Ngày 26/8, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị tổng kết Thị trường phát điện cạnh tranh giai đoạn từ 1/7/2014 đến 30/6/2015 và Kế hoạch triển khai Thị trường bán buôn điện cạnh tranh. 

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã chỉ đạo và giao Cục Điều tiết điện lực khẩn trương triển khai các công việc để thực hiện thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2016 và chính thức từ năm 2019. 

"Thị trường bán buôn cạnh tranh sẽ chính thức đi vào vận hành năm 2016, mặc dù vận hành trên giấy. Từ năm 2019, thị trường bán buôn cạnh tranh sẽ vận hành chính thức trên thị trường. Từ đó là bước đến để đến năm 2021 sẽ có thị trường bán lẻ cạnh tranh. Quãng thời gian 5 - 6 năm nghĩ thì dài nhưng thật ra rất nhanh. Do đó, các đơn vị phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và để tiến đến thị trường điện bán lẻ cạnh tranh.  

Thực tế, hệ thống điện còn yếu, mặc dù đã được quan tâm đầu tư nên đầu tư vẫn mất cân đối. Do đó, đã có không ít những thời điểm vận hành không ổn định thị trường phát điện cạnh tranh"- Thứ trưởng nhấn mạnh


Vì lý do đó, Thứ trưởng chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực cần xử lý kịp thời những khó khăn khi vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, cần thận trọng trong các bước quá trình vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Trước tiên là trên cơ sở thiết kế thị trường điện đã phê duyệt, Cục Điều tiết điện lực cần phối hợp với Tư vấn và các đơn vị liên quan tích cực triển khai và ban hành sớm khung pháp lý cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh.  

Với bài học kinh nghiệm từ triển khai thị trường phát điện cạnh tranh, Thứ trưởng cũng giao Cục Điều tiết điện lực triển khai xây dựng trình Bộ ban hành chương trình khung về đào tạo nâng cao năng lực cho các thành viên tham gia thị trường điện. 

Trên cơ sở chương trình khung này thì từng đơn vị tham gia thị trường bán buôn sẽ triển khai xây dựng chương trình đào tạo chi tiết phù hợp với vị trí, vai trò và nhiệm vụ của từng đơn vị trong thị trường điện. 

" Khi xây dựng Bản thiết kế chi tiết về thị trường bán buôn đã phải thuê rất nhiều tư vấn nước ngoài, đồng thời có sự trợ vốn của Ngân hàng thế giới (WB)và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) để thiết kế thị trường bán buôn.

Tuy nhiên, khi tổ chức hội thảo lấy ý kiến của nhiều đơn vị, vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Tôi cho đó là điều dễ hiểu vì chúng ta chưa có tiền lệ vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Do đó, việc đi vào vận hành có thể vướng mắc là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, vì có thể còn nhiều vướng mắc nên khi vân hành thị trường này rất cần phải thận trọng", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Vượng cũng nhận định, việc để một năm vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh trên giấy nhằm mục đích để nếu có vướng mắc còn điều chính. Đó là kế hoạch triển khai thận trọng của Bộ Công Thương. 

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết trong năm 2015, Cục Điều tiết điện lực đã xây dựng Dự thảo đề cương Đề án tái cơ cấu ngành điện để phục vụ thị trường bán buôn cạnh tranh. Dự kiến Bộ Công Thương sẽ gửi Dự thảo Đề án để lấy ý kiến góp ý của các Bộ, cơ quan, đơn vị liên quan trong tháng 9 tới đây. 

Ngoài ra, Cục điều tiết cũng xây dựng và ban hành nội dung đào tạo cho các đơn vị thành viên trên thị trường. Đồng thời, Cục Điều tiết điện lực cũng sẽ xây dựng bản kế hoạch thực hiện vận hành thí điểm thị trường bán buôn trong tranh trong năm 2016. 

Về thị trường phát điện cạnh tranh, ông Tuấn cũng chia sẻ sau 3 năm đã có 59 nhà máy điện (tổng công suất 14.796MW) trực tiếp tham gia thị trường, chiếm 41,63% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống. 

Bước sang năm thứ ba, thị trường phát điện cạnh tranh đã có nhiều tiến bộ đáng khích lệ. Trước đó, năm 2012, chỉ có 31 nhà máy điện (tổng công suất lắp đặt là 9300MW) tham gia thị trường.

Huyền Thương