lý hoang mang, Bộ Công Thương đã cố gắng vào cuộc, trước hết là phục hồi niềm tin, phục hồi thị trường. Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh: "Bên cạnh đường dây nóng chúng tôi mời gọi các doanh nghiệp lớn trên thị trường, yêu cầu thương lái và thương nhân, doanh nghiệp chế biến trên địa bàn vào cuộc, tổ chức liên ngành đảm bảo kiểm tra kiểm soát tốt, xác nhận lô hàng để đánh bắt và chế biến, phối hợp địa phương mở rộng kết nối cung cầu, đưa hàng vào tiêu thụ, v.v… Ngay trong tối 30/4, khi đường dây nóng được thiết lập, đã có hàng trăm cuộc điện thoại gọi đến, cùng với những công việc cụ thể, khẩn trương mà Bộ Công Thương triển khai, lượng cá đánh bắt an toàn ra thị trường tiêu thụ hết và giá cũng dần phục hồi trở lại”.

Đồng thời, ngày 5/5 vừa qua, Bộ Công Thương đã gửi văn bản hỏa tốc yêu cầu các Sở Công Thương và Hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh phối hợp, hỗ trợ đánh bắt, tạm trữ cấp đông, mở điểm bán hàng tại chợ đầu mối và dân sinh.

 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định thêm, bên cạnh việc ngăn chặn tiêu thụ cá chết, kém phẩm chất, Bộ Công Thương còn chủ động kiểm soát giá các mặt hàng khác trước diễn biến giá thủy, hải sản giảm, nhằm mục tiêu đảm bảo cuộc sống và quyền lợi cho người dân.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương