Cụ thể, theo Petrolimex, ngày 19/8, Ngân hàng Nhà nước tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá lên +/-3%. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng từ ngày 19/8 là 21.890VNĐ/USD. Trong khi tỷ giá mua chuyển khoản do Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) công bố là 22.350VNĐ/USD. Chênh lệch giữa tỷ giá mua chuyển khoản của Vietcombank với tỷ giá bình quân liên ngân hàng là 460 VNĐ/USD.

Hiện tại, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đang áp dụng tỷ giá bình quân liên ngân hàng để tính thuế, hình thành giá cơ sở trong khi áp dụng tỷ giá Vietcombank để nộp thuế khâu nhập khẩu.

Giữa tỷ giá tính thuế để hình thành giá cơ sở và tỷ giá tính để nộp thuế khâu nhập khẩu có sự chênh lệch (460 VNĐ) dẫn đến ảnh hưởng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì vậy, theo Petrolimex, để phản ánh chính xác giá cơ sở, minh bạch các yếu tố đầu vào của giá xăng dầu, phù hợp với tỷ giá hiện cơ quan Hải quan đang áp dụng tính thuế, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng tỷ giá của hội sở chính Vietcombank.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Năm, Phó TGĐ Tập đoàn Petrolimex cho rằng, tỷ giá tính thuế tác động trực tiếp đến giá vốn hàng hóa. Nếu áp dụng tỷ giá tính thuế khâu nhập khẩu của Vietcombank trong khi tỷ giá tính thuế, hình thành giá cơ sở theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng sẽ dẫn đến vốn tăng lên, hiệu quả kinh doanh của Petrolimex giảm xuống.

“Nếu không điều chỉnh việc áp dụng hai loại tỷ giá khác nhau sẽ tác động đến hiệu quả doanh nghiệp. Một là tác động đến giá bán hai là tác động đến hiệu quả của doanh nghiệp”, ông Năm khẳng định.

Kiều Linh