Quy chế phối hợp giữa 03 Bộ gồm 05 vấn đề chính:
- Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến chỉ dẫn địa lý
- Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ khác có liên quan đến chỉ dẫn địa lý
- Phối hợp phát hiện, ngăn chặn, kiểm soát và xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý trên thị trường
- Hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ và quản lý Chỉ dẫn địa lý
- Thành lập Hội đồng tư vấn Chỉ dẫn địa lý nhằm tư vấn cho Bộ trưởng 03 Bộ và các cơ quan về xây dựng và quản lý Chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam.
Quy chế phối hợp được đưa ra nhằm bảo đảm sự phối hợp thống nhất, hiệu quả giữa Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác xây dựng và quản lý Chỉ dẫn địa lý của Việt Nam; góp phần tích cực trong quản lý nhà nước về Chỉ dẫn địa lý, hiệu quả kinh tế, xã hội của bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý; Nâng cao hiệu quả hoạt động sử dụng Chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân hiệu quả trong hoạt động liên kết vùng để phát triển các sản phẩm chủ lực của liên tỉnh, liên vùng góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước; Góp phần triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các tuyên bố chung của Việt Nam với các nước liên quan đến chỉ dẫn địa lý.
Trong thời gian qua, nhiều chính sách, chương trình, giải pháp hỗ trợ phát triển Chỉ dẫn địa lý đã được xây dựng và đưa và triển khai trên thực tế như Chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ”, các Chương trình phát triển thương hiệu của Chính phủ và các Chương trình hỗ trợ phát triển đặc sản địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tính đến ngày 31/7/2018, Việt Nam đã bảo hộ được 68 Chỉ dẫn địa lý, trong đó có 62 Chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 06 Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài với nhiều loại sản phẩm như: trái cây, thủy sản, gạo, nước mắm, mắm tôm, nón lá Huế, cói Nga Sơn….
Mặc dù các văn bản pháp quy ở Việt Nam đã quy định khá đầy đủ nhưng để có Chỉ dẫn địa lý rất khó khăn, cam go và mất thời gian. Chính vì vậy theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước thì cần có sự tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng bởi Chỉ dẫn địa lý hay sở hữu trí tuệ khi tham gia vào thị trường thế giới sẽ không tránh khỏi vấn đề cạnh tranh, khiếu kiện.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công tạc phát biểu
“Chỉ dẫn địa lý là công việc lâu dài, có thể tồn tại cả thế kỷ, tốn nhiều thời gian, sự tỷ mẫn, chính sách để chỉ dẫn địa lý hòa nhập với thị trường thế giới”, thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhấn mạnh.
Chỉ dẫn địa lý đang dần chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn sự đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy sự phát triển sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của Việt Nam.
Khẳng định tầm quan trọng của thương hiệu, sở hữu trí tuệ, Chỉ dẫn địa lý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, phải làm tốt các vấn đề này thì việc xây dựng mới mang lại giá trị gia tăng, đẩy mạnh tăng trưởng và mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Vấn đề thứ hai được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhắc đến đó là sự phối hợp của các cơ quan. Thứ trưởng Hải cho rằng đây là điểm yếu của các cơ quan, doanh nghiệp, Hiệp hội. “Sự hợp tác của 3 Bộ là bước đầu, tôi hy vọng thời gian tới sự hợp tác này sẽ mở rộng trong nhiều lĩnh vực hơn”, thứ trưởng Đỗ Thắng Hải mong muốn.
Vấn đề cuối cùng cũng là yếu tố quyết định được Thứ trưởng Hải nêu ra tại Lễ ký quy chế phối hợp đó là sự tham gia tích cực, chủ động từ phía địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng.
Nhất trí ý kiến của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng Chỉ dẫn địa lý quan trọng nhưng thực hiện được hay không, sự quyết định là ở các địa phương, doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành hàng.
Quy chế phối hợp giữa 3 Bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở để các Bộ phối hợp, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ các Chỉ dẫn địa lý phát huy tối đa hiệu quả, giá trị của sản phẩm được bảo hộ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Việt trong bối cảnh hội nhập thị trường quốc tế.
Đặc biệt, sự phối hợp này được cho là sẽ phát huy ưu thế về năng lực chuyên môn, nguồn lực con người và tài chính của từng Bộ, tạo ra sự thống nhất, bổ trợ lẫn nhau trong các hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý. Đây cũng là cơ sở để các địa phương xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Sở, ngành của địa phương trong xây dựng, quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý.
Sau Lễ ký kết, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phối hợp với các đơn vị của 2 Bộ tổ chức các hội nghị giới thiệu, phổ biến nội dung của quy chế nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa ba ngành: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các địa phương.
Nguồn: Quyên Lưu/Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương