Mặc dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia vẫn khẳng định tính tiên phong và thích ứng nhanh trước mọi tình huống. Nhân ngày Thương hiệu Quốc gia 20/4, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải xung quanh những hoạt động và chiến lược phát triển thương hiệu cũng như các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phóng viên:Xin Thứ trưởng cho biết thời gian qua cũng như tới đây Bộ Công Thương có những hoạt động gì để thúc đẩy vai trò của Thương hiệu Quốc gia trong ứng phó với dịch COVID-19?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Từ khi Chính phủ ra quyết định thực hiện Chương trình Thương hiệu Quốc gia cho đến nay, nhất là trong những năm trở lại đây, Chương trình có những bước phát triển và đạt được kết quả tích cực.
Theo thông tin từ Brand Finance, trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD (tăng 12 tỷ USD so với con số 235 tỷ USD năm 2018) và xếp hạng thứ 42.
Trong giai đoạn 3 năm qua, thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng 8 bậc và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ; trong đó có sự đóng góp đáng kể của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value).
Số lượng các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia tăng dần qua các thời kỳ, từ con số 30 doanh nghiệp năm 2008, đến năm 2018 đã tăng hơn gấp 3 lần, lên tới 97 doanh nghiệp.
Năm 2018, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 235 tỷ USD và trong Chương trình Thương hiệu Quốc gia năm 2018, 97 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia.
Nếu như đầu những năm 2000, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế thì đến năm 2019, theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của các thương hiệu hàng đầu đạt gần 10 tỷ USD; trong đó phần lớn là các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia, như: Thaco, Hòa Phát, Vinamilk, Habeco, Vietcombank, Vietnam Airlines, Cadivi, Viglacera, Saigontourist...
Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 dù bước đầu đã khống chế và đạt được kết quả đáng khích lệ nhưng Bộ Công Thương vẫn phối hợp với các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam tiến hành các hoạt động đổi mới và phù hợp với tình hình hiện nay.
Theo đó, Bộ Công Thương tập trung vào việc quảng bá về các doanh nghiệp Việt Nam; trong đó có các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trên các phương tiện truyền thông số như: báo điện tử, mạng xã hội, đài phát thanh, truyền hình...
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn phối hợp với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp quảng bá đến các thị trường mà hiện nay Việt Nam đang có thế mạnh về xuất khẩu về các mặt hàng, các doanh nghiệp, Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và thương hiệu của chính các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Đây là biện pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay với dịch COVID-19.
Mặt khác, Bộ Công Thương đã phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại của các nước, các tổ chức xúc tiến thương mại Việt Nam và nhất là các doanh nghiệp, tổ chức giao thương trực tuyến ngay tại thị trường Trung Quốc, thị trường châu Âu, thị trường châu Mỹ La tinh và một số trường khác... Đây là một trong những biện pháp phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay nhưng cũng phù hợp với xu hướng xúc tiến thương mại trong bối cảnh hội nhập.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ Công Thương cũng triển khai các hình thức xúc tiến thương mại phù hợp với tình hình để hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, Bộ phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế như Cơ quan Xúc tiến Phát triển Ngoại thương Tứ Xuyên, Trung Quốc (CCPIT Tứ Xuyên), Sở Thương mại Quảng Tây, Sở Thương mại Chiết Giang tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế trực tuyến nhằm kết nối với các khách hàng tiềm năng, trao đổi trực tiếp với các khách hàng trên nền tảng thương mại điện tử, tạo cơ sở quan trọng ban đầu để doanh nghiệp tiếp nối các giao dịch tiếp theo.
Mặt khác, Bộ tăng cường các hoạt động kết nối doanh nghiệp với các nhà phân phối lớn trong nước vừa hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất hàng hóa xuất khẩu, vừa cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời gian dịch bệnh bùng phát.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng tiến hành các biện pháp để truy xuất nguồn gốc về chất lượng sản phẩm đang xuất khẩu sang các nước nhằm đáp ứng quy định tiêu chuẩn theo đúng thông lệ quốc tế để kịp thời ứng phó với phương án chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường mới.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn thực hiện các hoạt động tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực nghiên cứu thị trường; thiết kế bao bì và hệ thống nhận diện thương hiệu; xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng tích cực phối hợp với các ngành hàng, các địa phương xây dựng nội dung và kế hoạch, chiến lược tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, các thương hiệu ngành hàng/sản phẩm được lựa chọn và xây dựng các sản phẩm truyền thông nhằm giúp tăng cường nhận biết các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đáng lưu ý cùng chung tay với Bộ Công Thương trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia Việt Nam luôn giữ được vai trò tiên phong trong không chỉ trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tham gia tích cực vào công tác xã hội, đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho quỹ phòng, chống dịch.
Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đứng vững và tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí có sự phát triển trong bối cảnh dịch COVID-19, có thể đến như Vietcombank, Tập đoàn Hoà Phát, Vinamilk, Tập đoàn Lộc Trời, Thaco Trường Hải...
Phóng viên: Năm 2020 cũng là năm mà Việt Nam sẽ thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước, nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)? Vậy theo Thứ trưởng, các Thương hiệu Quốc gia cần có sự chuẩn bị như nào về chiến lược để tận dụng những lợi tích từ các hiệp định này?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trước những biến động về dịch bệnh dẫn đến ảnh hưởng về phát triển kinh tế, các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia đã lường trước tình thế và có những bước chuẩn bị để ngay khi dịch bệnh kết thúc có thể chuyển ngay sang phát triển sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước hoặc ít nhất là góp phần vào phát triển trong những lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang hoạt động.
Đáng lưu ý, để phát triển xuất khẩu đương nhiên phải hướng tới các thị trường mà Việt Nam đã ký kết và thậm chí là hiện nay rất nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực và một số hiệp định khác sẽ có hiệu lực trong thời gian sắp tới.
Chẳng hạn như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực nhưng để triển khai một cách hiệu quả thì chắc chắn từ năm 2020 trở đi là thời điểm hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung; trong đó có các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam nói riêng.
Đây là những bước mà Bộ Công Thương đã cùng với các doanh nghiệp bàn thảo những chương trình nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng, quảng bá và nâng cao được năng lực cạnh tranh.
Cùng với đó là xây dựng thương hiệu của sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp và phát triển thương hiệu Quốc gia để có thể có bước phát triển bền vững cũng như bước tiến rất mạnh mẽ kể từ năm 2020 trở đi.
Phóng viên: Theo Thứ trưởng để Thương hiệu Quốc gia phát triển cần có một chiến lược cụ thể nào trong xây dựng thương hiệu, nhất là khi dịch COVID-19 xảy ra?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Dịch COVID-19 hay bất cứ một dịch nào khác đều là điều không mong đợi và các doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận đối đầu với thử thách này.
Bộ Công Thương đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia nói riêng cũng đã khẳng định được vị thế và sẵn sàng đối đầu với những khó khăn. Hơn nữa, một số doanh nghiệp đã tận dụng được những cơ hội trong khó khăn, thách thức này.
Đơn cử như nhiều doanh nghiệp đã tự tìm cho mình cách thức phát triển hay chuyển hướng phát triển như trước kia chuyên xuất khẩu thì nay quay về tập trung tại thị trường nội địa.
Đặc biệt, nhiều mặt hàng trước nay Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài thì hiện tại không ít doanh nghiệp trong nước đã tự sản xuất để cung ứng cho thị trường trong nước.
Không những thế, nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu còn liên kết với doanh nghiệp phân phối trong nước để đưa các mặt hàng xuất khẩu có chất lượng đến người tiêu dùng trên khắp toàn quốc. Đó là những doanh nghiệp khẳng định được vị thế và rất nhạy bén trong sản xuất kinh doanh.
Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết định hướng của Chương trình Thương hiệu Quốc gia thời gian tới như thế nào?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, Chương trình sẽ tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội của thương hiệu sản phẩm với các mục tiêu cụ thể.
Chẳng hạn như thực hiện có hiệu quả Chương trình trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước; trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.
Bên cạnh đó, mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới.
Đặc biệt, 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; 100% sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Để đạt được các mục tiêu nói trên, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan thực hiện các nội dung như: hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm đáp ứng hệ thống tiêu chí Thương hiệu Quốc gia Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông cho Chương trình ở trong và ngoài nước.
Bộ Công Thương tin tưởng rằng việc đổi mới chính sách của Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam sẽ tạo ra những bước phát triển mới cho Chương trình, qua đó hình ảnh và Thương hiệu Quốc gia Việt Nam ngày càng vững mạnh, chiếm lĩnh vị trí cao trên thị trường quốc tế.
Đáng lưu ý, năm 2020 sẽ là lần thứ 7 lựa chọn các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia nhưng trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp nên vẫn phải thực hiện đúng các chỉ đạo, quy định của các cấp có thẩm quyền trực tiếp mà cụ thể là Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Do đó, tất cả các hoạt động hiện nay chỉ là chuẩn bị nhưng sẽ hướng tới việc nếu dịch COVID-19 đã khống chế được và có chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Công Thương sẽ thực hiện bình chọn. Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp nói chung tham gia tích cực vào chương trình.
Ngoài ra, với những doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia đã tự khẳng định mình trong thời gian khó khăn sẽ tiếp tục là những nhân tố tiên phong, tích cực trong phát triển thương hiệu.
Điều này sẽ là lực đẩy giúp phát triển Thương hiệu Quốc gia cũng như Chương trình thương hiệu Quốc gia ngày càng phát triển và mang lại lợi ích thiết thực, hiệu quả cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia nói riêng.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!