Theo tác giả bài báo, gần đây, quan chức hàng đầu của hai công ty Toyota và Honda Việt Nam liên tục đưa ra đề nghị cần làm rõ hướng đi của ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam. Theo đại diện hai doanh nghiệp này, việc sản xuất ôtô cần tới ba năm để chuẩn bị, và giờ là thời điểm cần giải quyết những khúc mắc chuẩn bị cho giai đoạn giảm thuế nhập khẩu ôtô vào năm 2018.
Vào năm 2018, hầu hết các biểu thuế trong khu vực các nước ASEAN sẽ bị dỡ bỏ. Có thể nói lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất chính là ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam. Theo các nhà đầu tư Nhật Bản, để giảm ảnh hưởng tiêu cực, cần phải có sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam. Song, cho đến nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể.
Hiện nay, Việt Nam đánh thuế 50% đối với xe nhập khẩu. Mức thuế này sẽ giảm theo giai đoạn và giảm xuống 0% vào năm 2018. Trong khi đó, tiêu thụ tại thị trường Việt Nam chỉ đạt chưa đến 158.000 xe trong năm 2014, chỉ bằng 1/8 của Indonesia và 1/6 của Thái Lan. Do quy mô thị trường nhỏ bé nên ngành công nghiệp phụ trợ không phát triển, khiến giá thành sản xuất tại Việt Nam đắt hơn 20% so với Thái Lan.
Tổng Giám đốc Honda Việt Nam, ông Minuro Kato cho biết nếu Chính phủ Việt Nam không hỗ trợ, công ty này buộc phải chuyển sang nhập khẩu xe từ Indonesia và Thái Lan. Từ việc quyết định loại xe sẽ tung ra thị trường, lập kế hoạch đầu tư, xây dựng dây chuyền sản xuất sẽ mất thời gian lên tới ba năm. Do đó, các thương hiệu xe Nhật Bản tại Việt Nam cho biết cần phải có sự chuẩn bị tính toán ngay từ bây giờ.
Trong cuộc họp báo hồi tháng Tư, một quan chức cao cấp của công ty Toyota Motor Việt Nam cho biết sẽ rút khỏi Việt Nam.
Trong lúc các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản cảm thấy áp lực nặng nề, thì xe nhập khẩu vào Việt Nam lại càng khiến khó khăn thêm chồng chất. Truyền thông địa phương cho biết ôtô giá rẻ Tata của Ấn Độ sẽ được tung ra thị trường Việt Nam vào tháng Tám tới. Nếu đúng như vậy, với giá thành khoảng 10.000 USD, tính cả chi phí đăng ký, Tata sẽ là ôtô rẻ nhất tại thị trường Việt Nam.
Hàn Quốc, nước chiếm 1/4 lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam, cũng giành được ưu thế giảm giá khoảng 5-7% nhờ Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) có hiệu lực vào cuối năm 2015.
Việt Nam có 90 triệu dân. Tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo và chắc chắn trong tương lai sẽ là một thị trường ôtô lớn. Đây là lý do quan trọng để các nhà đầu tư Nhật Bản vốn chiếm thị phần áp đảo tại Đông Nam Á tìm tới và ở lại Việt Nam. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ Việt Nam./.