Chiều ngày 30 tháng 5 năm 2017, trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính nhà nước 6 tháng đầu năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ Nội vụ đã công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 (Par Index 2016) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; theo đó, năm 2016, Bộ Công Thương xếp thứ 12 trong số 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Năm vừa qua, sau khi ổn định nhân sự lãnh đạo vào Quý II, Lãnh đạo Bộ Công Thương, đứng đầu là đ/c Bộ trưởng, đã đặc biệt quan tâm đến công tác CCHC của Bộ. Nhờ có sự chỉ đạo sát sao này nên trong 6 tháng cuối năm 2016 đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động trong hệ thống các Vụ, Cục, Tổng cục và đội ngũ cán bộ, công chức Bộ Công Thương. Nhiều thủ tục hành chính không cần thiết đã được xem xét bãi bỏ hoặc đơn giản hóa tối đa (như thủ tục kiểm tra formaldehyte đối với hàng dệt may, thủ tục dán nhãn năng lượng .v..v.). Việc xây dựng Chính phủ điện tử được coi trọng. Đặc biệt, công tác chỉ đạo điều hành và cải cách tổ chức bộ máy của Bộ Công Thương luôn nằm trong top đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Năm 2016, việc chấm điểm để xác định chỉ số CCHC được thực hiện theo phương pháp mới, chú trọng vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cách đánh giá để đạt điểm tối đa cũng có sự thay đổi khi đòi hỏi tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ phải đạt 100% mới được điểm tuyệt đối trong khi trước đây chỉ yêu cầu trên 80%. Với phương thức chấm điểm mới này, đặc biệt là trong bối cảnh tất cả các Bộ ngành đều rất nỗ lực trong công tác CCHC, việc xếp hạng chỉ số CCHC của Bộ Công Thương tăng được 6 bậc so với năm 2015 đã cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của tập thể cán bộ công chức thuộc Bộ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ghi nhận và hoan nghênh những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong công tác CCHC thời gian qua nhưng một lần nữa nhấn mạnh: "CCHC của Bộ Công Thương không chỉ nhằm vào thứ hạng mà phải đo bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp". Theo Bộ trưởng, "cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thực hiện Chính phủ điện tử phải là một quá trình thường xuyên, liên tục, hướng đến mục tiêu Chính phủ kiến tạo và hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chúng ta không thể tự hài lòng với những gì đã đạt được mà cần tiếp tục những nỗ lực cải cách để có được những kết quả thực chất và toàn diện hơn nữa trong lĩnh vực quản lý được Chính phủ giao".

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương