Phá giá... có như không?

Ngày 19/8, Ngân hàng Nhà nước chính thức điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD (mức điều chỉnh tăng 1%), đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.

Việc điều chỉnh này của Ngân hàng Nhà nước đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dễ thở hơn. Song, mặc dù được đánh giá là một trong những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi Ngân hàng Nhà nước tăng biên độ tỷ giá song các doanh nghiệp trong ngành dệt may đều cho rằng, “phá giá có cũng như không”.

Trao đổi với Vinanet, ông Trịnh Hoa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sợi quốc tế Thắng Lợi (TPHCM) cho hay, tăng tỷ giá sẽ khiến doanh nghiệp của ông Hoa khó cạnh tranh hơn.

Lý giải về điều này, ông Hoa cho biết, ngành dệt may Việt Nam chủ yếu vẫn nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu bông từ nước ngoàithị trường Châu Phi, Ấn Độ là chủ yếu. Vì vậy, tăng tỷ giá sẽ khiến chi phí đầu vào tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất.

Trong khi đó, ở đầu ra, Trung Quốc là thị trường chính nhập khẩu của Việt Nam. Khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ khiến mặt hàng xuất khẩu bị rớt giá bởi đối tác nhập ép giá hoặc bày cách không mua buộc doanh nghiệp Việt Nam phải hạ giá thành.

“Thị trường Việt Nam chỉ tiêu thụ 20% còn lại 80% xuất sang thị trường Trung Quốc. Nói chung đối với ngành dệt may, việc Ngân hàng Nhà nước tăng biên độ tỷ giá để bù đắp lại phần phá giá của Trung Quốc cũng không giúp được gì nhiều cho doanh nghiệp. Vì xuất khẩu sang Trung Quốc có lợi nhưng đầu nhập vào cũng đắt hơn. Cộng đi cộng lại cũng chỉ bù trừ cho nhau”, ông Hoa nói.

 

Ông Hoa cũng cho biết, kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 của Cty CP Sợi Thắng Lợi giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân do ảnh hưởng của  đồng tiền Euro suy sụp, thị trường tiêu thụ chậm và một số nước áp dụng thuế chống bán phá giá với ngành sợi Việt Nam dẫn đến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

“Đồng Euro suy sụp ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp nhưng vẫn còn tiêu thụ được. Thêm một lần Trung Quốc phá giá càng khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Dự kiến, doanh thu của công ty trong nửa đầu năm nay giảm 10-20% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Hoa lo lắng nói.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Ngân hàng Nhà nước cho rằng động thái tăng biên độ tỷ giá nhằm đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp xuất khẩu trước những biến động “bất thường” của đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho hay, tăng tỷ giá nếu không được điều hành cẩn trọng sẽ dẫn đến tác động ngược.

Ông  V.Tuynh, Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Phương Nam lo ngại nếu Ngân hàng Nhà nước, liên Bộ Công Thương – Tài chính không kiểm soát cẩn thận thì chi phí đầu vào sẽ đội lên, dẫn đến khó khăn lại càng thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, ông Tuynh phân tích: “Tâm lý đám đông của người dân là hễ cứ tăng tỷ giá là đẩy giá thành nguyên liệu lên cao, giá các mặt hàng hóa, chi phí vận chuyển đi lại cũng tăng dẫn đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp bỏ ra tăng theo. Nếu Chính phủ kiểm soát tối, kiềm chế được mức tăng này thì chắc chắn sẽ có lơi cho doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, không chỉ chịu “rủi ro” từ trong nước mà ông Tuynh còn cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu dệt may còn chịu áp lực từ bên ngoài. Đặc biệt là đối tác nhập khẩu từ Mỹ. Bởi rõ ràng dù có lợi nhưng khi bán sản phẩm sang Mỹ, hầu hết các doanh nghiệp đều bị ép giá.

“Họ còn nắm rõ về thị trường kinh tế hơn mình thế nên khi tăng tỷ giá, các đối tác ép doanh nghiệp của mình phải giảm. Đặc biệt là Mỹ, vì bây giờ đang là trái mùa, đơn đặt hàng của họ ít đi nên mình xuất vào thì họ ép giá giảm từ 7-10%, mình làm ra mà không xuất khẩu thì cũng chết. Nếu như trước kia T-Shirt do Phương Nam làm ra họ đặt mua với giá 65 Cent thì hiện tại, giá này bị áp xuống còn 58 Cent”, ông Tuynh nói.

Để qua được “tao đoạn” này, ông Tuynh cho biết, Dệt may Phương Nam đã cố gắng tinh giảm các chi phí đầu vào bao gồm chi phí quản lý, chi phí nhập khẩu nguyên liệu, tăng năng suất sản xuất...

“Nhưng tăng năng suất giỏi lắm chỉ được 3% vì ngành dệt may còn liên quan đến máy móc thiết bị, công nghệ vận hành... “, ông Tuynh nói.

Đồng quan điểm với ông Tuynh, ông Trịnh Hoa cũng cho rằng ngoài việc tinh giảm chi phí để tồn tại, nâng cao hiệu quả sản xuất, thời gian tới, Công ty Cổ phần Sợi quốc tế Thắng Lợi cũng chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường để nâng cao năng lực cạnh tranh. 

 

"Việc tăng tỷ giá giúp DN xuất khẩu có được lợi thế; tuy nhiên đối với DN nhập khẩu lại làm tăng chi phí. Tôi nghĩ rằng NHNN khi đưa ra quyết định này đã tính toán rất kỹ, làm sao vừa đảm bảo không gây biến động thị trường vừa đảm bảo lợi ích của DN".

Ông Dương Hoàng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu, Bộ Công thương.

 

 

Kiều Linh