Bên lề Hội nghị tổng kết Thị trường phát điện cạnh tranh giai đoạn từ 1/7/2014 đến 30/6/2015 và kế hoạch triển khai thị trường bán buôn diễn ra ngày 26/8, Vinanet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương).

Một trong những bước để vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, cần có một đề án tái cơ cấu ngành điện. Việc tái cơ cấu này đã bắt đầu chưa, thưa ông? 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực: Tái cơ cấu ngành điện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Đối với đề án tái cơ cấu ngành điện, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương xem xét và trình Chính phủ trong tháng 12/2015 này. Một trong những trọng tâm của tái cơ cấu ngành điện là tiến hành cổ phần hóa các Tổng công ty phát điện (Genco) của EVN, Tổng công ty Điện lực dầu khí thuộc (PV Power - PVN và Tổng công ty Điện lực - Vinacomin.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực.
Hiện nay, Tổng công ty Điện lực Vinacomin đã cổ phần hóa xong. Bốn tổng công ty phát điện còn lại của EVN và PVN sẽ triển khai cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu và đề xuất với Thủ tướng quyết định để lộ trình cổ phần hóa các Genco phù hợp với kế hoạch triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh. 

Đối với các nhà máy điện chuẩn bị tham gia thị trường phát điện, chúng tôi sẽ phối hợp trung tâm điều phối điện quốc gia (A0) tổ chức tập huấn, bồi dưỡng để các đơn vị có đủ nguồn nhân lực tham gia thị trường. Chúng tôi cũng sẽ đôn đốc chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị những điều kiện cơ sở hạ tầng, con người để đủ điều kiện tham gia thị trường. 

Đối với nhà máy điện đặc thù chưa tham gia thị trường phát điện, cơ chế nào khuyến khích các nhà máy tham gia thị trường phát điện cạnh tranh và thị trường bán buôn điện cạnh tranh, thưa ông?

Đối với các nhà máy thủy điện đa mục tiêu, hiện nay nhóm các nhà máy này chưa được tham gia thị trường điện. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN được giao để lập đề án đưa các nhà máy thủy điện đa mục tiêu tham gia thị trường điện. EVN cần khẩn trương hoàn thành đề án này, trình Bộ Công Thương phê duyệt trong tháng 9/2015.

Cục Điều tiết điện lực dự kiến sau khi đề án được hoàn thành, từ nay đến năm 2019 sẽ xem xét thí điểm đưa một vài nhà máy điện đa mục tiêu tham gia thị trường điện. Một trường hợp khác đó là các nhà máy điện BOT. Trong thời gian tới sẽ xem xét khuyến khích các nhà máy này tham gia thị trường điện. Tất nhiên khi tham gia thị trường điện, các nhà máy sẽ gặp một số khó khăn, nhưng sẽ phải khắc phục dần. 

Đối với thị trường bán buôn, có cơ chế nào để các nhà máy nhỏ dưới 30MW tham gia thị trường không, thưa ông?

Theo thiết kế của thị trường bán buôn, các nhà máy điện có công suất dưới 30MW không bắt buộc phải tham gia thị trường điện. Nhưng chúng tôi vẫn chủ trương khuyến khích các nhà máy điện loại này tham gia thị trường nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết. Đây là một trong những biện pháp tăng thêm số lượng các nhà máy tham gia thị trường điện. 

Khi các nhà máy nhỏ tham gia thị trường vẫn sẽ phải tuân thủ các quy định của thị trường điện và được đảm bảo nguyên tắc bình đẳng với các nhà máy điện khác. Tuy nhiên, sẽ có quy định đặc thù cơ chế riêng để các nhà máy công suất nhỏ có thể tham gia thị trường điện. 

Vậy thưa ông, sau ba năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, cái được lớn nhất của thị trường này là gì?

Sau 3 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã thu được nhiều kết quả tích cực. Thị trường được vận hành theo đúng quy định của Nhà nước ban hành và đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đây là thành công lớn, căn bản trong công tác vận hành thị trường điện cạnh tranh.

Việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã tạo ra sự công khai minh bạch trong việc huy động các nhà máy điện, hệ thống phát điện trong việc tham gia thị trường. Từ đó, các đơn vị phát điện chủ động trong việc chào giá, tạo sự công khai minh bạch trong vận hành. 

Các nhà máy phát điện chủ động hơn tham gia thị trường điện, nâng cao hiệu quả kinh doanh điện. Thành công nữa là đã có được thông tin về thành viên tham gia thị trường điện, cung cấp thông tin thị trường cho khách hàng. 
 
Vậy đâu là bất cập còn tồn tại trong thị trường phát điện cạnh tranh, cần phải có phương án khắc phục, thưa ông? 

Vận hành thị trường phát hành cạnh tranh trong điều kiện khó khăn là một hạn chế. Hệ thống điện còn nhiều điểm bất cập, hành lang pháp lý chưa hoàn toàn đầy đủ. 

Những năm qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các nhà máy tích cực tham gia thị trường điện. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố ràng buộc nên chưa thể đưa toàn bộ các nhà máy tham gia vào thị trường điện. Đây cũng là điểm tồn tại. 

Trên cơ sở góp ý các đơn vị, xem xét thị trường, Cục Điều tiết điện lực cũng đưa nhiều giải pháp để tăng tối đa các nhà máy tham gia thị trường để các đơn vị chuẩn bị tốt hơn khi tham gia thị trường điện. 

Cục Điều tiết điện lực sẽ chỉ đạo các đơn vị phát điện, đặc biệt các đơn vị trực thuộc các Tập đoàn kinh tế lớn như EVN, PVN và Vinacomin tích cực tham gia thị trường điện. 

Cục sẽ xem xét các khó khăn vướng mắc tại các nhà máy điện, đặc biệt các nhà máy điện đa mục tiêu và kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành thêm các văn bản hướng dẫn các quy định cho các đơn vị khi tham gia thị trường điện.  

Khi thị trường bán buôn điện cạnh tranh đi vào vận hành cùng với thị trường phát điện cạnh tranh, ngành điện sẽ có diễn biến như thế nào, thưa ông? 

Hiện nay ngành điện đang vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đến năm 2018. Đến năm 2019 sẽ chính thức triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Để triển khai thị trường bán buôn cần có những bước chuẩn bị cần thiết. Cụ thể, năm 2016 sẽ vận hành thị trường bán buôn trên giấy. Trong giai đoạn này, các nhà máy điện, các tổng công ty điện lực, các khách hàng có thể thực tập thị trường. 

Bước sang năm 2017, 2018, sẽ từng bước đưa các tổng công ty điện lực chính thức tham gia thị trường bán buôn cạnh tranh trên thực tế. Tức là họ có thể mua 5-10% sản lượng điện tại các nhà máy thông qua thị trường bán buôn và phần còn lại sẽ tiếp tục mua của Tập đoàn điện lực Việt Nam. Tại sao có ba bước này, vì việc thay đổi từ thị trường phát điện cạnh tranh sang thị trường bán buôn cạnh tranh là bước chuyển căn bản trong phương thức sản xuất kinh doanh của ngành điện. 

Như Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo, để triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh, cần phải có những bước chuẩn bị kỹ và thận trọng.
Xin cảm ơn ông!
Huyền Thương