Vẫn còn lo lắng bữa ăn giữa ca
Vừa qua, theo Đoàn giám sát của LĐLĐ tỉnh về chất lượng bữa ăn ca của NLĐ, chúng tôi đã có những ghi nhận thực tế tại một số bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tại Công ty TNHH MTV Dream Mekong (huyện Cái Bè), nơi có gần 2.000 công nhân đang làm việc, có 2 bữa ăn ca trong ngày là trưa và chiều. Suất ăn giữa ca của công nhân công ty có giá 15.000 đồng/suất nhưng giá trị thực cao hơn rất nhiều, vì công ty tổ chức bếp ăn tập thể tại chỗ và hỗ trợ chi phí cơ sở vật chất cho nhà bếp. Theo ông Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) công ty, hằng ngày, CĐ và Phòng Tổ chức của công ty có triển khai lấy mẫu và lưu mẫu để kiểm tra. Đây là cách kiểm soát để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho công nhân.
Việc tổ chức bếp ăn tập thể tại nơi sản xuất như Công ty TNHH MTV Dream Mekong không phải DN nào cũng thực hiện được. Thực tế, có không ít DN phải đặt suất ăn bên ngoài cho NLĐ. Theo ông Nguyễn Đức Thanh Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, việc đặt suất ăn bên ngoài rất khó kiểm soát được nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào, giai đoạn vận chuyển suất ăn từ nơi cung cấp đến công ty cũng nảy sinh các yếu tố mất an toàn, dẫn đến nguy cơ ngộ độc cao. Bên cạnh đó, chất lượng của suất ăn có khi giá trị rất thấp. Đây cũng chính là vấn đề mà NLĐ cảm thấy lo lắng và mong muốn chất lượng bữa ăn phải được quan tâm.
Với NLĐ đang làm việc tại các cơ sở sản xuất hoặc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, bữa ăn giữa ca luôn được xem là bữa ăn chính trong ngày của họ. Vì vậy, chất lượng bữa ăn cần phải được chủ DN quan tâm thực hiện. Hầu hết NLĐ đều quan tâm đến giá trị suất ăn, sau đó là quy trình chế biến để có một bữa ăn an toàn, hợp vệ sinh, đảm bảo chất lượng để NLĐ có nguồn năng lượng tái tạo sức lao động. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, bữa ăn giữa ca của NLĐ tại nhiều DN vẫn còn một số tồn tại như: Chưa đáp ứng nhu cầu tái tạo sức lao động, chất lượng thực phẩm và điều kiện chế biến chưa tốt dẫn đến nguy cơ ngộ độc cao. Trong quá trình thương lượng thỏa ước lao động tập thể, một số CĐCS chưa quan tâm đưa nội dung bữa ăn giữa ca vào nội dung thương lượng và đã xảy ra một số vụ ngừng việc tập thể do chất lượng bữa ăn không đảm bảo. Hiện ở nhiều DN, bữa ăn ca của NLĐ còn ở mức từ 10.000 - 14.000 đồng/suất, thậm chí còn thấp hơn 10.000 đồng/suất.
Đoàn giám sát của LĐLĐ tỉnh vừa tiến hành giám sát chất lượng bữa ăn của NLĐ tại một DN trên địa bàn huyện Cai Lậy.
Tăng cường giám sát bữa ăn giữa ca
Nhằm đảm bảo chất lượng bữa ăn giữa ca đối với NLĐ, hơn 1 năm qua, các cấp CĐ của tỉnh đã tích cực triển khai Nghị quyết 7c/NQ-BCH ngày 25-2-2016 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của NLĐ”. Trong đó xác định, việc quan tâm chăm lo bữa ăn ca của NLĐ là trách nhiệm của các cấp CĐ; sức khỏe của NLĐ phải được đặt lên hàng đầu và các DN phải đảm bảo giá trị bữa ăn ca của NLĐ là 15.000 đồng/suất. Bà Lê Thanh Tiền, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, Nghị quyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam về chất lượng bữa ăn ca của NLĐ là cơ sở quan trọng để các cấp CĐ chủ động đưa chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ vào thỏa ước tập thể, để thỏa thuận với chủ DN, làm cơ sở đối thoại giữa NLĐ với chủ DN.
Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh, tại Tiền Giang, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 7c/NQ-BCH của Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhiều DN đã quan tâm tới chất lượng bữa ăn giữa ca, nhằm bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe lâu dài cho NLĐ. Qua khảo sát trong năm 2016 của LĐLĐ tỉnh tại 269 DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, thì trong đó có 261 DN có CĐCS và 202 DN thực hiện bữa ăn ca cho NLĐ bằng các hình thức: Tự tổ chức bữa ăn ca tại chỗ, thuê nhà cung cấp bữa ăn ca, hỗ trợ một phần chi phí bữa ăn ca…
Số DN có suất ăn trị giá 15.000 đồng trở lên là 153 DN và thấp hơn 15.000 đồng là 49 DN. Số CĐCS ký kết thỏa ước lao động tập thể có nội dung bữa ăn ca của NLĐ là 249 CĐCS và ký với giá trị suất ăn từ 15.000 đồng trở lên là 153 CĐCS. Tuy nhiên, bà Lê Thanh Tiền cho rằng, trên thực tế, giá trị bữa ăn ca ở mức 15.000 đồng/suất là vẫn còn thấp so với giá cả thị trường. “Những NLĐ nặng nhọc sẽ khó đảm bảo sức khỏe để làm việc lâu dài. Vì vậy, các cấp CĐ của tỉnh cần vận động, khuyến khích các DN nâng mức suất ăn công nghiệp từ 17.000 - 20.000 đồng trở lên” - bà Tiền nói.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cần có quy định mức giá của suất ăn công nghiệp cho từng loại hình lao động nặng, nhẹ để thực hiện đồng bộ, kèm các chế tài xử phạt. Như vậy, các DN mới có thể chấp hành nâng mức suất ăn cho NLĐ lên. Thực tế hiện nay, trong quá trình kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể ở các DN, khi thấy mức giá suất ăn cho NLĐ thấp, cơ quan chức năng chỉ có cách vận động DN nâng mức giá lên, còn việc DN có thực hiện hay không là quyền của DN.
Đề cập đến vấn đề này, theo LĐLĐ tỉnh, mức giá tối thiểu 15.000 đồng/suất ăn công nghiệp chỉ là cơ sở để vận động chủ DN chứ không phải bắt buộc do Chính phủ chưa quy định. Tuy nhiên, nếu bữa ăn quá thấp, kém chất lượng, gây ngộ độc thực phẩm thì CĐ có thể đại diện cho công nhân khởi kiện DN. Trong thời gian tới, CĐ các cấp của tỉnh sẽ chú trọng thực hiện vấn đề này và chủ động giám sát, tăng cường kiểm tra chất lượng bữa ăn giữa ca, để bảo vệ sức khỏe cũng như quyền lợi của NLĐ ngày càng tốt hơn.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương