Nhận thức tầm quan trọng của việc thực hiện chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng, những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Hệ thống cơ sở đào tạo lý luận chính trị được củng cố, phát triển; số lượng cán bộ được đào tạo lý luận chính trị tăng nhanh; nội dung, chương trình bước đầu đổi mới; đội ngũ giảng viên tăng cả về số lượng và chất lượng; điều kiện vật chất, kỹ thuật của các cơ sở đào tạo được cải thiện.
Tuy nhiên, trên thực tế chất lượng học tập lý luận chính trị của một số cán bộ, đảng viên hiện nay còn có tư tưởng ngại học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ lý luận chính trị nên không có sự chủ động, nhiệt tình, tích cực trong học tập để nâng cao trình độ lý luận chính trị. Nhận diện 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Vì vậy, thời gian tới, để thực hiện chế độ, quy định học tập lý luận chính trị trong Đảng đảm bảo nghiêm túc, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên, đòi hỏi cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên về việc học tập lý luận chính trị
Vấn đề quan trọng hàng đầu phải xác định rõ trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp cần tiếp tục giáo dục, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Kết luận số 69-KL/TW ngày 14/4/2010 của Ban bí thư về tiếp tục thực hiện quy định 54-QĐ/TW ngày 12/5/1999 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về chế độ lý luận chính trị trong Đảng; Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp; Kết luận 57-KL/TW, ngày 8/3/2013 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý;... đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc, tránh tình trạng quán triệt, triển khai qua loa, hình thức, đồng thời thường xuyên thông tin, cập nhật những vấn đề thời sự, văn bản mới, kết quả và thành tựu, kết quả nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn ở trong và ngoài nước tới mỗi cán bộ, đảng viên để từ đó xây dựng động cơ, ý thức trách nhiệm trong học tập lý luận chính trị.
Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cần nghiên cứu, nắm vững các quan điểm của Đảng, trên cơ sở đó lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện ở cấp mình, trong đó cần lưu ý đến việc lựa chọn nội dung, thời gian, hình thức bồi dưỡng lý luận chính trị cho từng cấp, từng đối tượng sao cho phù hợp. Mặt khác, cấp ủy đảng các cấp cần nghiên cứu việc cử cán bộ, đảng viên tham dự các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nhất là các chương trình trung cấp, cao cấp lý luận chính trị phải được xét duyệt chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn và nằm trong diện quy hoạch. Kinh nghiệm cho thấy, việc gắn quá trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị với việc bố trí, sử dụng cán bộ là vấn đề quan trọng tạo nên động lực, khuyến khích, động viên được ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên khi được tham gia các lớp học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị.
Hai là, thực hiện nghiêm quy định, chế độ học tập lý luận chính trị gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) yêu cầu: “Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương”. Theo đó, phải duy trì và thực hiện đúng các quy định, chế độ về học tập lý luận chính trị trong Đảng; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp, phải coi việc học tập lý luận chính trị là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên và phải được quy định thành chế độ để mọi người tự giác thực hiện nghiêm túc. Dù ở cương vị nào, trong bất cứ điều kiện nào, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải tự giác học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, đồng thời đưa chế độ tự học tập, nghiên cứu lý luận chính trị thành tiêu chí bắt buộc trong hoạt động của cán bộ, đảng viên. Khắc phục triệt để tình trạng lười, ngại học tập lý luận chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Thường xuyên cung cấp thông tin về những quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, đảng viên một cách kịp thời. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ: “Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt”. Kịp thời ngăn chặn, không để cán bộ, đảng viên hoang mang, dao động trước những thông tin thất thiệt, xuyên tạc, bịa đặt sai sự thật của kẻ địch trên các trang mạng xã hội. Việc thông tin phải bảo đảm trung thực, đầy đủ, chính xác, khách quan, khoa học nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh. Bên cạnh đó, cần tiếp tục bổ sung, cập nhật những kiến thức mới về những thành tựu nghiên cứu mới về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kiến thức về lý luận chính trị; những vấn đề mới trong đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, công tác dân tộc, tôn giáo và công tác quần chúng của nước ta; tình hình thế giới, trong nước và những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với cán bộ, đảng viên; những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm mới về khoa học lãnh đạo, quản lý.
Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của mỗi cán bộ, đảng viên trong tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị
Trong buổi nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I Trường Đại học Nhân dân ngày 21/7/1956, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để theo kịp nhân dân”. Vì thế, tự học tập, tự nghiên cứu không chỉ là một nhu cầu, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình mà còn là một phương pháp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm bổ sung, hiểu biết thêm về những kiến thức lý luận chính trị, năng lực và kinh nghiệm công tác để đáp ứng với sự vận động, phát triển của cách mạng trong giai đoạn mới.
Kinh nghiệm cho thấy, cho dù cấp ủy, cơ quan, đơn vị có tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất nhưng bản thân mỗi cán bộ, đảng viên không tự cố gắng, tự nghiên cứu, học hỏi, tự nghiêm khắc với chính bản thân mình thì hiệu quả thu được cũng không nhiều. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần coi trọng phương pháp, kỹ năng tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin trên sách, báo, Tạp chí, trên Internet; hướng dẫn cách đọc tài liệu, ghi nhớ nội dung và phát triển tư duy độc lập, sáng tạo trong quá trình tự học tập, nghiên cứu lý luận chính trị. Cần biết cách chọn lọc những thông tin, kiến thức quan trọng, chính thống, cần thiết cho vấn đề mình cần quan tâm nghiên cứu và vận dụng vào trong từng lĩnh vực công tác của bản thân.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải khiêm tốn học hỏi, chống tự cao, tự đại, thỏa mãn với những kiến thức đã có ở các bậc học trước, cần hệ thống lại kiến thức đã học, đi sâu nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn, đồng thời vận dụng vào trong giải quyết các tình huống, những vấn đề phức tạp thực tiễn trong lãnh đạo, quản lý. Trong học tập, nghiên cứu cần phải tránh hai khuynh hướng là giáo điều và kinh nghiệm chủ nghĩa. Giáo điều là tiếp thu lý luận một cách máy móc, học kiểu “kinh viện”, không biết vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể đồng thời phải tránh chủ nghĩa kinh nghiệm, tuyệt đối hóa vai trò của kinh nghiệm, coi nhẹ, phủ nhận vai trò của lý luận. Mặt khác, phải gắn việc tự học, tự nghiên cứu với tích cực, chủ động đấu tranh, phê phán với các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là đấu tranh trên Internet để làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị hiện nay.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên
Đây là một khâu quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho của đội ngũ cán bộ, đảng viên để nhằm đối chiếu, so sánh kết quả đã đạt được với mục tiêu, yêu cầu đã xác định. Theo đó, cần tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học lý luận chính trị đảm thực chất, khách quan, đạt được hiệu quả thiết thực. Thường xuyên biểu dương những tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện nghiêm, chấp hành tốt việc học tập; góp ý, phê bình nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện lơ là, chưa nghiêm túc trong học tập lý luận chính trị. Căn cứ vào ý thức thái độ, trách nhiệm trong quá trình học tập và kết quả sau học tập lý luận chính trị để đánh giá, nhận xét, xếp loại cán bộ, đảng viên và bình xét thi đua khen thưởng hàng năm. Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền và cơ sở đào tạo trong việc theo dõi, đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, cũng như khả năng vận dụng kiến thức lý luận chính trị vào thực tiễn công tác ở cơ quan, đơn vị và địa phương.
Nâng cao nhận thức học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên là vấn đề cấp thiết, quan trọng hàng đầu đối với công tác xây dựng đảng hiện nay, đây là biện pháp tốt nhất, tích cực nhất để giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ lý luận chính trị, giữ vững phẩm chất, đạo đức, lối sống, kịp thời nhận diện, phòng ngừa và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, góp phần quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) trong thời gian tới.
Nguồn: Thiếu tá Nguyễn Ngọc Cường/dangcongsan.vn