Giá dầu mỏ tăng phiên thứ 2 liên tiếp đã tác động tích cực lan tỏa tới các thị trường hàng hóa khác. Việc Mỹ thông qua gói kích thích kinh tế mới trị giá gần 500 tỷ USD và EU thông qua gói hỗ trợ 540 tỷ EUR cũng góp phần tạo tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục tăng sau khi các nước sản xuất dầu lớn thông báo sẽ đẩy mạnh cắt giảm sản lượng theo kế hoạch để ứng phó sự sụt giảm mạnh trong nhu cầu do dịch COVID-19.
Kết thúc phiên này, dầu Brent Biển Bắc tăng 96 US cent (4,7%) lên 21,33 USD/thùng, trong khi dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,72 USD/thùng, hay 19,7%, lên 16,50 USD/thùng.
John Kilduff, đối tác của quỹ phòng hộ Again Capital LLC ở New York, cho rằng ngành dầu mỏ Mỹ đang có những phản ứng thực sự với giá dầu ở mức siêu thấp, và điều này phần nào giúp giá mặt hàng này phục hồi. Số lượng giàn khoan dầu của Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016, đưa sản lượng dầu thô của nước này giảm 100.000 thùng/ngày trong tuần trước xuống còn 12,2 triệu thùng/ngày.

Dự trữ dầu thô ở Cushing

Nguồn: Reuters

 Kuwait ngày 23/4 cho hay đã bắt đầu cắt giảm nguồn cung dầu ra thị trường quốc tế trước cả ngày 1/5, tức là sớm hơn thỏa thuận. Nga cũng đang tìm kiếm các phương án giảm sản lượng và có thể sẽ phải dùng đến cách tự tiêu thụ dầu của chính mình. Sản lượng của nước này đã không thay đổi nhiều từ tháng Ba đến nay.

Ngoài ra, giá dầu khởi sắc trên thị trường một phần được cho là do những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc chỉ thị lực lượng hải quân "bắn hạ" các tàu của Iran nếu "có hành động khiêu khích" các tàu Mỹ tại vùng Vịnh. Giá dầu thường tăng khi căng thẳng xảy ở vùng Vịnh do những lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung. Các nhà phân tích cũng cho rằng, những tuyên bố như vậy của Tổng thống Mỹ sẽ có tác động lớn tới giá dầu trong thời gian tới.
Nhập khẩu dầu của Ấn Độ từ OPEC đang giảm nhanh, với tỷ lệ trong tổng nhập khẩu chỉ còn 78,3% trong năm 2019/20, mức thấp nhất trong vòng 19 năm (trước đây khoảng 80%), do nước này chuyển hướng sang tăng cường mua dầu của Mỹ và các nước Địa Trung Hải như một biện pháp khiến nước này có thể mua dầu rẻ hơn. Trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2020, Ấn Độ đã nhập khẩu 4,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, giảm khoảng 0,9% so với năm trước đó, trong đó khoảng 3,53 triệu thùng/ngày đến từ OPEC.
Một số nhà máy lọc dầu ở nước này chủ yếu được thiết kế để chế biến dầu thô Trung Đông, song các nhà máy lọc dầu mới hơn có thể tiếp nhận bất kỳ loại dầu thô nào. Vì vậy, Ấn Độ có thể mua nhiều dầu thô hơn từ Mỹ.

Thị phần của OPEC trong NK dầu của Ấn Độ giảm xuống thấp kỷ lục

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 tuần do thị trường kỳ vọng Mỹ sẽ đưa ra thêm các biện pháp kích thích do đại dịch COVID-19 gây tổn thất cho nền kinh tế này. Vàng có xu hướng được hưởng lợi từ các biện pháp kích thích kinh tế của các nước kể từ khi kim loại quý này được coi là mặt hàng chống lạm phát và đồng tiền mất giá.
Kết thúc phiên, vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.726,94 USD/ounce, trước đó có thời điểm giá kim loại quý này đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 14/4 là 1.738,58 USD/ounce; vàng giao tháng 6/2020 tăng 0,4% lên 1.745,40 USD/ounce.
Theo David Meger, trưởng bộ phận giao dịch kim loại ở High Ridge Futures, giá vàng nhận được sự hỗ trợ từ các biện pháp kích thích liên tiếp của ngân hàng trung ương các nước trên thế giới. Đặc biệt, Hạ viện Mỹ ngày 23/4 đã thông qua một dự luật kích thích bổ sung trị giá 484 tỷ USD, nâng tổng chi phí hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ ứng phó với tác động từ đại dịch lên gần 3 nghìn tỷ USD. “Tỷ lệ thất nghiệp đang hướng đến mức 20%, và chỉ riêng điều này đã đủ để Cục Dự trữ Liên bang và Chính quyền Mỹ tiếp tục tung thêm các chương trình kích thích để hỗ trợ kinh tế”, nhà phân tích thị trường cấp cao của hãng môi giới OANDA, ông Edward Moya cho biết. Bộ Lao động Mỹ cho biết khoảng 4,4 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua (tính đến ngày 18/4), nâng tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lên tới 26 triệu trong 5 tuần qua, bởi những hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Cũng trong ngày hôm qua, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý xây dựng một Quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 trị giá hơn 1.000 tỷ euro
Các chuyên gia nhận định giá vàng sẽ còn tăng tiếp lên 1.800 USD/ounce bởi các chương trình kích thích kinh tế sẽ chưa kết thúc sớm.
 Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng theo xu hướng giá dầu. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định xu hướng này khó duy trì vì triển vọng nhu cầu yếu kém khi ngày càng có nhiều dữ liệu cho thấy kinh tế sẽ còn suy thoái hơn nữa do Covid-19.
Kết thúc phiên 23/4, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn LME (London) tăng 0,6% lên 5.164,5 USD/tấn. Kim loại này- được các nhà đầu tư xem như thước đo sức khỏe nền kinh tế Mỹ. Ngày 20/4, giá đồng đạt mức cao nhất 5 tuần (5.248 USD/tấn), nhưng vẫn mất khoảng 17% kể từ giữa tháng 1/2020.
Kinh tế Trung Quốc – nước tiêu thụ đồng nhiều nhất thế giới – đã giảm trong quý 1 năm nay. Hoạt động sản xuất của Eurozone trong tháng 4 bị đình trệ cho chính sách cách ly xã hội.
Về các kim loại cơ bản khác, giá nhôm vững ở 1.515 USD/tấn, kẽm giảm 1,1% xuống 1.874,5 USD/tấn, chì giảm 1,1% xuống 1.649 USD/tấn, thiếc tăng 0,9% lên 15.000 USD/tấn và nickel tăng 1,5% lên 12.190 USD/tấn.
Trong nhóm sắt thép, giá biến động trái chiều. Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc mạnh lên trong phiên vừa qua khi các nhà máy đẩy mạnh việc mua tích trữ trước kỳ nghỉ Quốc tế Lao động. Quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên phiên vừa qua có thời điểm tăng 2,3% lên 618 CNY (87,36 USD)/tấn, trước khi kết thúc ở mức tăng 0,2% lên 605 CNY/tấn. Phiên 22/4, giá quặng sắt 62% nhập khẩu vào Trung Quốc tăng lên 85,5 USD/tấn.
Trái với xu hướng tăng của quặng sắt, giá thép cây và thép cuộn cán nóng trên sàn Thượng Hải trong phiên vừa qua đều giảm do nhu cầu từ khách hàng nước ngoài suy yếu. Hai loại thép này giá giảm lần lượt 0,3% và 0,1%, so với các mức lần lượt 3.375 CNY/tấn và 3.211 CNY/tấn của phiên liền trước.
Sản lượng thép thô trên toàn cầu trong tháng 3/2020 giảm 6% so với tháng 3/2019, xuống 147,1 triệu tấn, do khủng hoảng Covid-19 buộc các nhà máy phải đóng cửa trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, sản lượng thép thô tháng 3 của Trung Quốc chỉ giảm nhẹ (-1,7% xuống 79 triệu tấn).
Châu Âu và Nhật đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh do nhu cầu từ các hãng sản xuất ô tô và các dự án xây dựng đều suy giảm. Sản lượng thép của Liên minh Châu Âu tháng 3 giảm 20,4% xuống 12 triệu tấn, của Bắc Mỹ giảm 9,4% xuống 9,7 triệu tấn, trong khi của Nhật Bản giảm 9,7% xuống 8,2 triệu tấn và của Ấn Độ giảm 13,9% xuống 8,7 triệu tấn.
Trên thị trường nông sản, giá ngũ cốc đồng loạt tăng sau khi các nhà nhập khẩu bị cuốn hút bởi giá rẻ gần đây nên tích cực mua vào. Trung Quốc đang chuẩn bị mua hơn 30 triệu tấn ngũ cốc (khoảng 10 tiệu tấn đậu tương, 20 triệu tấn ngô) và 1 triệu tấn bông để đưa vào kho dự trữ phòng trường hợp nguồn cung bị gián đoạn một lần nữa do Covid-19 và đồng thời để giữ cam kết với Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7 trên sàn Chicago tăng 4-1/4 US cent lên 8,46-3/4 USD/bushel; trong khi đó giá lúa mì đỏ mềm tăng 1 US cent lên 5,44-3/4 USD/bushel; và giá ngô tăng 1-1/4 US cent lên 3,26 USD/bushel.
Giá cà phê tăng trong phiên vừa qua, theo đó arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 0,35 US cent (0,3%) lên 1,124 USD/lb; robusta giao cùng kỳ hạn tăng 29 USD lên 1.150 USD/tấn.
Giao dịch cà phê ở Việt Nam đã khôi phục trở lại từ ngày 23/4 song giao dịch chưa sôi động vì giá thấp. Tại Tây Nguyên, cà phê nhân xô được bán ra với giá 29.500 đồng (1.26 USD)/kg, thấp hơn so với mức 31.200 – 31.500 đồng trước kỳ giãn cách xã hội (cuối tháng 3/2020). Cà phê robusta loại 2 (5% đen và vỡ) giá chào cộng 150 USD/tấn so với mức 1.128 USD/tấn của hợp đồng kỳ hạn tháng 7 trên sàn London ở phiên liền trước. Giá thấp khiến người trồng cà phê không sẵn sàng bán ra vào lúc này.
Tại Lampung (Indonesia), cà phê robusta Sumatra giá chào cộng 300 – 310 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 trên sàn London, tăng từ mức cộng 250 USD/tấn cách đây một tuần. Nguồn cung vụ mới đã có trên thị trường nhưng chưa nhiều.
Đường thô tăng giá trong phiên vừa qua do giá dầu đi lên. Đường thô kỳ hạn tháng 5 tăng 0,01 US cent (0,1%) lên 9,84 US cent/lb, tuy nhiên đường trắng giao tháng 8 giảm 2,6 USD (0,8%) xuống 322 USD/tấn.
Giá cao su Châu Á đồng loạt tăng ở phiên vừa qua do giá dầu tăng. Kết thúc phiên này, cao su kỳ hạn tháng 9 tại TOCOM tăng 4,3 JPY (2,9%) lên 152 JPY/kg. Trên sàn Thượng Hải, giá cũng tăng 3,6% lên 10.025 CNY/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 24/4/2020

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

16,60

+0,10

+0,61%

Dầu Brent

USD/thùng

21,33

+0,96

+4,71%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

21.300,00

-30,00

-0,14%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

1,81

0,00

-0,11%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

62,35

-2,01

-3,12%

Dầu đốt

US cent/gallon

71,90

-1,55

-2,11%

Dầu khí

USD/tấn

227,75

+15,75

+7,43%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

30.340,00

+40,00

+0,13%

Vàng New York

USD/ounce

1.749,80

+4,40

+0,25%

Vàng TOCOM

JPY/g

5.966,00

+15,00

+0,25%

Bạc New York

USD/ounce

15,53

+0,00

+0,03%

Bạc TOCOM

JPY/g

52,70

-0,50

-0,94%

Bạch kim

USD/ounce

765,16

-1,16

-0,15%

Palađi

USD/ounce

1.983,09

+6,10

+0,31%

Đồng New York

US cent/lb

231,25

-0,55

-0,24%

Đồng LME

USD/tấn

5.131,50

+101,50

+2,02%

Nhôm LME

USD/tấn

1.515,00

+24,50

+1,64%

Kẽm LME

USD/tấn

1.895,50

-15,50

-0,81%

Thiếc LME

USD/tấn

14.860,00

+100,00

+0,68%

Ngô

US cent/bushel

326,00

+1,25

+0,38%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

544,75

+1,00

+0,18%

Lúa mạch

US cent/bushel

281,50

+4,75

+1,72%

Gạo thô

USD/cwt

15,37

+0,47

+3,16%

Đậu tương

US cent/bushel

846,75

+4,25

+0,50%

Khô đậu tương

USD/tấn

293,10

+0,20

+0,07%

Dầu đậu tương

US cent/lb

26,04

+0,05

+0,19%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

461,70

+1,40

+0,30%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.363,00

-12,00

-0,51%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

112,40

+0,35

+0,31%

Đường thô

US cent/lb

10,01

0,00

0,00%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

107,75

+0,50

+0,47%

Bông

US cent/lb

56,37

+0,23

+0,41%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

317,00

-6,00

-1,86%

Cao su TOCOM

JPY/kg

151,90

-0,10

-0,07%

Ethanol CME

USD/gallon

0,96

+0,00

+0,21%

 

Nguồn: VITIC/ Reuters, Bloomberg