Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nếu như trong tháng 8, lượng phôi thép khai chứa hợp kim nhập về Việt Nam trên 3000 tấn (giá trị gần 1 triệu USD) thì đến tháng 9, khối lượng tăng vọt, lên tới trên 62000 tấn (trị giá hơn 20 triệu USD). Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tính toán, nếu tình hình không được quan tâm giải quyết, dự báo, phôi thép Trung Quốc sẽ còn tăng mạnh trong các tháng cuối năm, gây thất thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA cho biết, riêng lượng phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc đội lốt thép hợp kim Crom trong tháng 8 và 9/2015 đã làm cho Nhà nước thất thu trên 1,89 triệu USD.

Theo ông Sưa, tình trạng trên là một tiểu xảo mới của Trung Quốc. Trước đây, Trung Quốc vẫn dùng tiểu xảo này, đưa một lượng rất nhỏ nguyên tố hợp kim Bo vào thành phần thép thông thường lấy chiêu bài thép hợp kim để được hoàn thuế giá trị gia tăng ở Trung Quốc từ 9-13%. Chưa dừng lại ở đó, năm nay các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng chiêu tương tự đưa một ít Crom với hàm lượng 0,3% vào thành phần thép để hưởng hoàn thuế giá trị tăng.

"Việt Nam có quy định chung những loại thép chưa sản xuất được, trong đó có thép hợp kim, thép chất lượng cao dùng cho ngành cơ khí chế tạo được đánh thuế nhập bằng 0. Với chiêu bài này, thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam dưới danh nghĩa thép hợp kim được hưởng thuế ữu đãi 0%"- Ông Sưa phân tích.

Ông Sưa nhấn mạnh thêm, thuế phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam là 9%, lẽ ra phôi thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam phải chịu khoản phí này nhưng nhờ lách luật là thép hợp kim nên hưởng lợi. Tổng cộng, thép hợp kim Trung Quốc khi nhập vào Việt Nam được hưởng lợi từ 18%-22%, nên giá bán củaTrung Quốc rất rẻ, cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất phôi ở Việt Nam

Phó Chủ tịch VSA Nguyễn Văn Sưa nhấn mạnh Nhà nước cần sử dụng những công cụ đã có để ngăn chặn trào lưu thép Trung Quốc giá rẻ vào Việt Nam.

Theo ông Sưa, công cụ được quy định rất rõ trong Thông từ 44 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Công Thương quy định rất rõ về điều kiện của nhà nhập khẩu thép. Doanh nghiệp nhập khẩu phải báo cáo Bộ Công Thương, qua đó, Bộ Công Thương đánh giá về năng lực sản xuất của doanh nghiệp để cho phép nhập khẩu. 

"Việc Trung Quốc dùng tiểu xảo nhập khẩu thép hợp kim vào Việt Nam là hành vi gian lận thương mại, khai báo sai bản chất. Phía Việt Nam và các nước trong khối ASEAN đã chịu nhiều thiệt thòi bởi thép Trung Quốc và liên tục đấu tranh với Trung Quốc. Từ đầu năm 2015, Trung Quốc đã bỏ một số loại thép chứa nguyên tố Bo nhưng hiện nay lại xuất hiện thép chứa Crom với tiểu xảo mới"- Vị này nêu thực tế.

Theo ông Sưa, doanh nghiệp Việt Nam còn yếu trong sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Hiện đã có một số trường hợp sử dụng thành công nhưng con số còn nhỏ, không được như nhiều nước trên thế giới trong bảo vệ sản xuất thép trong nước.

“Để đi kiện, doanh nghiệp cần không chỉ trình độ chuyên môn, ngoại ngữ đấu khẩu mà còn tiềm lực kinh tế. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam hiện nay hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng tài chính hạn hẹp nên có phần ngại kiện cáo. Và đây là một yếu điểm của doanh nghiệp Việt trong sân chơi toàn cầu trong bảo vệ mình”, ông Sưa cho hay.

Việc đấu tranh với thép Trung Quốc đã làm từ lâu nhưng hiện nay kết quả như được như mong muốn. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giải pháp cơ bản nhất là doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tính cạnh tranh để giữ thị trường trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài. Về phía nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nâng cao nhận thức, tuyên truyền luật pháp tự do thương mại, hợp tác quốc tế đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ tranh chấp (bị kiện và đi kiện).

Trước tình trạng khó khăn của doanh nghiệp thép trong nước do phôi thép Trung Quốc nhập khẩu, Hiệp hội Thép đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ hàng phôi thép nhập khẩu chứa Crom, quản lý chặt chẽ chất lượng, mục tiêu sử dụng thép nhập khẩu theo thông tư liên tịch 44/2013.

Hiệp hội Thép đề nghị Cơ quan quản lý Nhà nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hạn chế thiệt hại gây ra cho ngành luyện kim trong nước. Đối với doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép hợp kim để cán thép xây dựng, đề nghị Bộ Tài chính, Tổng Cục Hải quan yêu cầu doanh nghiệp áp mã phôi vuông theo đúng quy định và nộp thuế 9% để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

 

  Hải Yến