Điện Năng lượng mặt trời tại Nhà hàng Nổi Bến Tre - Công ty CP Du lịch Bến Tre do TTC thi công.
Xác định đây là biện pháp giải quyết đồng bộ các vấn đề về thiếu hụt năng lượng, giá điện tăng cao, biến đổi khí hậu do ô nhiễm môi trường, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cùng các đơn vị thành viên đang tích cực triển khai đầu tư vận hành hệ thống điện mặt trời, không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng nội khối mà còn tiến tới cung cấp dịch vụ chất lượng cho thị trường tiêu dùng đang dồi dào tiềm năng.
Tại Việt nam, với tổng số giờ nắng trung bình cao từ 1500 giờ/năm trở lên, đặc biệt tại một số vùng lên đến trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm vào khoảng 5kWh/m2/ngày theo hướng tăng dần về phía Nam, đây là cơ sở tốt cho các doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng mặt trời trong thực tiễn sản xuất – kinh doanh.
Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ xác định ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng mới và tái tạo, gắn liền với giữ gìn môi trường sinh thái, bảo đảm thực hiện phát triển năng lượng bền vững. Đây cũng chính là định hướng phát triển ngành năng lượng TTC giai đoạn 2016 - 2020.
Kế hoạch này bước đầu được cụ thể hóa thông qua việc lắp đặt và đã đưa vào vận hành hàng loạt hệ thống điện mặt trời tại trụ sở văn phòng trên địa bàn TP.HCM và một số các đơn vị trực thuộc như: Trụ sở Tập đoàn, Tổng kho Khu Công nghiệp Tân Bình; Nhà hàng nổi Bến Tre; hệ thống văn phòng, nhà máy, trực thuộc CTCP Điện Gia Lai (GEC) - đơn vị chủ lực ngành Năng lượng TTC.
Đồng thời TTC đang trong giai đoạn xây dựng kế hoạch mở rộng hệ thống năng lượng mặt trời tại chuỗi các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, phân xưởng, nhà máy, kho vận… trên toàn hệ thống Tập đoàn. Việc đầu tư phát triển đồng bộ góp phần tiết giảm chi phí, giải quyết vấn đề về nhu cầu năng lượng theo hướng bảo vệ môi trường.
Đến nay, mô hình này cũng đang được áp dụng linh hoạt cho hoạt động canh tác tưới mía tại các Công ty ngành đường TTC, và được lắp đặt tại Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng mía đường TTC, cũng như từng bước mở rộng ra các cánh đồng mẫu, và vùng nguyên liệu để cung ứng năng lượng cho các hoạt động tưới tiêu, cơ giới hóa, … Đến nay, TTC đã đưa vào áp dụng hệ thống tưới mía sử dụng năng lượng mặt trời lên 10 điểm và đang tiếp tục mở rộng với các mô hình được cải tiến hơn.
Theo tính toán, điện mặt trời đang trở nên dễ tiếp cận hơn bởi chi phí lắp đặt đã giảm đáng kể so với trước. Chi phí sản xuất giảm từ 10.000 đô la Mỹ cho 1 kW công suất (2010) xuống còn khoảng dưới 2.500 đô la Mỹ ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, việc tận dụng các chính sách như khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo thông qua tăng cường đầu tư nguồn vốn nhà nước, ưu tiên bố trí nguồn vốn tín dụng, ưu đãi thuế suất, đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác… cũng mang lại các lợi thế nhất định trong công tác tổ chức triển khai.
Theo đó, bên cạnh việc chủ động củng cố hiệu quả đáp ứng nhu cầu qua lắp đặt điện năng lượng mặt trời, TTC cũng đang xây dựng đề án cụ thể cơ chế bán điện lên lưới quốc gia khi hệ thống điện mặt trời đáp ứng vượt hơn tổng phụ tải tiêu thụ. Giá bán điện đối với hai hình thức năng lượng mặt trời đang được TTC triển khai bao gồm “trại nắng” (solar farm) và “mái nhà” (rooftop) lần lượt là 11.2 UScents/kwh và 14 UScents/kwh, nguồn thu này sẽ góp phần không nhỏ trong hiệu quả đầu tư trở lại để tiếp tục mở rộng qui mô, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Chia sẻ về lộ trình và định hướng phát triển ngành năng lượng TTC giai đoạn 2016 – 2020, ông Tân Xuân Hiến, Chủ tịch HĐQT CTCP Điện Gia Lai, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Tập đoàn TTC, nhấn mạnh, bên cạnh việc tiếp tục củng cố các thế mạnh sẵn có về thủy điện và nhiệt điện tại khu vực miền Trung Tây Nguyên, ngành năng lượng TTC cũng như CTCP Điện Gia Lai hướng tới đẩy mạnh các hoạt động năng lượng tái tạo. Trên cơ sở kinh nghiệm đã triển khai hiệu quả hệ thống đồng phát nhiệt điện từ bã mía của các nhà máy đường TTC, tổng công suất đạt hơn 95 MW, chiếm 64% tổng công suất phát điện của các nhà máy đường lớn tại Đông Nam Bộ, TTC xác định thị trường điện mặt trời rất giàu tiềm năng với nhu cầu lớn đến từ nhiều đối tượng khách hàng, từ cá nhân đến các doanh nghiệp, tổ chức.
Do đó, ngành năng lượng TTC đang tích cực triển khai đầu tư thí điểm mô hình nhà máy điện mặt trời với công suất tối thiểu 7MW tại các địa bàn có tiềm năng như: Bình Thuận, Ninh Thuận, và các tỉnh miền Trung, mạnh dạn đặt mục tiêu hoàn thiện 1MWp điện “mái nhà” và vận hành giai đoạn 1 công trình “Trại nắng” với công suất đến 10MWp vào cuối năm 2017. Đây là tiền đề để ngành năng lượng TTC đẩy mạnh hoạt động công nghiệp hỗ trợ, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng với giá thành cạnh tranh, hiệu quả sử dụng lâu bền, bảo đảm các quy định về an toàn điện, giữ gìn cảnh quan đô thị và môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.