Điện tử hóa toàn bộ quy trình quản lý công văn
|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo công tác cải tiến và điện tử hóa quy trình quản lý, xử lý văn bản tại Bộ Công Thương |
Bộ Công Thương là một trong những Bộ đi đầu trong công tác ứng dụng CNTT trong công tác điều hành. Cải cách thủ tục hành chính luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ. Hiện nay, Bộ đã cung cấp đến người dân và doanh nghiệp 24 dịch vụ công trực tuyết mức độ 3 và mức độ 4 (mức độ cao nhất). Những dịch vụ này đã đảm bảo việc khai báo và xử lý hồ sơ của doạnh nghiệp hoàn toàn trên môi trường điện tử. Theo kế hoạch năm 2016, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành 52 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Đây là sự quyết tâm rất cao của Lãnh đạo Bộ và toàn thể cán bộ công chức viên chức của Bộ.
Thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 nhằm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công, xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã quyết liệt chỉ đạo việc cải cách thủ tục hành chính, trong đó việc thay đổi, cải tiến và điện tử hóa toàn bộ quy trình quản lý, xử lý văn bản đi và đến Bộ Công Thương là một mấu chốt quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử.
Sớm hoàn thành mục tiêu Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương
Thực hiện nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ giao, với mục tiêu điện tử hóa toàn bộ quy trình quản lý, xử lý văn bản và áp dụng đồng bộ, thống nhất tại các đơn vị trong Bộ. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT & CNTT) đã phối hợp với Văn phòng Bộ tiến hành cải tiến quy trình xử lý văn bản và triển khai mới Hệ thống văn bản điện tử Bộ Công Thương (iMOIT).
Từ ngày 01/6/2016 các đơn vị trực thuộc Bộ đã áp dụng chính thức Hệ thống iMOIT trong quản lý xử lý văn bản đi và đến. Theo đó, quá trình xử lý văn bản đi và văn bản đến trong các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương được xử lý hoàn toàn trên môi trường điện tử.
Khi văn bản đến Bộ, bộ phận văn thư sẽ số hóa ngay khi tiếp nhận và cập nhật lên Hệ thống, sau đó được chuyển tự động đến các cấp lãnh đạo và cuối cùng đến chuyên viên xử lý. Việc phối hợp, trao đổi, góp ý, xử lý đều được thực hiện trên Hệ thống.
Hệ thống văn bản điện tử Bộ Công Thương cũng đã đáp ứng được toàn bộ quy trình phát hành văn bản đi. Từ khâu chuyên viên tạo lập văn bản đi, trình lãnh đạo các cấp, xin ý kiến các đơn vị và cho đến khâu văn thư phát hành đều được xử lý, luân chuyển trên Hệ thống iMOIT.
|
Lãnh đạo Cục TMĐT & CNTT hướng dẫn sử dụng Hệ thống iMOIT |
Việc áp dụng Hệ thống iMOIT vào đã làm giảm thời gian xử lý công việc của các cấp, giảm thời gian luân chuyển văn bản giữa các đơn vị và giảm tối đa chi phí sao chụp tài liệu giấy, rút ngắn thời gian thống kê, tìm kiếm văn bản. Ngoài ra, thông qua Hê thống iMOIT, lãnh đạo Bộ, lãnh đạo đơn vị có thể xử lý, chỉ đạo trực tiếp trên Hệ thống, và trực tiếp đến chuyên viên xử lý. Qua đó các cán bộ, công chức, viên chức có thể giám sát, xử lý văn bản mọi lúc, mọi nơi thông qua internet.
Đánh giá tổng quan về Hệ thống văn bản điện tử Bộ Công Thương, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT & CNTT cho biết, việc áp dụng triển khai đồng loạt Hệ thống iMOIT đến các đơn vị, với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Bộ và sự quyết tâm ứng dụng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong Bộ. Bộ Công Thương đã là Bộ, ngành đầu tiên áp dụng quy trình quản lý và xử lý văn bản đi, văn bản đến hoàn toàn trên môi trường điện tử. Hệ thống iMOIT đã liên thông văn bản điện tử đến tất cả các đơn vị trong Bộ. Thông qua trục kết nối, Hệ thống đã liên thông văn bản với Văn phòng chính phủ và sẵn sàng kết nối, liên thông với các Bộ, ngành và địa phương trên cả nước. Đây sẽ là tiền đề cho việc sớm hoàn thành mục tiêu Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương