Đây là 1 trong 10 diễn đàn được tổ chức trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhằm phát huy trí tuệ của đại biểu trong việc thảo luận, đề xuất, đóng góp các ý kiến sâu sắc để giải quyết những vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh, tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, tích cực hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tạo bước chuyển mới cho công tác đối ngoại công đoàn
Phát biểu chào mừng tại diễn đàn, thay mặt Ban cán sự Đảng, Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành, phát triển của mình cũng đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại. Hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau, gắn kết và đan xen ngày càng chặt chẽ, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội mà còn là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc.
Hợp tác quốc tế để thế giới hiểu đúng về Công đoàn Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu chào mừng tại diễn đàn
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng về công tác đối ngoại, trong 35 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, thành tích tốt đẹp. Trong bối cảnh hiện nay, thế giới đang chuyển biến mau lẹ. Đất nước dù còn khó khăn nhưng triển vọng tương lai rất sáng lạng. “Tôi tin rằng, diễn đàn của chúng ta hôm nay sẽ đánh một dấu mốc mới và tạo nên bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa cho công tác đối ngoại”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa tầng nấc. Trong đó có các FTA thế hệ mới đã được ký kết, có những cam kết về lao động công đoàn.
Triển khai nghiêm túc chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, các hoạt động đối ngoại song phương đã được Công đoàn Việt Nam thực hiện hiệu quả, như trao đổi học tập kinh nghiệm hoạt động công đoàn, ký kết thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ đào tạo cán bộ, tổ chức các hoạt động kỷ niệm, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế...
Công tác vận động, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ, hợp tác về kỹ thuật, tài chính, kinh nghiệm của đối tác quốc tế đạt nhiều kết quả, góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn. Công tác thông tin đối ngoại có chuyển biến tích cực…
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải phát biểu
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động đối ngoại có mặt còn chưa theo kịp sự phát triển của Công đoàn Việt Nam và yêu cầu hội nhập quốc tế. Vì vậy, diễn đàn lần này là dịp để đại diện các công đoàn thảo luận, phân tích, làm rõ nguyên nhân, qua đó có kiến nghị, đề xuất để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới.
Còn khó khăn trong hoạt động
Tham luận tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Minh Ngọc - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh - cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã duy trì và thiết lập quan hệ quốc tế với công đoàn các nước, có thể kể đến như: Liên hiệp Công đoàn thành phố Bucheon - Kimpo (Hàn Quốc) hay Tổng Công hội tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc)… Hoạt động đối ngoại của công đoàn được đánh giá có hiệu quả. Những kết quả của hoạt động đối ngoại đã tăng cường hữu nghị, sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa người lao động, góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào công đoàn.
Các đại biểu tham dự diễn đàn
Tuy nhiên, thực tiễn từ địa phương bà Minh Ngọc cũng nêu lên một số khó khăn trong hoạt động, đó là: Công tác thông tin đối ngoại và hoạt động nghiên cứu chưa được quan tâm đúng mức và triển khai thường xuyên. Chất lượng một số chương trình hợp tác chưa sát với thực tế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Đặc biệt vấn đề nhân lực phục vụ công tác đối ngoại còn nhiều bất cập. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh thu hút 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bắc Ninh với khoảng 2.000 doanh nghiệp FDI. Số lượng doanh nghiệp ngày một phát triển, nhất là doanh nghiệp của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, trong khi đó Liên đoàn Lao động tỉnh không có bộ máy làm công tác đối ngoại chuyên trách, hầu hết là kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm, không được tập huấn chuyên sâu, năng lực ngoại ngữ hạn chế. Vì vậy, việc trao đổi thông tin về hoạt động công đoàn giữa Liên đoàn Lao động tỉnh và đối tác quốc tế phải thông qua phiên dịch.
Đại diện cho Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam, ông Phan Xuân Quang - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Hoạt động đối ngoại của Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam thời gian qua tập trung chủ yếu với Liên hiệp Công đoàn tỉnh SêKông – Lào. Hai bên đã cùng ký kết biên bản ghi nhớ và tổ chức thực hiện tốt những nội dung đã ký kết như: Tổ chức các đoàn cán bộ sang thăm và làm việc, trao đổi thông tin về tình hình hoạt động công đoàn, kinh nghiệm trong quá trình hoạt động và công tác cán bộ công đoàn, trong đó có nội dung về công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao giác ngộ tính giai cấp cho cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động; phổ biến kinh nghiệm về công tác đánh giá cán bộ, công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ công đoàn và giúp Liên hiệp Công đoàn tỉnh Sê Koong trong công tác đào tạo về nghiệp vụ, kỹ năng đối với cán bộ công đoàn; tổ chức các diễn đàn để trao đổi kinh nghiệm trong việc vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở…
Năm 2023, được sự thống nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Thường vụ tỉnh ủy Quảng Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác với Liên hiệp Công đoàn tỉnh Gyeongnam (Hàn Quốc); 2 bên đã thỏa thuận những nội dung liên quan đến hoạt động công đoàn, tổ chức đoàn ra, đoàn vào theo cơ chế luân phiên hàng năm và cam kết sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để 2 bên có điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động công đoàn…
Tuy nhiên, tuyên truyền về hoạt động đối ngoại, mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết Việt – Lào trong công nhân viên chức lao động của cả 2 bên chưa được thường xuyên. Hoạt động đối ngoại giữa các bên chủ yếu tập trung vào thăm hỏi, hỗ trợ, chưa tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; cán bộ thực hiện công tác đối ngoại kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, thường xuyên thay đổi, khả năng ngoại ngữ, am hiểu về hoạt động đối ngoại chưa nhiều, vừa làm vừa nghiên cứu…
Cùng nêu ý kiến tại diễn đàn, Liên đoàn Lao động một số địa phương cũng nêu khó khăn: Cán bộ làm công tác đối ngoại của công đoàn tỉnh chủ yếu là kiêm nhiệm; kỹ năng, kiến thức về công tác đối ngoại nói chung và công tác đối ngoại nhân dân nói riêng cũng như trình độ ngoaị ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của công tác đối ngoại;
Việc tăng cường nguồn lực, xã hội hóa lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân còn hạn chế. Đặc biệt tại một số địa phương biên giới dân cư thưa thớt, chủ yếu là dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp nên công tác đối ngoại có lúc chưa được triển khai rộng rãi và đồng bộ, thường xuyên. Kinh phí, cơ sở vật chất, cơ chế đảm bảo cho công tác đối ngoại nhân dân chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Công tác giáo dục, tuyên truyền truyền thống cho nhân dân các dân tộc chưa kịp thời dẫn đến một số nội dung, mục đích về bảo vệ quyền, lợi ích của thành viên công đoàn, công nhân, người lao động chưa được tốt, việc đào tạo cán bộ ngắn hạn, dài hạn chưa kịp thời; chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập quốc tế và thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của 2 nước…
Giải pháp cho vấn đề
Để đáp ứng tính hình mới, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh đề xuất một số giải pháp như: Tăng cường, mở rộng các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với người lao động, công đoàn các nước trong khu vực và thế giới; tích cực tuyên truyền về đất nước, con người Việt Nam - Bắc Ninh, đường lối chủ trương, chính sách đối ngoại, công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế; xây dựng quan hệ hỗ trợ, giao lưu liên kết trong công tác đối ngoại giữa đơn vị, địa phương trong tỉnh với các tỉnh, thành trong cả nước nhằm tạo điều kiện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong công tác đối ngoại công đoàn…
Diễn đàn là dịp để đại diện các công đoàn thảo luận, phân tích, làm rõ nguyên nhân, qua đó có kiến nghị, đề xuất để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới
Đại diện Công đoàn Đường sắt Việt Nam nêu vấn đề: Để hoạt động đối ngoại nhất là quan hệ hợp tác song phương được hiệu quả, thuận lợi, đảm bảo mục đích, hai bên cần thực hiện Thỏa thuận hợp tác hoặc Biên bản ghi nhớ. Đây là cơ sở để hai bên đánh giá kết quả hợp tác cũng như thiết lập, duy trì mối quan hệ hợp tác song phương lâu dài. Trong quá trình hợp tác đối ngoại, cần có tính chọn lọc các đối tác phù hợp với phương châm, mục đích, tiêu chí của tổ chức công đoàn của mình, từ đó quyết định mức độ duy trì quan hệ hợp tác phù hợp...
Quán triệt chủ trương, quan điểm của Đảng, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, hoạt động đối ngoại của Công đoàn Công Thương Việt Nam cũng nằm trong dòng chảy chung của đối ngoại Công đoàn Việt Nam.
Ông Phan Văn Bản - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam chia sẻ: Thông qua sự hợp tác quốc tế đã góp phần nâng cao năng lực của cán bộ Công đoàn Công thương Việt Nam trong thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; nâng cao uy tín của Công đoàn Công Thương Việt Nam nói riêng, Công đoàn Việt Nam nói chung; củng cố tình đoàn kết, hữu nghị với người lao động và nhân dân các nước.
Để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, Công đoàn Công Thương Việt Nam đưa ra một số giải pháp, đó là: Cần xác định công tác đối ngoại là một hoạt động nằm trong tổng thể hoạt động chung của tổ chức công đoàn. Hoạt động đối ngoại xuất phát từ yêu cầu phát triển, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn, gắn kết người lao động trong nước, khu vực và trên thế giới. Chủ động mở rộng quan hệ với các tổ chức công đoàn cùng ngành nghề theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Đồng thời duy trì phát triển quan hệ sâu rộng với công đoàn ngành, tổ chức quốc tế ở các nước, khu vực có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại Việt Nam; xây dựng kế hoạch đối ngoại phong phú, đa dạng, cụ thể, thiết thực; coi trọng việc kiện toàn, củng cố và phát triển bộ máy cán bộ làm công tác đối ngoại, đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách có phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đối ngoại.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải khẳng định, đối ngoại nhân dân là một trong những sáng tạo độc đáo của Cách mạng Việt Nam. Việc quán triệt sâu sắc tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về đối ngoại nhân dân là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bài học kinh nghiệm quan trọng hàng đầu, đúc rút được từ thực tiễn cách mạng nước ta và hoạt động đối ngoại nhân dân trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước.
Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lưu ý, công tác đối ngoại công đoàn cần chú trọng mục tiêu giao hoán tri thức về phong trào công nhân và công đoàn, nhất là các vấn đề mang tính toàn cầu; kinh nghiệm thực tiễn do cán bộ công đoàn chuyên nghiệp quốc tế thực hiện là những tri thức quý, cần được trân trọng, tiếp thu chọn lọc, làm phong phú hơn tư duy về tổ chức và hoạt động công đoàn.
Đặc biệt, chú trọng quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững trong quan hệ quốc tế; chủ động kết nối, phát triển quan hệ với các đối tác mới; tích cực chuẩn bị lực lượng để tham gia có trách nhiệm cao hơn tại các cơ chế, diễn đàn đa phương của công đoàn khu vực và quốc tế…
Một lần nữa, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh: Trong tình hình mới, cần tăng cường quan hệ quốc tế để thế giới hiểu đúng, sâu sắc về Công đoàn Việt Nam - một tổ chức có bề dày lịch sử gần 100 năm, tạo lập bản sắc văn hóa Công đoàn Việt Nam: “Trung thành với lợi ích giai cấp công nhân, luôn gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết quốc tế, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 sẽ diễn ra từ ngày 1 - 3/12/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP. Hà Nội. Đoàn đại biểu ngành Công Thương đi dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam gồm 14 công đoàn viên tiêu biểu.