Diễn đàn có sự tham dự của bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTWMTTQ), Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Trần Đình Thiên - Phó GS-TS, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; và Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.
Sự kiện còn có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các tỉnh, thành phố, và các doanh nghiệp để cùng thảo luận về các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, giúp hàng Việt Nam giữ vững được vị thế tại thị trường trong nước.
Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã trở thành một xu thế tất yếu của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế và đã được nhiều quốc gia lựa chọn. Theo thống kê của Ban thư ký WTO, tính đến ngày 17 tháng 01 năm 2020, cả thế giới đã có 303 hiệp định FTA có hiệu lực trong tổng số 483 hiệp định FTA được các nước thành viên thông báo lên WTO.
Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc và chủ trì Diễn đàn
Không nằm ngoài quá trình đó, Việt Nam hiện là thành viên của nhiều FTA. Trong số 13 FTA đã có hiệu lực và đang triển khai, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tiếp theo đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc tham gia các FTA đã giúp thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA... Cùng với việc gia nhập WTO từ năm 2007, việc tham gia các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%.
Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Khi thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì bán lẻ hàng hóa nổi lên là một trong những điểm sáng của kinh tế vĩ mô.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III/2020 ước tính đạt 1.305,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với quý II/2020 và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2020 đạt 2.907,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
“Đây là kết quả tích cực, thể hiện rõ vai trò của nguồn cung hàng hóa nội địa trong các bối cảnh dịch bệnh, thiên tai diễn biến khó lường. Đồng thời thể hiện rõ vai trò của hàng Việt tại thị trường nội địa khi ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Hàng Việt vẫn đang được đánh giá cao và được các nhà phân phối, bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trong siêu thị. Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao. Cụ thể, hàng hóa Việt ở Co.opmart chiếm 90%-93%, Satra 90%-95%, Vinmart 96%, Vissan 95%, Hapro 95%…
Những thách thức hiện hữu
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích do các FTA mang lại, các doanh nghiệp Việt cũng đứng trước nhiều thách thức khi hàng hóa của nhiều quốc gia sẽ tăng nhập khẩu vào Việt Nam nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, hiện nay, trình độ phát triển của Việt Nam vẫn đang ở mức trung bình và thấp. Việc Việt Nam mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác khiến thị trường trong nước không còn là khái niệm “sân nhà”. Đặc biệt, đối với những nhóm ngành hàng mà Việt Nam có sức cạnh tranh chưa cao như nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và một số ngành dịch vụ sẽ gặp không ít những thách thức.
Cũng tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông thẳng thắn chia sẻ, mặc dù là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế và chiếm tới gần 98% tổng số doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Do quy mô không lớn nên khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao trình độ quản lý... của doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế. Chưa kể, ý chí và nhận thức của chủ doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV còn ở mức ngắn hạn, chưa có tư duy chiến lược dài hạn, bài bản. Nhận thức về việc phải phát triển đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đề cao, đặc biệt là với các doanh nghiệp khu vực phía Bắc.
Còn theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết, với thị trường EU, trong giai đoạn hậu dịch Covid-19, hàng chất lượng cao từ EU sẽ gia tăng tại thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, ngành thực phẩm sẽ rất cạnh cạnh với hàng nhập khẩu từ EU, hiện không khó để tìm mua các loại trái cây ngoại như táo, nho, lê, cherry, việt quất, cam… trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên khắp Việt Nam.
Nhiều giải pháp được triển khai
Trước bối cảnh khó khăn chung, với vai trò là một cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực Công Thương, Bộ Công Thương và các bộ ngành đã, đang và sẽ triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga nêu rõ, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020; Các chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Các chương trình xúc tiến thương mại trong nước; Các chương trình thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài...
"Tuy nhiên, cùng với hỗ trợ các cơ quan chức năng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh" - bà Lê Việt Nga cho biết.
Bên cạnh đó, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh vị thế "sân nhà".
Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTWMTTQ, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
Về phía Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTWMTTQ) Việt Nam, bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTWMTTQ, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cho hay, nếu như giai đoạn trước, Cuộc vận động tuyên truyền theo hướng vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam thì giai đoạn này sẽ hướng tuyên truyền sang các doanh nghiệp. Hơn nữa, phát huy trách nhiệm của UBTWMTTQ trong việc thực hiện phản biện xã hội để hoàn thiện các chính sách, điều luật, các văn bản phù hợp, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp Việt hiện đang gặp phải.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh cũng cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động trong việc tìm hiểu quy định các FTA để có thể thực hiện tốt và vận dụng vào công việc sản xuất kinh doanh. Đồng thời mong muốn các hiệp hội ngành nghề tăng cường kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt, nhằm tăng cường sức mạnh, tăng năng lực sản xuất để có thể đứng vững trong sân chơi lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phát huy sức mạnh đoàn kết, cùng nhau phát triển, khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó, doanh nghiệp có thể bước vào sân chơi mới với tâm thế tự tin, tiếp tục phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.
Nguyễn Hường