Nhà nước kiến tạo phát triển là bước phát triển mới về chất của vai trò nhà nước trong điều kiện mới, xuất phát từ việc đề cao chức năng kiểm soát của nhà nước đến việc đề cao yếu tố quản trị và kiến tạo các cơ hội phát triển.
Hội thảo khoa học “Xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển trong thực tiễn Việt Nam” - Ảnh: Minh Châu
Vai trò quan trọng của nhà nước kiến tạo phát triển là đặt trọng tâm vào quá trình phát triển kinh tế, ở đó, nhà nước đưa ra các chính sách vĩ mô hợp lý, đóng vai trò chủ đạo trong định hướng nền kinh tế và giữ nhiệm vụ kiến tạo phát triển cho các chủ thể kinh tế.
Với nhà nước kiến tạo phát triển, quá trình hoàn thiện thể chế và luật pháp là cực kỳ cần thiết; đồng thời, chú trọng sự phát triển đồng bộ giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội và sự bình đẳng về cơ hội giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn. Nhà nước kiến tạo phát triển cũng là cách thức quản trị mới mang tính chia sẻ trách nhiệm và sứ mệnh thông qua cơ chế trao quyền và sự tham gia tích cực, đông đảo của các tầng lớp nhân dân và các nhóm xã hội.
Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, thuật ngữ “nhà nước kiến tạo” được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đưa ra lần đầu năm 2011. Đây là khái niệm mới của Việt Nam đưa ra và rõ ràng nó phản ánh trước hết các đòi hỏi và sức ép từ thực tiễn của Việt Nam trong hoạt động chính nói chung và trong thể chế kinh tế - chính trị nói riêng. Bản thân khái niệm “nhà nước kiến tạo” và đi cùng với nó là “chính phủ kiến tạo” là khái niệm đang dần hình thành, sẽ còn thay đổi cùng với thực tiễn chính trị, kinh tế và xã hội.
Cho đến nay, Việt Nam cũng đang có những cách tiếp cận về “nhà nước kiến tạo phát triển” khá khác nhau với các trọng tâm khác nhau. Nổi bật là cách tiếp cận: nhìn “nhà nước kiến tạo phát triển” không phải là mô hình nhà nước mà chỉ là một mô hình quản trị nói chung, tức tách biệt khỏi các vấn đề nền tảng về tổ chức quyền lực chính trị. Khái niệm mới như vậy sẽ chuyển tải tổ chức quản trị mới; nhìn “nhà nước kiến tạo phát triển” như một mô hình/cách thức điều hành của Chính phủ mà cốt lõi là chuyển từ cai trị sang phục vụ, tức thân thiện hơn với doanh nghiệp, xóa bỏ cơ chế xin – cho, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, đảm bảo ổn định vĩ mô… khái niệm mới này nhằm chuyển tải tinh thần mới trong quản lý điều hành của nhà nước; nhìn “nhà nước kiến tạo phát triển” như một mô hình can thiệp chủ động vào nền kinh tế của Chính phủ, đặc biệt trong việc đưa ra tầm nhìn phát triển cũng như các ưu tiên chính sách tạo các đột phá phát triển và huy động đủ các nguồn lực để thực hiện đột phá đó. Khái niệm mới sẽ nhằm chuyển tải một hệ thống thể chế và chính sách mới cho việc chủ động định hướng nền kinh tế.
Theo PGS.TS Lê Quốc Lý, các cách nhìn nhận như trên về thực chất là không loại trừ nhau mà bổ sung cho nhau vì vấn đề về “nhà nước kiến tạo” ở Việt Nam bao gồm cả các vấn đề về “nhà nước và hệ thống chính trị nói chung”, cách thức mà nhà nước/chính phủ chủ động sáng tạo để “kiến tạo phát triển” nói riêng.
Với trên 20 tham luận, ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại Hội thảo đã đề cập đến những đòi hỏi và thách thức chủ yếu từ thực tiễn chính trị - kinh tế - xã hội Việt Nam hiện tại trong việc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển; phân tích những đổi mới hệ thống chính trị cần thiết; những thể chế và chính sách cần thiết cho sự chủ động kiến tạo phát triển, tận dụng được nguồn lực hạn hẹp và cả lợi thế của nước đi sau…
Nguồn: dangcooongssan.vn