Giải Báo chí 70 năm ngành Công Thương là một trong những hoạt động quan trọng hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Công Thương Việt Nam (14/5/1951 - 14/5/2021).
Đây là lần thứ hai Giải báo chí được tổ chức. Sau 1 tháng phát động và tiếp nhận các tác phẩm dự thi (từ ngày công bố Giải 10/3/2021 đến hết ngày 10/4/2021) trên phạm vi cả nước, Ban Tổ chức Giải báo chí 70 năm ngành Công Thương đã nhận được hàng trăm tác phẩm dự thi. Căn cứ vào điều kiện dự giải, qua vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã chọn lọc được gần 500 tác phẩm hợp lệ từ hơn 1.000 bài dự thi của hơn 50 cơ quan báo chí, bao gồm các thể loại báo in, báo điện tử, phát thanh - truyền hình.
Trong thời gian phát động và tiếp nhận bài dự thi, Ban tổ chức đã nhận được những phản hồi tích cực từ các phóng viên, nhà báo, tạo sức lan toả mạnh mẽ. Đặc biệt, Giải thưởng đã quy tụ được nhiều tác phẩm có chất lượng cao. Có nhà báo đã gửi tới hàng chục bài dự thi liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của ngành Công Thương, trong đó, nổi bật là lĩnh vực hội nhập, Việt Nam vươn ra biển lớn và khẳng định vị thế với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, có hiệu lực và đi vào thực thi.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi lễ
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Trưởng Ban tổ chức Giải nhấn mạnh, Giải Báo chí 70 năm ngành Công Thương Việt Nam là một trong những hoạt động quan trọng trong Chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Công Thương (14/5/1951 -14/5/2021). Giải thưởng được tổ chức nhằm khẳng định vai trò của ngành Công Thương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nêu bật những thành tựu của Ngành trong 70 năm. Đồng thời, Giải thưởng cũng nhằm tri ân và tôn vinh những đóng góp lớn lao của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên, người lao động ngành Công Thương qua các thời kỳ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, những tác phẩm đạt giải lần này đều là những tác phẩm nói đúng và trúng những thông tin về ngành Công Thương và có sức lan tỏa cao, có sự gợi mở để ngành Công Thương tự hào về chặng đường đã qua; đồng thời nhìn lại những mặt cần khắc phục để vươn tới những thành tựu lớn hơn.
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam - Trưởng ban Giám khảo
Cùng chung quan điểm, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam - Trưởng ban Giám khảo Giải thưởng nhận xét, hầu hết các tác phẩm gửi dự thi đều đáp ứng 1 trong 3 tiêu chí cơ bản gồm: Viết về các lĩnh vực của ngành Công Thương; mang tính xây dựng; là các tác phẩm báo chí đã đăng trên các báo, tạp chí, báo mạng điện tử, đài phát thanh, đài truyền hình ở Trung ương và địa phương từ ngày 01/01/2016 đến ngày 28/02/2021. Nhiều tác phẩm được đầu tư bài bản, dàn dựng công phu, mang đậm đặc trưng của từng loại hình báo chí và chủ đề, bám sát các vấn đề của ngành Công Thương, các sự kiện nổi bật, phản ánh kịp thời những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Đồng thời quy tụ những tác giả có nhiều năm gắn bó với ngành Công Thương.
Ông Hồ Quang Lợi cho biết, trong thời gian phát động và tiếp nhận bài dự thi, Ban tổ chức đã nhận được những phản hồi tích cực từ các phóng viên, nhà báo, tạo sức lan toả mạnh mẽ. Đáng lưu ý, giải thưởng đã quy tụ được nhiều tác phẩm có chất lượng cao. Có nhà báo đã gửi tới hàng chục bài dự thi liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của ngành Công Thương, trong đó, nổi bật là lĩnh vực hội nhập, Việt Nam vươn ra biển lớn và khẳng định vị thế với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, có hiệu lực và đi vào thực thi. Hay loạt bài về lĩnh vực năng lượng, công nghiệp về việc hiện thực khát vọng đưa điện thắp sáng mọi miền Tổ quốc. Loạt các bài viết này đã nói lên khát vọng đưa điện thắp sáng mọi miền Tổ quốc, đưa điện lưới quốc gia về các vùng nông thôn, bản, làng vùng cao, vùng sâu, vùng hải đảo xa xôi là hành trình đầy gian nan, vất vả…
Những loạt bài viết về thể chế ngành Công Thương, công nghiệp ô tô, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… cũng nhận được sự đánh giá rất cao về sự công phu, bài bản, những thông tin đa dạng, nhiều chiều. Những vấn đề được đề cập trong các tác phẩm này đến nay vẫn còn được dư luận rất quan tâm.
Ngoài ra, các bài và loạt bài ở các lĩnh vực thương mại về Bước tiến trong kiểm soát thị trường - chống buôn lậu và gian lận thương mại; Cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh doanh thương mại điện tử; Giải pháp ngăn chặn hàng giả hàng nhái - Cần sự chung tay của doanh nghiệp và toàn xã hội; Cạnh tranh bảo vệ người tiêu dùng… cũng được các tác giả khai thác với nhiều bài viết sâu, theo chuyên đề và nhiều kỳ.
Sau thời gian phát động và tiếp nhận bài dự thi, Ban tổ chức đã nhận được những phản hồi tích cực từ các phóng viên, nhà báo, tạo sức lan toả mạnh mẽ. Đáng lưu ý, giải thưởng đã quy tụ được nhiều tác phẩm có chất lượng cao. Có nhà báo đã gửi tới hàng chục bài dự thi liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của ngành Công Thương. Các tác phẩm gửi dự thi đều là những bài viết có nhiều nội dung thông tin mang tính xây dựng, đã góp phần giúp cho hàng triệu độc giả, khán thính giả hiểu đúng, đầy đủ hơn các lĩnh vực ngành Công Thương. Qua đó, củng cố thêm niềm tin cho cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, điều hành của Chính phủ nói chung và Bộ Công Thương nói riêng. Trong đó, các lĩnh vực về: cải cách thể chế, điện, hội nhập, công nghiệp, xuất nhập khẩu, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… có nhiều tác phẩm cùng tham gia thể hiện, do đó càng có điều kiện để hội đồng giám khảo lựa chọn tác phẩm thật sự xứng đáng.
Sau thời gian tập hợp bài vở, chấm và phân loại với tinh thần công tâm, Ban Giám khảo đã chọn ra 55 tác phẩm lọt vào chung khảo.
Các thành viên ban giám khảo đánh giá rất cao chất lượng những tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Đó là những tác phẩm đã thể hiện rõ nét việc nhà báo có sự tác nghiệp nghiêm túc và thực sự “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, là sự lao động nghề nghiệp đầy tâm huyết và sáng tạo. 55 tác phẩm được lọt vào chung khảo là 55 câu chuyện được kể bằng ngòi bút tinh tế, đa dạng. Từng câu chuyện đã được đặt lên “bàn cân” so sánh, tranh luận, nhưng điểm đáng mừng là với sự đồng thuận rất cao, 41 tác phẩm xứng đáng nhất và 4 tập thể xuất sắc nhất đã được chọn vinh danh trong buổi trao giải dự kiến được tổ chức ngày 7/5/2021.
“Chúng tôi thường nói, muốn đánh giá một tác phẩm báo chí có hay không, hãy đo xem lượng mồ hôi nhà báo đã đổ ra cho tác phẩm báo chí đó như thế nào. Công sức, những giọt mồ hôi của các phóng viên, nhà báo đến từ hơn 50 cơ quan báo chí trên cả nước đã và đang trở thành món quà ý nghĩa nhất chào mừng sự kiện 70 năm thành lập ngành Công Thương”, ông Hồ Quang Lợi chia sẻ.
Tại Lễ trao giải, Ban tổ chức đã long trọng trao 01 giải đặc biệt cho phim EVFTA – Cao tốc đã mở cho nhóm tác giả Xuân Dung, Linh Thủy, Tiến An, Văn Nam, Duy Thành -VTV1, Ban Thời sự, Đài truyền hình Việt Nam; 04 giải A, 08 giải B; 12 giải C, 16 giải khuyến khích và 4 giải tập thể.
Giải thưởng đã động viên, khuyến khích, tạo sự quan tâm của phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tích cực thông tin, tuyên truyền, những chủ trương, chính sách và những hoạt động của ngành Công Thương; Ghi nhận và tôn vinh tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc tiêu biểu và tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động thông tin, tuyên truyền về ngành Công Thương Việt Nam.
Thay mặt các thí sinh đạt giải, đại diện nhóm tác giả đạt giải Đặc biệt, nhà báo Xuân Dung, VTV1, Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam xúc động cho biết, trong 1 tháng nhận bài, Giải thưởng đã nhận được hơn 500 tác phẩm gửi tham dự. Con số này cho thấy sức hấp dẫn của Giải thưởng cũng như sức hấp dẫn của ngành Công Thương đối với các phóng viên báo chí theo dõi ngành. Thực hiện tác phẩm này, nhóm phóng viên chúng tôi chỉ có 3 ngày để hoàn thành. Ban ngày đi quay, ban đêm về dựng, chúng tôi thức thâu đêm, và hoàn thành tác phẩm đến 7h sáng để trình chiếu trong Hội nghị “Triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA” do Chính phủ tổ chức. “Đây là giải thưởng ý nghĩa, là sự ‘ngọt ngào’ trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, nhà báo Xuân Dung chia sẻ.
Danh sách tác phẩm đạt Giải báo chí 70 năm ngành Công Thương xem chi tiết tại đây