Ông Tuấn cho hay, ngoài các doanh nghiệp nước ngoài đề nghị gia công, một số công ty lớn khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Hanoimilk, nhưng vẫn chưa thỏa thuận nào được ký kết. Tất cả mới chỉ dừng lại ở giai đoạn tìm hiểu. Ông Tuấn khẳng định: “Tôi chưa đặt bút ký thỏa thuận nào. Các tin đồn nếu có trên thị trường đều là tin đồn nhảm.”

ĐHĐCĐ năm 2015 của HNM với sự tham gia của 71.17% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trong đó lượng cổ phần do Chủ tịch HĐQT Hà Quang Tuấn nắm giữ và được các cổ đông khác ủy quyền là 65.25%.

Câu chuyện chiếc vỏ hộp

Lãnh đạo Hanoimilk cho biết, khó khăn của công ty đến từ sai lầm chiến lược trong việc lựa chọn thiết bị máy rót hộp Wed khi đầu tư xây dựng nhà máy. Việc này đã để lại hậu quả nghiêm trọng đối với Hanoimilk.

Mẫu vỏ hộp Wed ban đầu được kỳ vọng sẽ giúp phân biệt Hanoimilk với các dòng sản phẩm sữa khác nhưng với những nhược điểm ngày càng xuất hiện nhiều dẫn đến dòng sản phầm này không bán được ra thị trường như mong muốn. Vì thế Hanoimilk đã phải dừng sản xuất từ đầu năm 2015, đồng nghĩa với 7 dây chuyền máy rót hộp Wed phải ngừng hoạt động.

Mặc dù gặp khó đối với các sản phẩm hộp Wed, Hanoimilk vẫn quyết tâm lắp đặt và đưa vào sử dụng dây chuyền Brik 110ml từ tháng 11/2014, tuy nhiên điều này vẫn không bù đắp được nhiều vào sự thiếu hụt doanh số bán hàng.

Đại diện Hanoimilk cũng cho biết, hiện chỉ bán được các sản phẩm IZZI hộp Brik nên nhà máy đang trong trạng thái thừa công suất chế biến nhưng thiếu công suất rót. Các dây chuyền máy rót hộp Brik mới được đầu tư phải thường xuyên hoạt động nhưng vẫn không đủ công suất. Không dừng ở đó, hệ thống bán hàng của Hanoimilk cũng có nhiều xáo trộn trong năm 2014.

Những khó khăn trên của riêng công ty cùng những hậu quả để lại từ khủng hoảng truyền thông “Melanin” năm 2008 và những khoản lỗ mà HĐQT cũ để lại khiến tình hình kinh doanh những năm 2010-2014 đều không mấy khởi sắc.

Về kết quả kinh doanh năm 2014, tổng sản lượng sữa sản xuất của HNM là hơn 8 triệu lít, gồm 6.1 triệu lít sữa tiệt trùng UHT và 2 triệu lít sữa chua ăn. Mảng sữa chua ăn đã đóng góp 30% vào doanh thu gần 222 tỷ đồng của Hanoimilk. Dự án phát triển sữa chua uống tạo ra sản phẩm IZZI Dinomilk đóng góp 20% doanh số.

Lợi nhuận trước thuế của Hanoimilk năm 2014 ghi nhận đạt gần 4 tỷ đồng, hoàn thành 91.5% kế hoạch. Nhưng sau khi bị trừ khoản truy thu nộp bổ sung thuế thu nhập chênh lệch bán đất Bình Dương từ các năm trước nên lợi nhuận sau thuế chỉ còn 155 triệu đồng. Do vậy, HĐQT HNM quyết định không chia cổ tức năm 2014. Phần lợi nhuận này sẽ đầu tư cho các dự án của công ty để giảm chi phí huy động vốn vay bên ngoài và gia tăng thêm lợi nhuận.

Kế hoạch lãi hơn 3 tỷ đồng, tăng tỷ trọng sữa chua lên 40%

Năm 2015, Hanoimilk lên kế hoạch tăng sản lượng sản xuất lên 26%, đạt 10.2 triệu lít. Doanh thu dự kiến đạt 316.8 tỷ đồng, tăng 24%. Qua đó, lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch là 3.2 tỷ đồng. Định hướng trong năm 2015, Hanoimilk sẽ tăng tỷ trọng sữa chua ăn trong cơ cấu doanh thu lên 40%. Phó Tổng giám đốc Phan Mạnh Hòa khẳng định, kế hoạch doanh thu 322 tỷ đồng là kế hoạch thấp nhất có thể đạt được, công ty phấn đấu cao hơn nữa.

Đối với dự án thuê đất trồng cỏ nuôi bò sữa tự nhiên được ĐHĐCĐ thường niên 2010 thông qua với tổng mức đầu tư ban đầu dự kiến là 50 tỷ đồng. Năm 2014, Hanoimilk lên phương án đầu tư với quy mô tổng đàn bò 1,000 con trong giai đoạn 2014-2017 và tăng lên 2,000 còn giai đoạn 2018-2020 với tổng mức đầu tư gần 288 tỷ đồng.

Sau một năm, kế hoạch này tiếp tục được thay đổi với tổng mức đầu tư tăng lên xấp xỉ 361 tỷ đồng. Quy mô tổng đàn bò 2,000 con và sau này có thể tăng lên 4,000 con, thời gian thực hiện 2014 - 2017.

Tại Đại hội, nhiều câu hỏi khác cũng được các cổ đông đặt ra xung quanh nguồn nguyên liệu đầu vào, phương án phát triển kênh phân phối.

Về nguồn nguyên liệu sữa cho năm tới, Hanoimilk đã mua xong sữa với giá rất tốt từ giờ cho đến hết năm. Nguồn sữa được nhập với chất lượng tốt. Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm: “Tất cả các công ty sữa đều nhập tới 70-80% nguyên liệu sữa bột, trừ TH True Milk”. Sữa Izzi của Hanoimilk là sữa tươi cộng sữa hoàn nguyên. Nguồn sữa tươi hiện được công ty lấy từ VnFutrure Milk và được kỳ vọng lấy từ trang trại trong năm sau. Chất lượng sữa tươi từ hộ nông dân không đạt tiêu chuẩn quốc tế mà Hanoimilk đang theo đuổi (tính theo gam chất dinh dưỡng/ml sữa) nên công ty không nhận nguồn sữa này.

Về kế hoạch phát triển kênh phân phối, ông Phan Mạnh Hòa cho biết trong 3 tháng vừa qua, Hanoimilk đã ký được nhiều hợp đồng trên tất cả các kênh phân phối gồm: Hệ thống siêu thị nội địa và quốc tế; trường học và bếp ăn công nghiệp (mỗi bếp ăn phục vụ hàng chục trường học) và các khách hàng công nghiệp lớn với sức tiêu thụ 500 – 1,000 thùng sữa chua/ ngày. Ở kênh phân phối truyền thống, Hanoimilk đã ký được một loạt hợp đồng tại các tỉnh thành.  

Phát hành tối đa 100 tỷ đồng trái phiếu


Đại hội cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi để huy động vốn cho phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty thay thế cho kế hoạch phát hành được ĐHĐCĐ năm 2013 thông qua nhưng chưa thực hiện được.

Theo phương án này, Hanoimilk sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi với tổng giá trị từ 50 – 100 tỷ đồng, mệnh giá cổ phiếu chuyển đổi là 10,000 đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 1- 3 năm, được phát hành riêng lẻ trong thời gian từ 2015- 2017.

Năm 2014, công ty đã thực hiện huy động vốn qua kênh phát hành cổ phiếu riêng lẻ 7.5 triệu cổ phiếu, qua đó thu về gần 80 tỷ đồng, đồng thời tăng vốn điều lệ từ 125 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng.

Về vấn đề hợp tác, ông Hà Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT HNM cho biết, Hanoimilk đang thực hiện gia công sữa cho hãng sữa TH Truemilk. Đồng thời, các hãng sữa nước ngoài như Nestlé, Oishi (Nhật Bản) đang xem xét gia công sản phẩm tại công ty. Nếu công ty ký được hợp đồng gia công dài hạn, Hanoimilk sẽ sẵn sàng đầu tư nhập dây chuyền máy rót với giá mỗi dây chuyền khoảng từ 2.6- 2.7 triệu USD.

Ngoài ra, danh sách HĐQT nhiệm kỳ mới 2015-2020 đã được các cổ đông thông qua gồm 5 thành viên: ông Hà Quang Tuấn (Chủ tịch), ông Phan Mạnh Hòa, ông Phạm Tùng Lâm, bà Nguyễn Mai Phương, ông Đặng Anh Tuấn, ông Đào Xuân Từ. 

Nguồn: Vietstock