Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải Quan, sản lượng dầu khô xuất khẩu nửa đầu tháng 8/2015 đạt 5,7 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu dầu thô đạt 2,55 tỷ USD. 

Với con số này, nếu so sánh với cùng kỳ năm 2013 và năm 2014, sản lượng dầu thô xuất khẩu chênh lệch không lớn. Nửa đầu tháng 8 năm 2013, giá trị xuất khẩu dầu thô đạt 5,3 triệu tấn; năm 2014 đạt mức 5,9 triệu tấn. 

Tuy nhiên, do giá dầu sụt giảm, giá trị xuất khẩu dầu thô sụt giảm đáng kể. Đầu tháng 8 năm 2013, giá trị xuất khẩu đạt 4,6 tỷ USD; năm 2014 đạt 5,04 tỷ USD. Đầu tháng 8/2015, giá trị xuất khẩu sụt giảm còn 2,55 tỷ USD. 

Biểu đồ so sánh sản lượng và giá trị xuất khẩu dầu thô 

Hiện giá dầu thô tại thị trường Mỹ đã trượt giảm khỏi mốc 40 USD/thùng. Trước diễn biến này, Vinanet đã liên hệ với các doanh nghiệp dầu khí. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp ngành dầu khí chưa có phản hồi gì về sự trượt giảm giá trị dầu thô xuất khẩu, cũng như phương án khai thác dầu khí khi giá dầu thế giới giảm. 

Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh cho rằng dự tính đầu năm, giá dầu thế giới dao động quanh mức 100 USD/thùng, nhưng hiện đã đã xuống mức 40 USD/thùng, tức đã giảm khoảng 50 USD/thùng. "Việc giá dầu thế giới giảm ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế trong nước. Đặc biệt ảnh hưởng đến khoản thu ngân sách Nhà nước"- TS Doanh chia sẻ.

Theo  ông Doanh, ngành dầu khí Việt Nam sẽ phải giảm sản lượng vì một số mỏ không thể có lãi với mức giá như hiện nay. 

Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng, toàn bộ nền kinh tế Việt Nam sẽ có lợi khi giá dầu thế giới giảm. Vì khi giá dầu giảm sẽ kéo theo việc giảm giá xăng, phân bón, chất dẻo và sợi. Như vậy, Việt Nam có thể sẽ được lợi từ 1 - 2% GDP từ việc giảm giá các mặt hàng này. 

"Hơn nữa, nếu như môi trường kinh doanh của Việt Nam tốt, năng lực sản xuất của doanh nghiệp ổn định, thì vẫn có thể thu thuế từ các nguồn đó bù vào thiếu hụt giảm giá của xăng dầu, cũng như xuất khẩu dầu thô"- Ông Doanh nêu quan điểm.

Chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh lại cho rằng, việc giá dầu thô thế giới giảm có ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ảnh hưởng không quá nghiêm trọng vì sự sụt giảm này không nằm ngoài kịch bản dự tính ban đầu. 

Cuối năm 2014, đầu năm 2015, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã đưa ra nhiều kịch bản của giá dầu thế giới. Các kịch bản là 80 USD/thùng, 60 USD thùng và 40 USD/thùng.


"Khi đó, tôi nghĩ rằng có thể đưa thêm kịch bản khác. Giá dầu thế giới có thể quay lại mức 100 USD/thùng, hoặc có thể tụt xuống dưới 40 USD/thùng. Do đó, giá dầu hiện tại mức là 40 USD/thùng là bình thường, không nằm ngoài kịch bản ban đầu. Tất nhiên, việc ảnh hưởng của việc giá dầu xuống là có nhưng không có gì nằm ngoài dự tính", ông Ánh nói.

 

Cuối giờ chiều qua, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 10 giảm 2,6% xuống 39,4 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 2/2009. Giá dầu Brent giảm 2,5% xuống 44,33 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu Brent dưới 45 USD/thùng kể từ 2009.

Chỉ số đo biến động giá của 22 loại hàng hóa nguyên liệu thô được Bloomberg theo dõi giảm 1,2% xuống 86,79 điểm, thấp nhất kể từ năm 1999.

 

Huyền Thương