Tại Lễ chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam (18/5), 65 năm thành lập Bộ KH&CN và Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ về KH&CN trong nông nghiệp và những nhà khoa học nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, giá trị gia tăng trong nông nghiệp sẽ được tích luỹ trên cơ sở gia tăng hàm lượng tri thức và ứng dụng thành tựu KH&CN. Giá trị gia tăng trong nông nghiệp bắt đầu từ những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, chuyển ra các khu thực nghiệm, khảo nghiệm và từng bước được đón nhận tại các trang trại, nông trại...
Giá trị gia tăng trong nông nghiệp khởi nguồn từ những câu hỏi của cuộc sống ngày thường. Đó là, làm sao để nông sản đạt chất lượng và giá trị cao hơn? Làm sao để tối ưu hoá giá trị được tạo ra trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp? Làm sao để thu nhập và chất lượng sống của người nông dân ngày một tốt hơn? Làm sao tiếp cận nhanh hơn thành tựu vượt bậc trong thời đại của trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn vào những nghiên cứu khoa học, tiếp cận nấc thang cao hơn trong nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong nông nghiệp?
Tri thức hoá nông dân trong bối cảnh 4.0
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nhà khoa học nông nghiệp luôn trăn trở, đau đáu về mục tiêu, giá trị thiết thực của các đề tài, công trình nghiên cứu trong việc giải quyết những tồn tại, thách thức trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Nhà khoa học nông nghiệp ý thức rõ trách nhiệm, bổn phận của mình, luôn biết ơn và trân trọng từng sản phẩm nông nghiệp được tạo nên từ mồ hôi, công sức lao động của hàng chục triệu người nông dân Việt Nam.
Qua các năm, nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực "khoa học nông nghiệp" đã được vinh danh tại Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Đây luôn là niềm cảm hứng, động lực to lớn cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tiếp tục gắn bó với ngành nông nghiệp, tích cực "ra ruộng, về làng", về với bà con nông dân, để cùng lan tỏa giá trị sâu rộng của KH&CN khắp làng quê nông thôn.
"Mỗi cuộc trò chuyện, trao đổi giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu với bà con nông dân là một dịp đưa khoa học và cuộc sống xích lại gần nhau hơn. Tố chất khoa học, niềm đam mê tìm tòi, khám phá, nghiên cứu những điều mới, những điều hay, những giải pháp thiết thực, hữu ích luôn "bén rễ" khắp các làng quê nông thôn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Đó là những bác nông dân mày mò giải pháp tưới tự động qua chiếc điện thoại thông minh để có thêm thời gian tự học, tự trang bị tri thức, tham gia công việc cộng đồng, tương tác với các kênh tiêu thụ nông sản, hoặc làm thêm các ngành nghề phụ, tăng thêm thu nhập ngoài thu nhập từ nông sản chính.
Đó là một anh thanh niên nông thôn dù chưa hoàn thành hết chương trình phổ thông nhưng đã thành công "lai ép" đa dạng các giống cá trong tự nhiên.
Đó là những "nhà khoa học chân đất" mà chúng ta đều có thể gặp gỡ khắp đất nước Việt Nam này.
Và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu được đào tạo, trui rèn bài bản có thể giúp những "nhà khoa học chân đất" chuẩn hóa, hiệu chỉnh, hoàn thiện từng lời giải cho thực tiễn canh tác, sản xuất, thương mại trong nông nghiệp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thêm, cách đây chưa đến một tháng, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động giữa hai bộ. Thời gian tới, các đơn vị chuyên môn của hai bộ sẽ đề xuất giải pháp phát huy năng lực của các cơ sở nghiên cứu khoa học thuộc Bộ NN&PTNT bằng cơ chế liên doanh, liên kết, hợp tác công tư về KHCN.
Hai bộ cũng sẽ cùng tổ chức diễn đàn trưng bày sản phẩm KHCN trong nông nghiệp với sự tham gia của các viện, trường, hợp tác xã… giúp kết nối giữa cung với cầu, ghi nhận, lắng nghe phản hồi của người ứng dụng đối với các sản phẩm KHCN nông nghiệp.
"Đó cũng là cách kiến tạo thị trường KHCN như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/HG
Trước đó, trong bài phát biểu chào mừng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhắc lại sự kiện quan trọng vào ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về dự và phát biểu tại Đại hội Đại biểu Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam lần thứ nhất. Trong đó, Người đã nhấn mạnh nhiệm vụ của KH&CN là phải cải tiến lề lối sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
Lời dạy của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu rộng, tư tưởng lớn đối với định hướng phát triển lâu dài của nền KH&CN nước nhà và đã được khẳng định trong các nghị quyết của Đảng.
Tròn 50 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và phát biểu tại Đại hội Đại biểu Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam lần thứ nhất, ngày 18/5 hằng năm đã được quy định là Ngày KH&CN Việt Nam tại Luật KH&CN năm 2013.
Hơn 10 năm qua, các hoạt động hết sức phong phú, thiết thực chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam đã khơi dậy, truyền cảm hứng, hun đúc khát vọng sáng tạo trong cộng đồng, trong xã hội; dần hình thành được văn hóa đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng, phát triển tình yêu khoa học, khát vọng phát triển trong giới trẻ, góp phần kiến tạo một xã hội tôn trọng khoa học và tư duy sáng tạo.