Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, khi hiệp định này được ký kết thì cùng với việc thuế đưa về 0%, cơ hội để Việt Nam tăng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là EU sẽ rất lớn.
Tuy nhiên ông Thái cũng chỉ ra rằng, EU hiện đang là một thị trường phát triển ở trình độ cao, nên các hệ thống kiểm soát về quy chuẩn và tiêu chuẩn hàng hóa tại thị trường này rất phức tạp. Hiện chỉ có khoảng 42% mặt hàng của Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU.
Về lĩnh vực đầu tư, Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, các cam kết nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn trong Hiệp định EVFTA sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam.
Với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của EU, nước ta có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực của Việt Nam.
Lợi ích mang lại từ Hiệp định FTA Việt Nam - EU là rất lớn đối với Việt Nam do hàng hóa từ Việt Nam có tính bổ sung cao với thị trường EU. GDP Việt Nam sẽ tăng thêm 7-8% vào năm 2025. Tuy nhiên, EVFTA cũng là sức ép về đổi mới toàn diện chính sách và thể chế trong nước là rất lớn, đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải thích ứng để tái cơ cấu nền kinh tế, mở cửa thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo tuân thủ các quy định liên quan đến lao động, môi trường.
GS. Ari Kokko, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Châu Á, Đại học kinh doanh Copenhagen, Đan Mạch chia sẻ, với Hiệp đinh VN-EU, thuế quan của các sản phẩm từ VN sẽ được giảm đối với hầu hết các mặt hàng xuất ra nước ngoài. Tuy nhiên, sẽ vẫn có ngành hàng có mức thuế quan khá cao, đặc biệt là đối với ngành hàng chủ đạo như sản phẩm lương thực thực phẩm, các sản phẩm dệt may hay da giày.
Bên cạnh đó, khi thuế giảm thì sẽ tăng mức độ cạnh tranh đối với VN, nhưng điều này không đảm bảo việc VN sẽ thành công trong việc xuất khẩu sang EU bởi còn có hàng rào phi thuế quan là những quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch động thực vật. Chính vì vậy VN sẽ cần phải chuẩn bị sẵn sàng hơn để đáp ứng được các hàng rào phi thuế quan và những tiêu chuẩn kỹ thuật này để có thể xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Theo Ông Franz Jessen, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, quan hệ hợp tác với VN đã được thiết lập trong nhiều năm qua và lại được tăng cường thông qua quá trình đàm phán này, Để những lợi ích này sớm được hiện thực hóa, hai bên thống nhất sẽ đẩy nhanh quá trình tổng hợp các nội dung kỹ thuật để có thể sớm kết thúc toàn bộ Hiệp định ngay trong năm nay, tiến tới sớm thực hiện các thủ tục ký kết, phê chuẩn Hiệp định.