Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn duy trì sự tăng trưởng. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2020 dự kiến tăng 5-6% so với năm 2019.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2020 ước đạt 5.014,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với năm 2019.
Những kết quả kinh tế ấn tượng nêu trên góp phần khẳng định tính hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nước ta. Trong đó kết quả tích cực về xuất nhập khẩu và sự phát triển ổn định của thị trường trong nước có sự đóng góp quan trọng của công tác xúc tiến thương mại cùng sự nỗ lực của các cơ quan, tổ chức XTTM trên cả nước.
Năm 2020 là một năm khó khăn đối với các lĩnh vực nói chung và xúc tiến thương mại nói riêng với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia, và thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam dẫn đến đại đa số các hoạt động XTTM truyền thống đòi hỏi sự tiếp xúc trực tiếp giữa con người đều bị hủy bỏ, thay vào đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động XTTM và quảng bá thương hiệu theo hướng kết hợp trực tuyến và trực tiếp (hybrid) giúp doanh nghiệp tiếp cận đối tác và thị trường xuất khẩu ngay tại “nhà” và tiết kiệm chi phí.

Theo báo cáo của các cơ quan XTTM gồm hiệp hội ngành hàng và tổ chức XTTM địa phương, trong năm 2020, hệ thống cơ quan XTTM đã triển khai hơn 1.000 đề án XTTM, đạt 70% kế hoạch. Tổng kinh phí dành cho hoạt động XTTM năm 2020 từ ngân sách trung ương, địa phương và nguồn khác khoảng 255 tỷ đồng; kinh phí thực hiện trong năm ước tính 183 tỷ đồng. Các đề án hủy thực hiện chủ yếu là các đề án tham gia hội chợ triển lãm quốc tế, giao thương với các doah nghiệp nước ngoài do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các hoạt động XTTM trên cả nước đã hỗ trợ trên 18.000 lượt doanh nghiệp tham gia trực tiếp quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường; Giá trị hợp đồng và giao dịch tại sự kiện đạt hơn 300 tỷ đồng và 43,8 triệu USD đơn hàng xuất khẩu (chưa tính kết quả đạt được sau khi kết thúc sự kiện, doanh nghiệp tiếp tục đàm phám, giao dịch). Trong đó, Chương trình cấp quốc gia về XTTM là nòng cốt dẫn dắt, định hướng cho các hoạt động XTTM của các hiệp hội ngành hàng, cơ quan XTTM trên cả nước. Cụ thể:
Năm 2020 Chương trình cấp quốc gia về XTTM 2020 phê duyệt 319 đề án, trong đó 253 đề án phê duyệt từ đầu năm kế hoạch, 66 đề án phê duyệt bổ sung, hơn 50% đề án điều chỉnh phương thức triển khai từ XTTM truyền thống sang kết hợp trực tiếp và trực tuyến nhằm đáp ứng ngay với yêu cầu thực tế của thị trường; 80 đề án phải hủy thực hiện do tác động của dịch Covid-19. Như vậy, tổng số đề án thực hiện là 239 đề án, đạt 74,9% kế hoạch.
Kết quả này chứng minh sự nỗ lực và quyết liệt của Bộ Công Thương cũng như hệ thống các cơ quan XTTM trong việc linh hoạt triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch. Bên cạnh các hoạt động XTTM trực tiếp, truyền thống, Bộ Công thương và hệ thống các cơ quan XTTM cả nước đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT chuyển đổi số, đổi mới nâng cao hiệu quả XTTM hỗ trợ doanh nghiệp kết nối khách hàng, duy trì và phát triển kênh phân phối thị trường trong nước, củng cố và phát triển thị trường xuất khẩu với chi phí thấp hơn. Chương trình đã hỗ trợ hàng trăm ngàn lượt doanh nghiệp tham gia hàng triệu phiên giao dịch trực tuyến với các nhà nhập khẩu trên khắp 5 châu lục, gồm cả thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ, Singapore... và nhiều thị trường xuất khẩu ở xa như châu Phi, Úc, Mecosur...
Tính lan tỏa của Chương trình được thể hiện rõ nét trong năm 2020:
- Thông qua việc triển khai trực tiếp Chương trình, năng lực của các cơ quan xúc tiến thương mại đã cải thiện đáng kể, tính chủ động và trách nhiệm được tăng cường; nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động XTTM được nâng cao và việc đầu tư cho hoạt động XTTM của các ngành hàng cũng như địa phương đã được chú trọng. Nhiều đề án xúc tiến xuất khẩu và thị trường trong nước lần đầu tiên được thực hiện trong năm 2020 như kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến, tổ chức gian hàng trực tuyến, tổ chức hội chợ triển lãm trên môi trường số, tổ chức doanh nghiệp tham gia xúc tiến xuất khẩu qua sàn giao dịch thương mại điện tử như Alibaba, Global sourcing, Amazon... được các cơ quan XTTM triển khai có hiệu quả.
- Các địa phương tích cực, chủ động triển khai XTTM sản phẩm địa phương ngay tại các địa phương khác, nắm bắt đúng xu hướng tiêu dùng và phát triển thị trường cho sản phẩm đặc sản vùng miền, nông sản sạch, tăng cường hoạt động tuyên truyền quảng bá sản phẩm đặc sản, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của địa phương góp phần tạo kênh phân phối bền vững cho sản phẩm địa phương trên thị trường nội địa.
Về xây dựng cơ chế chính sách, Ban Quản lý chương trình đã khẩn trương đánh giá và tổng kết thực tiễn triển khai XTTM trong điều kiện mới, nghiên cứu và đề xuất Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 40/TT-BCT ngày 30/11/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2019/TT-BCT ngày 30 tháng 7 năm 2019 hướng dẫn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng hỗ trợ hoạt động XTTM trên môi trường số, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan XTTM, doanh nghiệp trong viêc đa dạng hóa các hoạt động XTTM nhằm khai thác tối ưu các công cụ XTTM để phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong định hướng triển khai hoạt động XTTM năm 2021, Bộ Công Thương (Cục XTTM) sẽ phối hợp với các Bộ, Ngành, Hiệp hội xây dựng và triển khai các đề án XTTM mang tính tập trung theo ngành hàng, khu vực như tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu theo vùng kinh tế trong đó huy động các địa phương trong vùng cùng phối hợp xây dựng và triển khai chương trình quảng bá có trọng tâm, trọng điểm sản phẩm có thế mạnh của vùng nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho XTTM và tránh tổ chức các hoạt động XTTM manh mún giữa các địa phương. Sở Công Thương với vai trò cơ quan quản lý nhà nước cần định hướng hoạt động XTTM địa phương và Trung tâm XTTM với vai trò là cơ quan đầu mối XTTM địa phương tăng cường nghiên cứu xây dựng hoạt động XTTM phù hợp, khả thi, xác định các mặt hàng có tiềm năng của tỉnh/thành phố để tập trung nguồn lực XTTM đưa vào kế hoạch XTTM của địa phương cũng như đề xuất đề án Chương trình cấp quốc gia về XTTM và đề nghị các hiệp hội ngành hàng tăng cường phối hợp với các địa phương trong triển khai chiến lược XTTM đối với ngành hàng mang tính bền vững; Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào XTTM, đẩy mạnh hoạt động giao thương kết hợp trực tiếp và trực tuyến; tổ chức hội chợ trực tuyến quảng bá sản phẩm Việt Nam tại các thị trường quốc tế và xây dựng thành thương hiệu hội chợ thường niên, làm điểm đến tin cậy để tìm nguồn hàng xuất khẩu đối với khách hàng nước ngoài qua đó hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các cơ hội thị trường Việt nam có FTA.
Trong năm 2021, Cục XTTM sẽ đưa vào ứng dụng các nền tảng số, ứng dụng công nghệ thông tin vào XTTM như Cơ sở dữ liệu tập trung trực tuyến về XTTM (CRM), Cổng truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại (www.itrace247.com), Hệ sinh thái xúc tiến thương mại (VECOBIZ) - tích hợp các dịch vụ xúc tiến thương mại; Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động XTTM truyền thống theo hướng có trọng tâm trọng điểm về thị trường, ngành hàng khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

Cục Xúc tiến thương mại

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương