Theo ông Sudhanshu Pandey, một quan chức cấp cao ở Bộ Phân phối Công cộng, Thực phẩm và Các vấn đề người tiêu dùng Ấn Độ, Chính phủ hiện không xem xét bất cứ khoản trợ cấp nào cho năm tới. Trong bối cảnh hiện tại, nhu cầu đường ở Ấn Độ sẽ tăng cao hơn, do đó giá đường trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng tiếp. Việc trợ cấp xuất khẩu có thể không cần thiết nữa.
Ấn Độ, nhà sản xuất đường lớn nhất thế giới sau Brazil, liên tục trợ cấp cho các nhà xuất khẩu đường trong 3 năm qua, bất chấp sự phản đối của nhiều nước sản xuất đường khác.
Sau khi nhận được đơn khiếu nại của Brazil, Úc và Guatemala, năm 2019, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thành lập ban hội thẩm để đưa ra phán quyết về việc Ấn Độ trợ cấp xuất khẩu đường. Tuy nhiên, Ấn Độ khẳng định chính sách trợ cấp này không vi phạm các quy tắc của WTO.
Do giá đường tăng, các thương nhân Ấn Độ lần đầu tiên đã ký hợp đồng xuất khẩu trước 5 tháng do sản lượng của Brazil có khả năng giảm khiến người mua phải đảm bảo nguồn cung từ Ấn Độ trước.
Trong năm nay, tính đến ngày 30/9/2021, Ấn Độ sẽ xuất khẩu kỷ lục 7,1 triệu tấn đường, nhờ các khoản trợ cấp để thúc đẩy doanh số bán ra nước ngoài.
Trong nhiều năm qua, sản lượng đường cao hơn đã tác động đến giá nội địa, ảnh hưởng đến “sức khỏe” tài chính của các nhà máy khiến các chủ doanh nghiệp mía đường không thể thanh toán kịp thời cho nông dân.
Một số yếu tố ở các nước sản xuất đường khác như hạn hán ở Thái Lan và việc chuyển hướng mía để sản xuất ethanol ở Brazil đã khiến các nhà máy đường Ấn Độ có tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu tốt. Một số người trong ngành cho biết, nhiều nhà máy đường ở Maharashtra đang cố gắng thương lượng lại các hợp đồng trước đó của họ với giá cao hơn.
Ngành đường Ấn Độ dự kiến sẽ sản xuất gần 310 nghìn tấn. Trữ đường của nước này hiện khá dư dả và ước tính sẽ thặng dư dưới 100 nghìn tấn trong vụ mới.