Tìm hiểu kỹ nguồn cung gỗ, gia tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu, đặc biệt là cân nhắc phương án gom chung đơn hàng nhập khẩu gỗ nguyên liệu giữa các doanh nghiệp để nhập khẩu hàng bằng tàu rời thay vì container… là nhiều giải pháp hiệu quả giúp ngành gỗ tăng chủ động nguồn nguyên liệu, hướng tới kết quả xuất khẩu 13-14 tỷ USD trong năm nay.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ ước đạt 13-14 tỷ USD, thấp hơn 1-2 tỷ USD so với mục tiêu được đề ra trước đó của ngành.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ ước đạt 13-14 tỷ USD, thấp hơn 1-2 tỷ USD so với mục tiêu được đề ra trước đó của ngành.
Nhập khẩu gỗ tăng hơn 14%
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 năm nay, dự kiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt khoảng 13-14 tỷ USD. Con số này thấp hơn khoảng 1-2 tỷ USD so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm của toàn ngành.
Có thể khẳng định, Việt Nam đã trở thành quốc gia quan trọng trên “bản đồ” cung các sản phẩm đồ gỗ cho thế giới. Gỗ nguyên liệu đầu vào là một trong những động lực quan trọng để ngành phát triển. Mặc dù nguồn cung gỗ nguyên liệu nội địa lớn, song nguồn này không đủ để đáp ứng các yêu cầu đa dạng về chủng loại và chất lượng sản phẩm xuất khẩu cũng như sản phẩm tiêu dùng nội địa. Gỗ nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm gỗ tròn, xẻ và các loại ván đã trở thành nguồn cung đầu vào quan trọng cho các doanh nghiệp trong ngành.
Hàng năm, ngành gỗ Việt đang sử dụng gần 50 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trong đó nguồn nhập khẩu gần 6 triệu m3 gỗ quy tròn và trên 1,5 triệu m3 ván các loại, còn lại là gỗ từ rừng trồng trong nước.
Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends thông tin thêm trong số nhập khẩu khoảng 5,5-6 triệu m3 quy tròn gỗ nguyên liệu mỗi năm của Việt Nam, khoảng trên 40-45% lượng nhập khẩu gỗ từ các nước nhiệt đới, chủ yếu là gỗ tự nhiên; 55-60% còn lại là gỗ ôn đới. Trong 8 tháng đầu năm 2021, lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu đạt khoảng 4 triệu m3 quy tròn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020.
“Chuẩn bị cho tái sản xuất và phục hồi, đáp ứng các đơn hàng cho mùa hàng cuối năm đã và đang được các doanh nghiệp chú trọng và lên các phương án. Việc đảm bảo nguồn cung gỗ nguyên liệu, trong đó có gỗ nhập khẩu đóng vai trò quyết định cho phục hồi sản xuất ngành gỗ cũng như đảm bảo mục tiêu xuất khẩu thời gian tới”, ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.
Theo ông Tô Xuân Phúc, khoảng 1 năm tới, luồng cung gỗ ôn đới từ châu Âu và Mỹ có thể tiếp tục giảm, không chỉ do đại dịch Covid-19 mà còn do lượng cung từ các nguồn này được sử dụng phục vụ tiêu dùng nội địa tại chính các thị trường này. Điều này làm cho giá gỗ nhập khẩu từ những nguồn này vào Việt Nam tăng. Tuy nhiên, một phần giảm sút các nguồn cung này có thể được thay thế từ New Zealand, Mỹ La tinh và đặc biệt là từ Australia.
“Để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào sắp tới, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các nguồn cung gỗ, đặc biệt là nguồn cung từ Mỹ và các nước EU bởi đây là các vùng có nhiều biến động về nguồn cung, bao gồm giá nguyên liệu”, ông Tô Xuân Phúc nói.
Đẩy mạnh nhập khẩu bằng tàu rời
Theo đánh giá của đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội gỗ trong và ngoài nước, thời gian qua, mặc dù giá nhập khẩu gỗ tăng nhưng lượng nhập khẩu của Việt Nam vẫn tăng. Điều đó chứng tỏ nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng, chênh lệch cung-cầu ngày lớn hơn, gia tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu là vấn đề các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm.
Tập trung phân tích sâu góc độ chi phí vận tải, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) nhấn mạnh, giá cước vận tải thời gian qua tăng mạnh, không có dấu hiệu dừng lại và hiện container rỗng vẫn rất thiếu.
Từ tháng 4/2021 giá cước vận tải tăng dựng đứng cả chiều xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Cụ thể, cước vận tải xuất từ Việt Nam qua Bắc Mỹ và châu Âu tháng 1/2021 mới là 4.800 USD/container 40 feet thì tháng 8/2021, tháng 9/2021 đã lên tới gần 19.000 USD/container 40 feet, tăng gấp 4 lần. Con số này so với mức giá cước của năm 2020 tăng khoảng 10 lần.
“Trong viễn cảnh giá cước chưa thấy điểm dừng, tôi cho rằng ngành gỗ nên cân nhắc việc mua gỗ nguyên liệu vận chuyển bằng tàu rời (hiện nay hình thức nhập khẩu của Việt Nam là theo container-PV). Muốn vậy, các doanh nghiệp trong ngành cần tổ chức gom mua chung vì tàu rời đi hàng số lượng lớn”, ông Minh nói.
Riêng với vấn đề thương lượng với các hãng tàu, Tổng Thư ký VLA lưu ý phải thương lượng theo số đông và thông qua hỗ trợ từ Chính phủ, đồng thời nên quan hệ mua bán theo hình thức đối ứng. Ví dụ, doanh nghiệp xuất khẩu lượng lớn gỗ sang Mỹ cần đàm phán của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao để mua ngược lại gỗ cứng nguyên liệu từ Mỹ. “Có sự hỗ trợ của các bộ, ngành trong đàm phán sẽ lợi thế hơn về giá mua cũng như việc tạo áp lực với các hãng tàu”, ông Minh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) cũng cho rằng, thời gian tới các doanh nghiệp trong ngành phải đoàn kết, cho ra nhiều phương án tốt hơn, tối ưu hoá chi phí, đặc biệt là vấn đề chọn nguồn gỗ có chi phí vận chuyển rẻ hơn hay các doanh nghiệp gom chung đơn hàng nhập khẩu để vận chuyển gỗ bằng tàu rời…