Theo thông tin từ chương trình tọa đàm "Điều hành giá điện theo cơ chế thị trường" do Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương tổ chức ngày 10/7/2015, đại diện Tập đoàn EVN là ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực và ông Đinh Quang Tri, phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam đã trả lời các thắc mắc xung quanh vấn đề giá điện trong thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực, cơ sở để tính điều chỉnh giá bán lẻ điện thuần túy là các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh điện, các chi phí và lợi nhuận khác của EVN không được đưa vào tính toán giá điện và chi phí này đã được xem xét để ảnh hưởng đến các ngành sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân ở mức thấp nhất.
Về quyết định điều chỉnh giá điện từ ngày 16/3/2015 của Bộ Công Thương, bình quân đợt điều chỉnh này tăng 7,5% so với biểu giá cũ nhưng theo cơ cấu của từng nhóm khách hàng thì có mức độ tăng khác nhau. Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, với điện sinh hoạt thì bậc thang thấp nhất tăng 6,9%, tức là dưới mức trung bình, với những bậc sau thì tăng cao hơn.
Mức chi trả của từng hộ dân phụ thuộc vào số lượng điện mà hộ đó tiêu thụ. Nếu tiêu thụ càng nhiều thì số tiền điện phải trả lại càng cao hơn. Giá điện được quy định theo bậc thang lũy tiến, vì vậy, càng dùng nhiều thì mức giá ở sau càng cao hơn. Vậy nên khi dùng nhiều số kWh điện thì khách hàng sẽ phải trả nhiều hơn.
Ví dụ, nếu 1 hộ khách hàng dùng 300kWh/1 tháng thì sẽ phải trả khoảng 609.000 đồng. Nhưng nếu dùng lên 450kWh/ tháng thì sẽ phải trả khoảng 1.026.000 đồng. Nếu dùng lên đến 600kWh/tháng thì phải trả thêm khoảng 1.400.000 đồng.
Ông Đinh Quang Tri cho rằng khách hàng cần phải kiểm soát được lượng điện tiêu thụ của mình, để làm sao cho sản lượng tiêu thụ từng tháng không tăng vượt quá mức ngân sách phải chi trả.