Ngày 26 tháng 4 năm 2024, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định: Số 333/QĐ-TTg ngày 23/4/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản; Số 338/QĐ-TTg ngày 24/4/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Số 343/QĐ-TTg ngày 25/4/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Bộ Công Thương và kết nối trực tuyến với các địa phương cả nước. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị.
Tới dự Hội nghị có đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương; đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty năng lượng, khoáng sản và các hiệp hội ngành nghề, cùng các cơ quan thông tấn, báo chí. Cùng tham dự trực tuyến tại các địa phương trên cả nước có Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ngành liên quan các địa phương.
Trong bối cảnh nhu cầu ngày càng cao và yêu cầu chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, các Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản được xem là có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của ngành năng lượng và công nghiệp khai khoáng quốc gia, mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước của Ngành; mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng và ngành khai khoáng Việt Nam hiệu quả hơn, bền vững hơn phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế. Các Quy hoạch cũng đề xuất một loạt cơ chế mới, gồm đa dạng hóa nguồn vốn, hình thức đầu tư, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong tình hình mới.
Thực hiện Luật Quy hoạch và nhiệm vụ được giao, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, Bộ Công Thương đã khẩn trương triển khai xây dựng các Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch này. Sau nhiều vòng tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, các Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp, phương thức, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp để triển khai thực hiện Quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tối ưu, hiệu quả các nguồn lực; đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ, gắn kết với các kế hoạch thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch các ngành, lĩnh vực khác và quy hoạch cấp tỉnh, phù hợp với bối cảnh và nguồn lực quốc gia.
Để tổ chức thực hiện thành công các Kế hoạch này, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công quán triệt thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại các Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; trong đó:
Bộ Công Thương và các bộ, ngành Trung ương sẽ cùng phối hợp nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách liên quan, bảo đảm đủ mạnh, đồng bộ, khả thi, nhất là chính sách liên quan tới các cơ chế tài chính, cơ chế giá điện, giá khí và các cơ chế gắn hoạt động thăm dò, khai thác đồng bộ, liên kết với đầu tư chế biến khoáng sản… để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương và doanh nghiệp, góp phần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về lĩnh vực năng lượng và quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và quản lý chặt chẽ việc khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các tài nguyên khoáng sản. Tập trung xây dựng, triển khai có hiệu quả các Chương trình quốc gia về khoa học - công nghệ và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành năng lượng và khai khoáng, nhất là trong các ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khí và nhân lực kỹ thuật tay nghề cao vận hành máy móc, thiết bị khai thác chế biến khoáng sản nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới và nâng cao năng suất, chất lượng khai thác, chế biến các loại khoáng sản.
Các địa phương chủ động chỉ đạo rà soát, cập nhật, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh các nội dung liên quan của quy hoạch tỉnh để bảo đảm phù hợp với các Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản theo quy định của pháp luật về quy hoạch; đồng thời, rà soát, cập nhật các quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành của địa phương (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Quy hoạch xây dựng), bảo đảm tính đồng bộ, liên thông, làm cơ sở tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư về năng lượng và khai khoáng theo quy định của pháp luật; Tổ chức lựa chọn chủ đầu tư tư thực hiện các dự án năng lượng, khoáng sản trên địa bàn được đề ra trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia theo phân cấp quản lý và theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm; đồng thời, Quản lý chặt chẽ quỹ đất dành cho Quy hoạch năng lượng và khoáng sản theo tiến độ thực hiện của Kế hoạch và chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dân, tái định cư (nếu có), tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai cho các dự án theo quy định.
Bộ trưởng cũng đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty năng lượng, khoáng sản (như EVN, PVN, TKV, Hóa chất, Xăng dầu, PVGas…) và các Hiệp hội ngành nghề tập trung quán triệt, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Quy hoạch, Kế hoạch; đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách khả thi và tích cực tham gia góp ý với các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng các quy định, chính sách liên quan đến lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, vừa tăng cường sự quản lý nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp; Chủ động đề xuất và nỗ lực triển khai các dự án đầu tư được đề ra trong các Kế hoạch thực hiện Quy hoạch, nhất là các dự án phát triển năng lượng quy mô lớn, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt và các dự án đầu tư mới chế biến các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng; đồng thời, Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học kỹ thuật, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đề nghị các cơ quan truyền thông ở trung ương và địa phương tăng cường thời lượng và tần suất đăng tải tin, bài, phóng sự để tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của năng lượng, khoáng sản và việc triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực này; nội dung, phương hướng thực hiện các Quy hoạch, Kế hoạch; tình hình triển khai, kết quả thực hiện các Quy hoạch, Kế hoạch tại các Bộ ngành, địa phương, cơ quan đơn vị liên quan; đồng thời thu thập, phản ánh các ý kiến, kiến nghị của người dân, các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng chịu sự tác động trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch, Kế hoạch và quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách có liên quan góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả các Quy hoạch, Kế hoạch đã được phê duyệt.
Bộ Công Thương trân trọng cảm ơn các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; cấp ủy, chính quyền các địa phương; các Hiệp hội, Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí đã luôn phối hợp, giúp đỡ ngành Công Thương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ nói chung và xây dựng các Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực quản lý nói riêng. Chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp, giúp đỡ hiệu quả của các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân, giúp ngành Công Thương tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.