Cùng dự họp báo có đại diện là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và nhiều cơ quan báo chí. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cùng đại diện một số đơn vị trong Bộ tham dự họp báo.
THÔNG TIN CHUNG VỀ KẾT QUẢ HỌP BÁO
Thông tin về phiên họp thường kỳ tháng 3/2019 của Chính phủ diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I/2019; tình hình thực hiện các Nghị quyết số 01, 02, 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và một số báo cáo khác liên quan đến cải cách hành chính quý I/2019; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh quý I/2019, tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả kiểm tra Tổ công tác tháng 3/2019 cùng một số vấn đề khác…
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo là cần tập trung phát triển kinh tế nhưng không thể bỏ quên các vấn đề xã hội bức bối. Trong thời gian qua nổi lên nhiều vấn đề, vụ việc xã hội nổi cộm, thu hút sự quan tâm của dư luận, của nhân dân như vụ việc ở chùa Ba Vàng, tình trạng bạo lực học đường với một số vụ việc như vụ học sinh cấp II hành hung bạn ở Hưng Yên, vụ việc xảy ra tại trường học ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng, Nghệ An, tình trạng buôn bán ma túy với số lượng lớn tới hàng trăm kg, trong đó 3 vụ vừa triệt phá tổng cộng tới hơn 1 tấn, rồi dịch bệnh trên người và gia súc lây lan ra nhiều địa phương… Trong đó, tình trạng bạo lực học đường, bạo lực trong học sinh không chỉ diễn ra ở Hưng Yên mà còn ở không ít các địa phương khác, đây có phải vấn đề báo động hay không? Trách nhiệm của các cơ quan như thế nào? Đó là vấn đề cần suy nghĩ, có biện pháp mạnh mẽ hơn, không để những vấn đề này trở thành vấn đề xã hội lớn.
Do đó, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là mặc dù kinh tế vô cùng quan trọng nhưng cần thảo luận rõ nét hơn về các vấn đề xã hội để chúng ta thực hiện đúng mục tiêu kinh tế phát triển bền vững, bao trùm, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Điều quan trọng nhất là tập trung nỗ lực vượt bậc để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, đồng thời giải quyết toàn diện các vấn đề xã hội, đặc biệt là những vấn đề bức xúc, dư luận quan tâm, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Chúng ta chú trọng cả ba trụ cột là kinh tế, xã hội, môi trường, thời gian gần đây vấn đề môi trường đã được siết lại, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn với các vấn đề xã hội. Nếu coi nhẹ vấn đề xã hội thì tới một lúc nào đó kinh tế cũng không phát triển được.
Về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đều được dự báo tăng chậm lại, cùng với trong nước những rủi ro về dịch tả lợn châu Phi, biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu tiêu cực, hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên… Cụ thể:
- GDP quý I/2019 đạt ở mức cao, tăng 6,79% (tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 tăng 7,45% nhưng cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017, năm 2017 tăng 5,15%). Đây là mức tăng cao, thể hiện kinh tế trong nước đang tiếp tục ổn định hơn, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng rõ nét hơn, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
- Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 giảm 0,21%% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 8,7%). CPI bình quân quý I/2019 tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018, nhưng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (quý I: năm 2015 tăng 9,3%; năm 2016 tăng 8,2%, năm 2017 tăng 5,1%, năm 2018 tăng 12,7%), trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 11,1%.
- Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 5,1% so với cùng kỳ (cao nhất trong 9 năm trở lại đây).
- Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12% (cùng kỳ 2018 là 9,9%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố giá) tăng 9%, cao hơn mức 8,9% của cùng kỳ năm 2018. Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 4,5 triệu lượt, tăng 7%.
- Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tháng 3/3019 ước đạt 22,40 tỷ USD, tăng 61,1%, đặc biệt khu vực kinh tế trong nước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 9,7% (cùng kỳ tăng 18,9%); 3 tháng đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7%. Tháng 3 xuất siêu 1,56 tỷ USD (con số mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố).
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,8%. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt trên 5,1 tỷ USD tăng 30,9% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,12 tỷ USD tăng 6,2%. Có thể nói, thu hút FDI là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế quý I là với nhiều dự án lớn, chất lượng tốt, công nghệ tốt, hàm lượng khoa học, công nghệ rất cao. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt trên 43.500 doanh nghiệp (trong đó số doanh nghiệp thành lập mới đạt 28.451 doanh nghiệp, tăng 6,2%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt trên 15.000 doanh nghiệp).
- Đặc biệt, đời sống dân cư nhìn chung ổn định, thiếu đói trong dân giảm đáng kể (quý I/2019 cả nước có 28.500 lượt hộ thiếu đói, giảm 38,3% so với cùng kỳ năm 2018). Tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp 2,17%.
Trong tháng, các đội tuyển bóng đá đã lập chiến công khi đội tuyển U23 Việt Nam thắng U23 Thái Lan 4-0 để lọt vào vòng chung kết châu lục và U19 Việt Nam thắng U19 Thái Lan 1-0 đăng quang một giải đấu quốc tế lứa tuổi U19.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội cũng nổi lên một số vấn đề:
- Vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước giải ngân đạt thấp, vốn từ ngân sách Nhà nước tăng 3,2% so với quý I/2018. Vốn trung ương quản lý giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước (đặc biệt là dự án lớn của các bộ: Bộ Giao thông vận tải giảm 58,5%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 55,8%; Bộ Tài nguyên và Môi trường giảm 22,6%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giảm 11,8%...). Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết không chấp nhận thực tế này, các bộ phải giải trình và có giải pháp mạnh để khắc phục.
- Khu vực nông nghiệp gặp khó khăn, cùng với dịch tả lợn châu Phi là tình hình hạn hán ở ĐBSCL, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ trong khi giá cả nhiều loại nông sản bấp bênh, có xu hướng giảm giá.
- Khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng chậm lại (công nghiệp và xây dựng tăng 8,63% - cùng kỳ năm 2018 tăng 9,70%; dịch vụ tăng 6,5% - cùng kỳ năm 2018 tăng 6,70%).
- Tín dụng tăng trưởng thấp, hết quý I mới tăng 2,38%, trong khi mục tiêu cả năm là 14% tức là bình quân mỗi quý phải tăng 3,5%.
- Việc thực thi Luật Quy hoạch tác động đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhiều quy hoạch hết hiệu lực, quy hoạch tích hợp mới chưa ban hành và dự đoán còn mất nhiều thời gian để hoàn thiện, ban hành các quy hoạch tích hợp này.
- Nhiều vấn đề xã hội nổi cộm như trên đã báo cáo, nhất là về môi trường, rác thải nhất là rác thải nhựa là vấn đề lớn cần giải quyết.
- Cách đây mấy ngày, VCCI đã cho công bố kết quả điều tra chỉ số PCI 2018, kết quả điều tra cho thấy một số lĩnh vực của môi trường kinh doanh có thay đổi tích cực hơn so với năm 2017. Chi phí không chính thức tiếp tục được tiết giảm, môi trường kinh doanh của các thành phần kinh tế đã bình đẳng hơn, cải cách hành chính đang tiếp tục có chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, còn một số vấn đề chúng ta cần tiếp tục lưu ý là cần phải tiếp tục nâng cao tính liêm chính, minh bạch; tăng cường chất lượng đào tạo lao động, cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần bứt phá hơn, quyết tâm hơn để hoàn thành toàn diện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2019, đúng như tinh thần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo là năm 2019 phải tốt hơn 2018.
Theo đó, Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quyết tâm hành động; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ; nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thành công và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2019.
Trong tháng 3, Tổ công tác của Thủ tướng tập trung kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP; tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết; rà soát việc cắt giảm thực chất các quy định gây khó khăn đối với sản xuất, kinh doanh.
Trong quý I, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 4.937 nhiệm vụ. Trong đó, có 885 nhiệm vụ đã hoàn thành, 3.852 nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng trong hạn, 200 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn, chiếm 4,1%.
Về Nghị quyết 01/NQ-CP, trong quý I, các bộ, cơ quan phải hoàn thành 36 nhiệm vụ nhưng đến thời điểm kiểm tra (ngày 14/3/2019), mới chỉ có 2 nhiệm vụ hoàn thành. Ngay sau buổi kiểm tra, các bộ, cơ quan đã rất tích cực, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ giao. Đến nay, có thêm 14 nhiệm vụ được hoàn thành. Như vậy còn 20 nhiệm vụ đang yêu cầu quyết liệt thực hiện.
Về tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết, còn 16 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 trở về trước còn nợ đọng, thuộc trách nhiệm của 10 Bộ, cơ quan.
Cũng trong quý I, Tổ công tác chủ động làm việc với một số hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp để lắng nghe những phản ánh, kiến nghị. Bước đầu có 24 vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, rào cản hành chính đang được quy định tại các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, gồm: NN&PTNT (13 kiến nghị), Tài chính (06 kiến nghị), TN&MT (02 kiến nghị); Y tế (02 kiến nghị); KH&CN (01 kiến nghị).
Qua làm việc, các Bộ đều nhìn nhận vấn đề khách quan, công tâm, ghi nhận vướng mắc mà các hiệp hội phản ánh, chủ yếu là thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ. Một số vướng mắc đã được tháo gỡ ngay; các vướng mắc khác được các bộ giải trình, nhận diện và cam kết thời gian cụ thể để tháo gỡ.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ BÁO CHÍ QUAN TÂM TẠI CUỘC HỌP BÁO
Trong khuôn khổ cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cùng với đại diện các Bộ, ngành và cơ quan tham dự buổi họp báo trả lời một số câu hỏi của phóng viên báo chí nêu. Các nội dung được hỏi tập trung vào Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Công an, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế. Trong đó, Bộ Công Thương trả lời 03 câu hỏi. Một số vấn đề liên quan cũng được Lãnh đạo một số Bộ, ngành trả lời trực tiếp tại họp báo như sau:
1. Xin Bộ TN&MT cho biết về thông tin Hà Nội là thành phố ô nhiễm bụi mịn đứng thứ 2 Đông Nam Á? Nhiệm vụ quản lý chất thải rắn được Chính phủ giao cho Bộ TN&MT, đã gần 2 tháng. Bộ sẽ triển khai giải pháp thế nào khi mà vấn đề rác thải đang nóng lên từng ngày?
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân trả lời: Tại Hà Nội, qua các thông số đo đạc được, ô nhiễm môi trường thường tập trung trong mùa đông và mùa xuân, từ tháng 12 đến tháng 2, tháng 3 năm sau. Kết quả quan trắc từ trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường và 10 trạm quan trắc không khí tự động của Sở TN&MT Hà Nội, tham chiếu số liệu quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ thì quý I năm nay cho thấy hàm lượng bụi PM 2.5 đã vượt quy chuẩn cho phép trong một số ngày của tháng 1, 2, 3. Việc ô nhiễm bụi vượt ngưỡng cho phép mang tính cục bộ ở Hà Nội là có thật. Nguyên nhân là do tập trung mật độ giao thông, nhiều công trình xây dựng, nhà máy sản xuất, hoạt động đốt rác của người dân… nên mức độ ô nhiễm cao hơn.
Thông tin Hà Nội ô nhiễm bụi ở Hà Nội cao thứ 2 Đông Nam Á xuất phát từ một báo cáo về hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh nhưng thực chất nhận định này chưa chính xác vì trong bảng thống kê chỉ có số liệu của 20 thành phố thuộc 4/11 quốc gia Đông Nam Á, do đó không có cơ sở kết luận như vậy.
Sự thật là không khí ở TP. Hà Nội có ô nhiễm và phải quyết tâm có giải pháp giảm thiểu. TP. Hà Nội hiện rất quyết liệt trong xây dựng thêm 80 trạm quan trắc không khí để phủ hết địa bàn Thành phố làm cơ sở kết luận mức độ ô nhiễm của Thành phố trong từng thời điểm cụ thể. Bộ TN&MT đã làm việc với TP. Hà Nội và lãnh đạo Thành phố cũng quyết tâm di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi Thành phố. Thủ tướng đã ban hành quyết định về tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô nhằm hạn chế tối đa mức độ xả thải của phương tiện giao thông. Bộ Xây dựng chỉ đạo các công trình xây dựng trong Thành phố phải bảo đảm che chắn kỹ, giảm thiểu bụi, vật liệu xây dựng.
Về việc thực hiện Quyết định 09/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT quản lý chất thải rắn, Bộ TN&MT đã thành lập tổ công tác liên ngành, rà soát quy định của pháp luật, xem xét các nghị định, thông tư trong quản lý chất thải rắn chồng chéo ra sao, sửa thế nào để bảo đảm quản lý thống nhất. Đến nay, Bộ TN&MT hoàn thiện sơ thảo nghị định để sửa các nghị định khác liên quan đến quản lý chất thải rắn.
Bộ TN&MT đã cho kiểm tra hiện trạng các bãi rác thải trong cả nước, trong đó tập trung vào rác thải sinh hoạt. Bộ trưởng Bộ TN&MT trực tiếp đi kiểm tra một số tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Bình, Hưng Yên và một số địa phương nóng về rác thải để nắm tình hình và chỉ đạo cụ thể. Sắp tới Bộ TN&MT sẽ có 4 đoàn công tác đi khảo sát ở 4 vùng để đánh giá thực trạng quản lý chất thải rắn, tập trung quản lý rác thải, hiện trạng quy trình quản lý đề xuất giải pháp quản lý hữu hiệu nhất, tiến tới thống nhất quản lý về một bộ. Đặc biệt Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất quản lý như thế nào. Bộ TN&MT đang chuẩn bị để trong tháng 4 sẽ có 2 hội thảo về pháp luật, cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, định mức… trong quản lý chất thải rắn; mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn nói chung, tập trung vào rác thải sinh hoạt. Đến tháng 6, Bộ TN&MT sẽ tổ chức hội nghị quốc gia về quản ý chất thải rắn, sau hội nghị sẽ hoàn thiện dự thảo nghị định, đề án thống nhất quản lý chất thải rắn ở cấp Trung ương cũng như chức năng của địa phương, chỉ thị của Thủ tướng về các giải pháp cấp bách quản lý chất thải rắn thời gian tới…
2. Về vấn để triển khai sữa học đường, theo Quyết định 1340 của Thủ tướng Chính phủ, sữa học đường là sữa tươi, tuy nhiên nhiều địa phương như Thái Nguyên, Hà Nam cho phép đưa sữa bột pha lại của Vinamilk, Milo của Nestle… Xin hỏi quan điểm của người phát ngôn Chính phủ thế nào?
Cũng liên quan đến vấn đề này, tôi xin hỏi đại diện Bộ GD&ĐT, việc triển khai sữa học đường, ông Vũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất có ký công văn cho phép giới thiệu sản phẩm Milo của Nestle vào các trường học, công văn có ghi là thừa lệnh của Bộ trưởng. Xin hỏi Bộ trưởng có biết việc này hay không và xử lý ra sao về việc này?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trả lời: Chính phủ có đề án sữa học đường, Đề án 1340 phục vụ nâng cao thể chất từ học sinh mầm non đến học sinh tiểu học. Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án 641 – phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp nâng cao giáo dục thể chất trong độ tuổi từ 0-3 tuổi và đến 18 tuổi. Đề án đồng chí Vũ Duy Anh ký công văn giới thiệu sản phẩm không phải là tham gia chương trình sữa học đường. Sữa học đường là sữa tươi, thực hiện cho các cháu ở bậc mầm non và tiểu học, để nâng cao tầm vóc cho các cháu. Hai loại hoàn toàn khác nhau, không phải tất cả đều trong chương trình sữa học đường.
3. Về công tác bổ nhiệm cán bộ, Bộ Công Thương có bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Nam làm Tổng giám đốc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam. Dư luận có phản ánh việc ông Nam chưa đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm. Mặt khác, mới đây Tổng công ty Thuốc lá lấy phiếu tín nhiệm thì ông Nam chỉ được 3/34 phiếu tín nhiệm. Quan điểm của Bộ Công Thương như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời: Về thông tin phóng viên nêu liên quan đến việc bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Nam, nguyên là TGĐ Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sang làm TGĐ Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) cũng như việc ông Nam chỉ được 3/34 phiếu tín nhiệm khi bầu để bổ nhiệm chức danh TGĐ, không biết phóng viên lấy thông tin ở đâu ra, nhưng tôi khẳng định đây là thông tin không chính xác.
Trước hết, như chúng ta đã biết, trong năm 2018 vừa qua Sabeco thực hiện việc thoái 53,59% vốn nhà nước tại Sabeco dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có thể nói rất thành công, đã mang lại 110.000 tỷ đồng Việt Nam, tương đương với 4,8 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, sau khi chúng ta thoái vốn, quyền điều hành với phần vốn chi phối là của doanh nghiệp nước ngoài, ở đây là doanh nghiệp Thái Lan. Vì vậy, nhân sự Chủ tịch HĐQT cũng như TGĐ là đại diện phần vốn Nhà nước (Bộ Công Thương) sẽ không được đảm nhiệm chức danh như trước đó tại Sabeco. Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã bàn và có tính đến quy hoạch những vị trí công việc tiếp theo cho các nhân sự này. Ông Nguyễn Thành Nam được Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương xem xét giới thiệu cho chức danh TGĐ của Vinataba. (Tại thời điểm đó Vinataba đã có TGĐ). Và như chúng ta biết, từ ngày 29 tháng 9 năm 2018, sau khi có Nghị định của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại một số tập đoàn, tổng công ty lớn (19 tập đoàn, tổng công ty), trong đó có Vinataba, thuộc về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Vì vậy, việc bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc của Vinataba thuộc thẩm quyền, chức năng của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Chúng ta cũng đã biết là cách đây một thời gian, đồng chí TGĐ Vinataba mất đột ngột và cho đến nay, vẫn chưa có nhân sự đảm nhiệm vị trí TGĐ tại Vinataba. Và cho đến thời điểm này, theo tôi biết, cũng chưa có việc bỏ phiếu để xem xét bầu nhân sự giữ chức danh TGĐ của Vinataba theo thủ tục, quy định hiện hành.
4. Bộ Công an liệu có công bố danh tính phụ huynh và học sinh trong vụ gian lận điểm thi tại Sơn La và cả vụ ở Hà Giang trước đó không?
Xin hỏi Bộ GD&ĐT, liên quan đến cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, đây là 1 trong 3 cuộc thi quan trọng của Bộ GD&ĐT vì kết quả sẽ được ưu tiên trong việc tuyển vào các trường Đại học. Tuy nhiên, trong cuộc thi năm nay có hơn 50 đề tài vi phạm quy chế, 2 đề tài vi phạm quy chế được giải nhất. Bộ đã xử lý việc này đến đâu?
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trả lời: Việc này ảnh hưởng đến tư cách, đến sự phát triển sau này của các em học sinh nên chúng tôi đang trao đổi kỹ với Bộ GD&ĐT, với địa phương hướng xử lý như thế nào để vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, vừa đảm bảo tính nhân văn với các cháu học sinh. Các nhà báo yên tâm, chúng tôi sẽ có cách xử lý thoả đáng đảm bảo tính nghiêm túc chấp hành pháp luật nhưng cũng vẫn quan tâm tới các cháu học sinh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trả lời: Liên quan đến kỳ thi nêu trên, đây là cuộc thi khuyến khích học sinh tham gia, đạt nhiều kết quả tích cực.
Về việc có một số dự án vi phạm quy chế, trong quá trình thẩm định hồ sơ, có sự sao chép. Sau khi kết thúc cuộc thi, Hội đồng thẩm định, các nhà khoa học đã rà soát lại xem có trùng lắp không. Đến giờ phút này xin khẳng định các đề tài được công nhận không có dự án nào trùng lắp, có thể tương đối giống ở tên đề tài nhưng nội dung bên trong thì không bị trùng.
Đã là nghiên cứu khoa học thì có thể có nhiều ý về tên giống nhau nhưng phương thức, cách làm thì học sinh có sự sáng tạo. Xin khẳng định các đề tài cho đến giờ phút này đã đảm bảo đúng quy chế và được công nhận theo tinh thần như vậy.
Về đánh giá kết quả thi, chúng tôi đã rất tích cực đổi mới, đảm bảo sự công bằng trong kỳ thi bằng cách đổi chéo toàn bộ các giám khảo. Trước kia chấm cho các hội đồng thi ở miền nam thì chuyển ra bắc chấm. Giáo viên ở miền bắc thì lại vào TPHCM chấm cho những đề tài từ miền nam. Việc đổi chéo này để các giáo viên không trực tiếp hướng dẫn cho học sinh, không liên quan đến các dự án. Và 100% giám khảo được chọn từ các trường đại học là các tiến sĩ, nhà khoa học, có học hàm giáo sư, phó giáo sư… Họ có tự hào nghề nghiệp nên chắc chắn đều chấm thi rất nghiêm túc. Việc đánh dấu các dự án chỉ là phương thức trong quá trình trình bày hồ sơ. Chúng tôi đánh giá trực tiếp qua các phần thi. Tôi khẳng định, các nhà khoa học trực tiếp chấm thi đều thực hiện nghiêm túc quá trình này.
5. Vụ Chùa Ba Vàng thỉnh vong đang được giải quyết, trụ trì chùa đã bị cách mọi chức vụ, nhưng vẫn còn những hoạt động tương tự ở nhiều chùa, trong đó có cả hoạt động dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh trong nhiều năm qua chưa được giải quyết. Quan điểm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, của Chính phủ thế nào?
Về vấn đề bạo lực học đường, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xảy ra tình trạng bạo lực học đường như thế nào? Chính phủ giải quyết thế nào?
Cách đây 30’, giá xăng tăng từ 1.300 đồng đến 1.500 đồng/lít tuỳ từng mặt hàng xăng dầu. Cách đây vài hôm, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) có nói sẽ tính mọi giải pháp không tăng sốc, nhưng mức tăng thực tế hơn 1.000 đồng đã gây sốc cho người tiêu dùng; giá điện tăng 10 ngày, điều chỉnh đột biến. Bộ Công Thương lý giải thế nào về việc tăng giá xăng lần này?
Về xử lý xe biển xanh đón người nhà của cán bộ lãnh đạo tại sân bay, Bộ Công Thương nói sẽ rà soát, xử lý, đến nay việc này thực hiện thế nào?
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ trả lời: Về việc còn một số nơi tổ chức dâng sao giải hạn, các hiện tượng biến tướng, lợi dụng tín ngưỡng tâm linh, biến thành các dịch vụ thu tiền trục lợi cần chấn chỉnh.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Bộ Nội vụ, Giáo hội Phật giáo đề nghị chấn chỉnh lợi dụng hoạt động tôn giáo tín ngưỡng, văn hoá lễ hội biến thành dịch vụ thu tiền trục lợi.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về các giá trị tín ngưỡng văn hoá truyền thống tốt đẹp, tránh bị lợi dụng. Bộ tiếp tục chỉ đạo ngành văn hoá các địa phương tăng cường công tác quản lý các hoạt động văn hoá tại các di tích, không để lợi dụng trục lợi.
Về xử lý các việc làm sai lệch với giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc, lãnh đạo Bộ giao cho cơ quan chuyên môn chỉ đạo các địa phương, kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện các hoạt động tín ngưỡng thuộc thẩm quyền, để có biện pháp chấn chỉnh sai phạm.
Chúng tôi mong cơ quan truyền thông tiếp tục đồng hành để giúp người dân nhận thức đúng các giá trị văn hoá tránh bị lợi dụng, trục lợi…
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trả lời: Chính phủ đã có Nghị định 80/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư 33 hướng dẫn công tác xã hội trong trường học, ban hành Thông tư 31 thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông, đã xây dựng tổ tư vấn học đường. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xử lý nghiêm các sai phạm, đặc biệt là đối với nhà giáo và học sinh.
Về phân cấp, trách nhiệm từng bộ, ngành địa phương phải xử lý nghiêm khắc, trách nhiệm của các lãnh đạo tỉnh, UBND các địa phương.
Quan điểm của Bộ là tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh kết hợp với xử lý nghiêm khắc những vi phạm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời: Về giá xăng, liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa phát đi thông tin điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, từ 17h00 ngày hôm nay, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.377 đồng, lên mức 18.588 đồng; xăng RON 95 tăng 1.484 đồng, lên mức 20.033 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng 1.086 - 1.219 đồng mỗi lít, kg tuỳ loại.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu sau nhiều đợt được xả mạnh, ở kỳ điều hành lần này nhà điều hành đã giảm chi sử dụng Quỹ. Mức xả Quỹ bình ổn với xăng E5 RON 92 giảm về 2.042 đồng một lít, xăng RON 95 là 1.304 đồng. Mức chi quỹ với dầu diesel và dầu hoả là 0 đồng.
Trước tiên, chúng tôi bày tỏ sự chia sẻ với khó khăn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cũng như người dân tiêu dùng do việc tăng giá các mặt hàng xăng dầu gây ra, nhưng chúng ta cũng đã biết hiện nay việc quản lý điều hành giá xăng dầu thành phẩm theo thị trường có sự định hướng – quản lý của Nhà nước. Hiện có 28 đầu mối xuất khẩu, nhập khẩu (XNK) trực tiếp xăng dầu, Petrolimex chỉ là 1 trong 28 đầu mối này.
Việc điều hành theo chu kỳ 15 ngày/lần theo quy định của Nghị định 83, có công thức áp dụng rõ ràng, minh bạch. Do đó, đến thời điểm điều hành, mọi người có thể tính toán biết được chiều hướng tăng hoặc giảm của giá các mặt hàng xăng dầu. Liên Bộ Công Thương – Tài chính chỉ sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu để điều chỉnh, hỗ trợ giá các mặt hàng xăng dầu trong một số thời điểm cần thiết. Nhà nước không bỏ bất kỳ khoản ngân sách nào để can thiệp trong việc điều hành.
Thứ hai, vừa qua Chính phủ đã có chủ trương quyết định ngày 20/3/2019 tăng giá điện. Vì vậy, ngày 18/3 - đến kỳ điều hành giá xăng dầu, mặc dù giá xăng dầu thế giới tăng cao, nhưng Chính phủ đã quyết định không tăng giá – giữ nguyên giá các mặt hàng xăng dầu, nhằm tránh chồng chéo và tăng kép hai mặt hàng thiết yếu là xăng dầu và điện. Để giữ giá, Liên Bộ Công Thương – Tài chính phải trích Quỹ bình ổn xăng dầu để hỗ trợ giữ giá. (E5 bù 2.800 đồng/lít, xăng RON 95 bù 2.000 đồng/lít...). Nhưng sau 15 ngày, đến ngày hôm nay 2/4 - đến kỳ điều hành giá thì giá xăng vẫn tiếp tục tăng. Vì vậy, một lần nữa chúng tôi chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiêp nhưng giá các mặt hàng này sẽ phải điều hành tăng theo xu hướng giá thị trường thế giới, đây là điều không ai muốn. (Mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.377 đồng, lên mức 18.588 đồng; xăng RON 95 tăng 1.484 đồng, lên mức 20.033 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng 1.086 - 1.219 đồng mỗi lít, kg tuỳ loại).
Mặc dù vậy, Liên Bộ Công Thương – Tài chính cũng đã quyết định tiếp tục trích Quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nếu không bù mức tăng có thể cao hơn, cụ thể, để “chỉ tăng” 1.377 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 thì Quỹ bình ổn phải chi bù 2.242 đồng/lít, nếu không thực tế sẽ tăng 3.019 đồng/lít. Tương tự, đối với xăng RON 95, Quỹ bình ổn phải bù 1.304 đồng/lít, để chỉ tăng 1.484 đồng/lít, nếu không sẽ phải tăng 2.788 đồng/lít. Đây chính là các biện pháp điều tiết của Nhà nước.
Về vấn đề xe biển xanh, sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Công Thương đã giao cho Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra thông tin liên quan đúng theo quy định hiện hành. Sau khi xem xét kỹ sự việc, quá trình công tác, xem xét những đóng góp của các cá nhân liên quan đối với Bộ và thái độ cầu thị của các cá nhân, trên tinh thần xây dựng, Hội đồng kỷ luật của Bộ Công Thương gồm đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng, Đảng uỷ, Công đoàn đã đưa ra mức kỷ luật đối với 03 đồng chí (Cán bộ Lễ tân, Trưởng phòng Lễ tân - Văn phòng Bộ, Lãnh đạo Văn phòng Bộ) với 2 mức kỷ luật là Khiển trách và một mức Kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc. Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương cũng sẽ xem xét các mức kỷ luật do Hội đồng kỷ luật đưa ra đã phù hợp, thỏa đáng chưa và quyết định.
6. Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành công văn khẩn yêu cầu dừng xét nghiệm máu tìm sán lợn cho học sinh huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), nhưng trong những ngày gần đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương vẫn cố tình gửi kết quả xét nghiệm về tận nhà và hẹn tất cả phụ huynh đưa con đến khám lại. Xin Bộ Y tế cho ý kiến về vấn đề này.
Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã thống nhất phương án điều chỉnh quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo nhà tư vấn Pháp, nhưng Bộ GTVT vẫn chậm trễ thực hiện. Trong khi ACV là doanh nghiệp cổ phần có yếu tố nước ngoài nên việc giao đất cho ACV là rất khó. Việc giao đất phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật, Bộ GTVT không thể nói chọn ACV là có thể chọn ngay được. Vậy không hiểu sao Bộ vẫn ưu ái “con đẻ” ACV xây dựng Nhà ga T3, Tân Sơn Nhất? Quan điểm của Chính phủ là có giao cho ACV không, có đấu thầu để bảo đảm các yếu tố khách quan không?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến trả lời: Quan điểm của Bộ Y tế là không phải làm xét nghiệm, dù dương tính hay âm tính cũng không có ý nghĩa về mặt chẩn đoán bệnh. Nếu kết quả dương tính, chứng tỏ người được xét nghiệm đã có lần bị nhiễm sán, còn hiện tại có sán trong người không phải làm xét nghiệm phân mới nhìn thấy được trứng sán, các phân khúc của sán, từ đó mới chẩn đoán được bệnh. Và nếu như bị nhiễm sán, phác đồ điều trị cũng rất đơn giản, uống thuốc là khỏi.
Cũng chẳng khác gì khi xét nghiệm nhiều loại bệnh khác mà xét nghiệm máu chỉ biết được đã từng bị nhiễm hay chưa mà thôi. Ví dụ như xét nghiệm kháng thể kháng lao thì thậm chí có trên 90% dương tính, có nghĩa là trong quá trình sống đã có lần nhiễm trực khuẩn lao. Còn nếu muốn biết có bị nhiễm lao hay không, phải xét nghiệm đờm, các tổ chức cơ quan bị nghi nhiễm lao. Ở các bệnh viện, các bác sĩ thậm chí xét nghiệm xong rồi còn yêu cầu thời gian sau nên xét nghiệm lại.
Khi biết có thông tin như vậy, tôi cũng rất bực mình, vì tôi là người ký công văn yêu cầu ngừng xét nghiệm. Tôi rất lăn tăn ở chỗ những người nhận yêu cầu xét nghiệm đó có tính tự động. Khi có yêu cầu xét nghiệm thì làm ngay, trả kết quả cho người khám, hẹn khám lại theo phản xạ. Nhưng trong trường hợp này lại thể hiện sự thiếu nhạy cảm bởi ngay từ đầu thấy người dân ào đi xét nghiệm thì phải biết có vấn đề gì, phải hỏi lãnh đạo Bộ xem trường hợp đó xử lý thế nào. Còn nếu cứ làm theo phản xạ thì rất đáng phê phán. Tuy nhiên, cũng không nói họ làm như vậy là hoàn toàn sai, bởi nếu người nào đó đi xét nghiệm không có bệnh tật gì mà khuyên họ đừng bao giờ đến bệnh viện nữa thì có khi lúc phát hiện u đã lớn rồi.
Vẫn nên đi khám định kỳ 6 tháng. Nhưng phải khẳng định rằng xét nghiệm máu dương tính thì không có ý nghĩa chẩn đoán nhiễm sán. Bệnh cũng không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu ở trong vùng nhiễm sán, đã xét nghiệm phân và không bị nhiễm thì cũng nên đi xét nghiệm lại. Cán bộ y tế khuyên là không sai, chỉ có kém nhạy cảm thôi.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trả lời: Liên quan đến điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Tân Sơn Nhất, chúng tôi có sử dụng tư vấn của Pháp nghiên cứu, trong quá trình đó sử dụng cả tư vấn song song từ công ty của Việt Nam. Chúng tôi cũng báo cáo lên các cấp thẩm quyền. Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng đã chỉ đạo họp một số lần, cơ bản khẳng định rằng ý tưởng, đề xuất của công ty Pháp với quy hoạch được duyệt cơ bản giống nhau ở những khâu chức năng, xây dựng thêm kết cấu hạ tầng, quy mô đề xuất dừng ở mức độ nào. Ví dụ như không làm thêm đường băng số 3 nhưng vẫn xây dựng các nhà ga quốc tế và quốc nội để bảo đảm thêm năng lực, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, xây dựng các cơ sở dịch vụ hàng không.
Thứ hai, về phân khu chức năng tương tự nhau, chỉ có điều khác nhau về phần đất. Nhìn chung tư vấn của Pháp đề cập nhiều đến vấn đề sở hữu đất, có khả năng tiếp cận lấy được đất không. Thực tế, đất ở khu vực xây dựng nhà ga T3 đang đề cập, cũng như khu vực phía nam liên quan đến đơn vị quân đội, nhà máy… không có khả năng di dời. Tất cả đều có xem xét ý kiến của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, trước khi lập phương án trình Bộ Công Thương phê duyệt.
Liên quan đến đơn vị nâng cấp, cải tạo nhà ga T3, ngày 26/3, Bộ GTVT có văn bản chỉ đạo, phân tích rất nhiều phương án như đề xuất dùng vốn của ACV để xây dựng hoặc dùng vốn Ngân sách Nhà nước hoặc dùng ACV kết hợp với các đơn vị khác để đầu tư theo PPP. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đề xuất giao cho ACV trên cơ sở xem xét các yếu tố liên quan đến. Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đang giao cho ACV khai thác 21 cảng hàng không trên cả nước chứ không chỉ riêng cảng hàng không này. Đơn vị quản lý khai thác từ trước đến giờ theo nhu cầu và quy hoạch phê duyệt sẽ đầu tư nhà ga. Thực tế nhiều nhà ga đã được đầu tư xây dựng trong những năm vừa qua do ACV đứng ra xây dựng, huy động nguồn vốn của doanh nghiệp. Đây là đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, kinh nghiệm trong quản lý đầu tư.
Thứ hai, để thuận lợi trong quản lý, khai thác. Theo luật chung của quốc tế, quy định 1 cảng hàng không thì một nhà khai thác. Điều này hết sức quan trọng, phải cắt nghĩa. Dù có làm thêm nhà ga này kia vẫn phải có một đầu mối chứ không phải 1 cảng hàng không 2-3 đường băng, bao nhiêu cửa ra là mỗi kiểu khai thác. Còn người đầu tư thì có thể có nhiều dạng: Đầu tư tài chính, liên kết đầu tư…
Thực tế, 21 cảng hàng không không phải cảng nào cũng có lãi, nhiều năm qua chỉ có Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Phú Quốc là những cảng có lãi trong kinh doanh. Còn những cảng Điện Biên, Cà Mau và rất nhiều cảng khác đang bị lỗ, phải điều tiết chuyển từ phần lãi sang phần lỗ để điều hòa hoạt động chung của các cảng. Đó là yếu tố để cân nhắc, so sánh và kiến nghị.
Điều cuối cùng là xem xét nếu giao cho đơn vị này thực hiện sẽ thuận lợi cho việc tổ chức lập ngay dự án vì trong qua trình quản lý của ACV, khi chuyển cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng đã có kế hoạch năm 2018 ACV nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà ga T3. Như vậy việc tổ chức xây dựng như đấu thầu, chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện nhanh nhất. Từ đó chúng tôi đưa ra kiến nghị.
 7. Gần đây xuất hiện hiện tượng Khá “Bảnh” trên mạng xã hội là một đối tượng giang hồ, thường xuyên đăng những clip phản cảm, tục tĩu nhưng đối tượng này mới bị bắt vì tội đánh bạc. Xin đại diện Bộ Công an cho biết thêm ý kiến.
Tôi cũng xin hỏi đại diện Bộ TT&TT, với những hiện tượng như Khá “Bảnh” trên mạng xã hội thì Bộ có biện pháp như thế nào để phối hợp với Bộ Công an xử lý kịp thời không để tái diễn?
Tôi cũng xin hỏi quan điểm của Người phát ngôn Chính phủ về vấn đề này.
Vừa qua vụ việc quấy rối ở trong thang máy chỉ bị phạt 200.000 đồng và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã chỉ đạo Bộ Công an rà soát lại luật để tránh kẽ hở. Vậy việc rà soát đã diễn ra đến đâu, khi nào chúng ta sẽ hoàn thiện quy định này?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời: Những hiện tượng như Khá “Bảnh” là vấn đề cực kỳ không tốt, rất nguy hiểm cho giới trẻ hiện nay. Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ hôm nay, Thủ tướng đã có ý kiến rất gắt gao đối với Bộ TT&TT liên quan đến quản lý mã độc, thông tin xuyên tạc, không đúng sự thật, phản cảm, tục tĩu. Những trường hợp như thế này không thể chấp nhận được trong một xã hội lành mạnh.
Về việc xử lý những vi phạm trong trường học, bạo lực học đường, Thủ tướng đã chỉ đạo chúng ta phải xác minh, điều tra, xử lý nghiêm và làm rõ trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo nhà trường, giáo viên và giáo viên chủ nhiệm.
Thủ tướng chỉ đạo phải làm nghiêm, làm rõ để chấn chỉnh. Đây là vấn đề đáng báo động, phải suy nghĩ, xem xét. Đây là những hành vi không thể chấp nhận được. Chúng ta phải quan tâm đến công tác giáo dục ở gia đình, nhà trường, xã hội, đặc biệt là phải tạo ra môi trường giáo dục tốt hơn.
Đối với việc xử lý các sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Thủ tướng đánh giá cao cơ quan công an đã điều tra, khởi tố các đối tượng vi phạm nhưng cơ quan công bố kết quả là Bộ GD&ĐT, sẽ có danh sách thí sinh gửi về cho các cơ sở giáo dục và cơ quan chức năng. Nhưng việc công bố cũng phải bảo đảm không ảnh hưởng đến các cháu, giúp các cháu tự tin tiếp tục con đường học hành chứ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân các cháu.
Tôi rất trân trọng các cơ quan báo chí trong việc thông tin các vấn đề giáo dục, bạo lực học đường một cách chính xác, khách quan, tránh hiểu nhầm, làm phức tạp tình hình.
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trả lời: Hôm qua Công an tỉnh Bắc Ninh đã bắt và khởi tố Ngô Bá Khá (Khá “Bảnh”) về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Lực lượng công an đã nắm chắc quy luật hoạt động của đối tượng nên đã tiến hành bắt giữ kịp thời. Về việc Ngô Bá Khá có những clip phản cảm, tục tĩu trên mạng thì đây là một hiện tượng cần phải ngăn chặn kịp thời.
Nghị định 167 ban hành từ năm 2013 về xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình, nhiều quy định chưa phù hợp. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Công an, Bộ Tư pháp rà soát tiến hành sửa đổi, bổ sung bám sát thực tiễn hiện nay.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo trả lời: Hiện các hoạt động, diễn biến trên mạng xã hội rất phức tạp, chủ yếu những nội dung phản cảm, khó kiểm soát xuất hiện trên các mạng xã hội do nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Bộ TT&TT đang tích cực làm việc với các mạng xã hội nước ngoài để giảm thiểu các nội dung phản cảm, tiêu cực, tục tĩu… Đồng thời Bộ đang rà soát các văn bản pháp luật liên quan bảo đảm quản lý được các mạng xã hội nước ngoài khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam theo đúng pháp luật Việt Nam, tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ tài chính.
Bộ TT&TT cũng đang xây dựng bộ quy tắc khung về ứng xử trên mạng xã hội, kết hợp giữa quy định của pháp luật và các chuẩn mực đạo đức.
Bên cạnh đó, cần nêu cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội đối với vấn đề giáo dục con cái, các bạn trẻ khi tham gia, sử dụng mạng xã hội, nói rõ tác hại, lên án những hành vi sai trái.
Nguồn: chinhphu.vn