Đó là những chia sẻ của bà Đặng Phương Dung – Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam bên lề Hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á-Âu: Nội dung cam kết – Tác động tới DN Việt Nam”.

Tuy nhiên, bà Dung cũng cho biết, bên cạnh cơ hội thì cũng có nhiều thách thức về những rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) và các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS). Nếu không có hướng dẫn, mạnh ai nấy làm thì các DN dễ vượt qua ngưỡng quy định và không được hưởng ưu đãi.

Bà Dung cũng lo ngại rằng, cơ chế phòng vệ ngưỡng (trigger) đối với dệt may sẽ khiến ngành khó tăng được kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, mỗi nước thành viên khi tham gia Hiệp định đều đề ra một hạn mức nhập khẩu cố định và khi sản lượng nhập khẩu chạm ngưỡng quy định thì các nước sẽ tiến hành đánh giá mức tác động của mặt hàng đó đối với thị trường sở tại, sau đó mới ra quyết định xem sẽ áp mức thuế cao hơn hay giữ nguyên thuế suất 0% như ban đầu.

Với ngành dệt may, Hiệp định đưa ra ngưỡng hạn chế là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không vượt quá 2 lần bình quân 3 năm gần đây.

Tuy nhiên xuất khẩu của nước ta sang các nước thuộc Liên minh trong mấy năm qua rất thấp, nếu gấp 2 lần thì cũng chỉ dưới 1 tỷ USD. Vấn đề này phải sau 3 năm mới được xem xét lại, và 5 năm tiếp theo xem xét một lần nữa. Nếu không cẩn thận DN rất dễ rơi vào vòng kiểm tra, kiểm soát của họ.

Khó khăn trong kênh thanh toán và ngôn ngữ cũng là trở ngại đối với các DN Việt Nam khi xuất khẩu sang những thị trường thuộc khối Liên minh Á – Âu. Hiện đồng rup đang bị mất giá nên khi ta xuất khẩu, dù được giảm thuế nhưng khó có thể cạnh tranh.
DN phải xác định mặt hàng nào cạnh tranh được, vì khi đồng rup mất giá thì có lợi cho xuất khẩu chứ không có lợi cho nhập khẩu. Trước đây, nước ta có quan hệ thương mại với Nga nhưng với các nước khác trong khối thì chưa có.

Hiện nay giữa 2 nước chưa có hệ thống thanh toán, nên phải thiết lập hệ thống ngân hàng thanh toán giữa hai nước, vì hợp đồng khuyến khích sử dụng đồng nội tệ nhưng các DN Việt Nam có thói quen sử dụng đồng ngoại tệ là USD nên việc hỗ trợ kênh thanh toán là điều hết sức cần thiết đối với DN Việt Nam.
Bà Dung cho biết, các nước trong liên minh sử dụng tiếng Nga, nhưng hiện nay số người Việt biết tiếng Nga không nhiều, để hiểu luật lệ của Nga và Liên minh thì phải chờ dịch rất lâu.
Tiếp cận nguồn thông tin đã khó, mà để chờ được dịch sang tiếng Nga thì càng khó. Đó là vấn đề ảnh hưởng đến việc thực hiện và vận dụng các cơ hội từ Hiệp định này mang lại.

Mặc dù Hiệp định này có nhiều cam kết mở rộng và thông thoáng hơn so với các Hiệp định thương mại tự do khác, nhưng ngoài việc thực hiện những cam kết các DN cũng sẽ phải chịu những quy định “bất thành văn” trong quá trình thực thi quy định của Hiệp định, bà Dung cho biết thêm.