Cụ thể, tại Công văn số 1808/VPCP-KTTH ngày 23/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành giá xăng dầu; bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, góp phần cân đối cung cầu phục vụ thị trường trong nước, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân theo đúng ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ trong thời gian vừa qua; kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ những vướng mắc vượt thẩm quyền.
Để bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 160/CĐ-TTg bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan chủ động điều hành giá xăng dầu theo thẩm quyền và quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 1086/VPCP-KTTH ngày 18/02/2022, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Từ đầu năm đến nay, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng tới nguồn cung và giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, Bộ Công Thương đã triển khai 04 nhóm giải pháp gồm: (1) công tác tạo nguồn hàng, đảm bảo nguồn cung xăng dầu kịp thời cho thị trường khi các yếu tố về nguồn từ trong nước và thế giới có diễn biến bất lợi (tăng công suất của nhà máy lọc dầu Bình Sơn; khắc phục sự cố của Nghi Sơn; tăng nhập khẩu để bù đắp nguồn thiếu hụt từ Nghi Sơn thậm chí tính tới kịch bản Nghi Sơn ngừng hoạt động); (2) công tác điều tiết cung cầu (chỉ đạo bổ sung nguồn hàng thiếu hụt cho các địa phương, cửa hàng thiếu hàng cục bộ); (3) công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nếu vi phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu đặc biệt là hành vi “găm hàng, chờ tăng giá”; (4) công tác điều hành giá theo hướng bám sát giá thế giới, hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân, khuyến khích doanh nghiệp tạo nguồn hàng và duy trì bán hàng liên tục trong hệ thống.
Do đó, như Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 16/3/2022 vừa qua, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong 2 tháng đầu năm luôn được bảo đảm. Trong tháng 3, với lượng cung ứng xăng dầu dự kiến khoảng 3 triệu m3 (gồm tồn kho từ tháng trước chuyển sang là 1,2 triệu m3; sản xuất trong nước là 1,2 triệu m3 và nhập khẩu khoảng 600 nghìn m3) hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu (khoảng 1,8 triệu m3/tháng) và cho phép tồn kho gối đầu sang tháng 4.
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công Thương