Nếu trước đây, mỗi tháng Cty TNHH Sản xuất và XNK Giang Thủy, xuất khoảng 500 – 700 tấn viên nén gỗ sang thị trường Hàn Quốc với mức giá khoảng 160 USD/ tấn, lợi nhuận thu về khoảng 15 – 20 USD/tấn. Nhưng, từ 2014 đến nay, giá bán liên tục giảm khiến DN này khó trụ lại thị trường.

Theo thống kê, khi thị trường đang thuận lợi cả nước có khoảng 300 DN sản xuất viên nén gỗ. Trong đó, khu vực phía Nam chiếm 70% DN và khu vực miền Bắc chiếm 30%.

Năm 2013, Chính phủ Hàn Quốc có chủ trương nâng tỷ trọng điện sản xuất sinh khối từ 6% vào năm 2007 lên trên 30% vào năm 2030 trong tổng lượng năng lượng mới và năng lượng tái tạo nên Hàn Quốc gần như bao tiêu toàn bộ sản phẩm viên gỗ nén từ VN. Vì vậy, tính đến cuối năm 2014, VN là quốc gia cung cấp viên nén gỗ lớn nhất cho Hàn Quốc. Tuy nhiên, từ giữa năm 2014 đến nay, Hàn Quốc bắt đầu giảm lượng hàng nhập khẩu từ VN.

Theo ông Hoàng Minh Thảo – Giám đốc Cty Hỏa Thiên, trước đây, khi nhu cầu về viên gỗ nén tại thị trường Hàn Quốc cần khoảng 10.000-15.000 tấn/năm, phía Hàn Quốc đã tiếp cận một số DN tại thị trường miền Bắc để đặt hàng. Tuy nhiên, khả năng cung ứng của DN Việt mới chỉ đạt khoảng 3.000 tấn/năm.

Thực tế, theo tìm hiểu của PV, tiềm lực của các DN sản xuất viên nén gỗ không lớn, chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Hơn nữa, chia sẻ với DĐDN, ông Trần Phát Đạt – Giám đốc Cty tư nhân Quỳnh Nga cho rằng, các DN VN hiện đang quá phụ thuộc vào thị trường Hàn Quốc như kiểu “bỏ trứng vào một giỏ” nên khi thị trường này ngừng mua, sản xuất và tiêu thụ sẽ bị ứ đọng. Bên cạnh đó, thực chất, VN cũng không có nhiều lợi thế trong ngành này khi diện tích rừng có giới hạn, tiềm năng nguyên liệu chỉ vào loại trung bình, tương lai gần sẽ bị cạnh tranh quyết liệt bởi các quốc gia láng giềng.

Hiện nay, hai thị trường tiềm năng nhất có thể mở rộng là thị trường Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Cùng với đó, thị trường Châu Âu và EU cũng có nhu cầu tiêu thụ viên nén gỗ khá lớn chiếm khoảng 75% thị phần tiêu thụ gỗ viên nén trên toàn thế giới. Nhưng để xuất khẩu vào khối thị trường này, viên nén gỗ phải đạt các tiêu chuẩn khá khắt khe về xuất xứ nguồn gốc gỗ được sử dụng phải là gỗ hợp pháp (gỗ rừng trồng có thể truy xuất được nguồn gốc). Tuy vậy, đến thời điểm này, sản phẩm viên nén gỗ VN chưa thể đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng do EU đặt ra.

Vì vậy, trước mắt, theo ông Nguyễn Khánh Hà – Chủ tịch Hiệp hội gỗ viên nén, các DN nên “quay về bếp nhà”. Bởi ước tính VN có khoảng ít nhất 20 triệu bếp đun hộ gia đình, nếu, thay thế bếp củi và bếp than tổ ong độc hại bằng bếp đun viên gỗ nén thì nhu cầu tiêu thụ gỗ viên nén có thể lên tới 1 triệu tấn, chưa kể tới việc sử dụng gỗ viên nén cho các bếp công nghiệp.

Nguồn: Mai Thanh/Báo Diễn đàn doanh nghiệp điện tử