Tính đến chiều 25/2, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt 80.000 người, và số ca tử vong là hơn 2.700 người. Trước diễn biến của dịch bệnh, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo ngày 24-2 cho biết, COVID-19 đã đạt đỉnh tại Trung Quốc và WHO không đánh giá tình hình dịch bệnh hiện nay là “đại dịch”. Tuy nhiên, WHO vẫn bày tỏ quan ngại sâu sắc về số ca bệnh tăng đột ngột tại Italy, Iran và Hàn Quốc.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm tiếp do giới đầu tư vẫn quan ngại nhu cầu dầu sẽ suy yếu do triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 4/2020 trên sàn New York giảm 1,53 USD/thùng, xuống còn 49,90 USD/thùng - mức đóng cửa thấp nhất trong hai tuần qua; dầu Brent tại thị trường London giao tháng 4/2020 giảm 1,35 USD xuống còn 54,95 USD/thùng.
Theo chiến lược gia về thị trường Stephen Innes của AxiTrader, sự chuyển hướng chú ý từ cú sốc về nhu cầu đến từ Trung Quốc sang tác động đến kinh tế Mỹ có thể khiến giá dầu lao dốc. Ông cho rằng dịch vẫn chưa được khống chế và đang lây lan rất nhanh trên thế giới.
Lúc đầu phiên, giá dầu tăng nhờ hy vọng về khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, trong đó có Nga, được gọi là OPEC+, sẽ cắt giảm sản lượng hơn nữa. Tuy nhiên, nhà phân tích Hideshi Matsunaga thuộc Sunward Trading cho biết, đà đi lên của giá dầu bị hạn chế do khả năng dịch COVID-19 tác động đến nhu cầu.
Nhà phân tích năng lượng Eugen Weinberg của Commerzbank Research cho biết, nhu cầu đối với các tài sản rủi ro có vẻ đang tăng trở lại. Nhà phân tích này cho rằng hiện vẫn có những lo ngại về tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với nhu cầu dầu thô, song cũng xuất hiện các ý kiến “băn khoăn” về việc liệu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất liên minh có sẵn sàng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng và thậm chí là cắt giảm thêm hay không.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia ngày 25/2 đã bày tỏ sự tin tưởng rằng OPEC và các đối tác sẽ phản ứng có trách nhiệm trước sự lây lan của dịch bệnh. OPEC và OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp tại Vienna, Áo vào ngày 5-6/3 tới. 
OPEC và các nước liên minh, còn gọi là OPEC +, đã cắt giảm sản lượng dầu trong những năm gần đây để hỗ trợ giá “vàng đen”. Hồi tháng 12/2019, các nước OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thêm 500.000 thùng/ngày, nâng tổng mức cắt giảm sản lượng lên 1,7 triệu thùng/ngày.
Theo Giám đốc điều hành Fatih Birol, dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế về tăng trưởng nhu cầu dầu của toàn cầu ở mức thấp nhất trong một thập niên và con số này có thể giảm hơn nữa do dịch. 
Trong khi đó, dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ tăng tuần thứ năm liên tiếp. Viện Xăng dầu Mỹ ngày 25/2 nhận định kho dự trữ dầu thô của nước này tăng 1,3 triệu thùng trong tuần trước. Số liệu của Chính phủ Mỹ sẽ được công bố trong ngày 26/2 và theo khảo sát của Reuters sẽ tăng 2 triệu thùng. 
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng quay đầu giảm khi các nhà đầu tư bán chốt lời. Vàng giao ngay giảm 1% xuống 1.644,4 USD/ounce; trong khi đó vàng kỳ hạn tháng 4/2020 giảm 1,6% xuống 1.650 USD/ounce.
Giá vàng giao kỳ hạn đã tăng hơn 3% trong hai phiên liên tiếp liền trước khi các nhà đầu tư tăng cường mua các tài sản an toàn, giữa bối cảnh chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) đã giảm hơn 1.000 điểm trong ngày 24/2.
Những lo ngại ngày càng tăng về sự suy giảm kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục gây sức ép đối với thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc bán ra chốt lãi của các nhà đầu tư đã làm đảo ngược xu hướng tăng của giá vàng kỳ hạn. Theo các chuyên gia, nếu thị trường chứng khoán tiếp tục giảm điểm, các tài sản an toàn, như vàng, vẫn có thể tăng giá trong dài hạn.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tệ (IMF) ngày 23/2 nhận định dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể đe dọa đà phục hồi mong manh của kinh tế thế giới. Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra mới đây ở Riyadh, Saudi Arabia, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng dù tăng trưởng kinh tế được dự đoán sẽ đạt 3,3% trong năm nay, song sự phục hồi này là mong manh.
Bà Georgieva cho rằng, kể cả trong trường hợp dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát, tăng trưởng tại Trung Quốc và thế giới chắc chắn sẽ chịu tác động. Cụ thể, dịch COVID-19 có thể khiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 0,1 điểm phần trăm và "kìm" tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức 5,6% trong năm nay.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do tác động của virus corona khiến nhu cầu giảm mạnh hơn so với sản lượng đồng suy yếu. Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,1% xuống 5.685 USD/tấn.
Mối lo ngại về virus corona lây lan mạnh ngoài Trung Quốc kéo giá đồng trên sàn London giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần, trong khi giá kẽm giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2016 trong ngày 24/2/2020.
Nhà phân tích Kieran Clancy thuộc Capital Economics, London dự kiến thị trường đồng toàn cầu sẽ dư thừa thay vì dự kiến thiếu hụt trước đó.
Giá nickel trên sàn London tăng 0,2% lên 12.450 USD/tấn, hồi phục từ mức thấp nhất gần 8 tháng trong phiên trước đó. Giá nickel được hỗ trợ từ các vấn đề nguồn cung sau khi 1 quan chức của Indonesia – nước sản xuất nickel hàng đầu thế giới – cho biết, virus corona bùng phát có khả năng trì hoãn sự phát triển dự án nickel có trị giá khoảng 11 tỉ USD.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc kết thúc chuỗi tăng 10 phiên liên tiếp do lo ngại virus corona lây lan mạnh, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 0,5% xuống 672,5 CNY (95,72 USD)/tấn, sau khi giảm mạnh 3% trong đầu phiên giao dịch. Tuy nhiên, tính đến ngày 24/2/2020, giá quặng sắt đã tăng 16,6% trong chuỗi tăng dài nhất - 10 phiên liên tiếp kể từ tháng 6/2016. Giá quặng sắt trên sàn Singapore giảm 1% xuống 88,17 USD/tấn.
Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,2%, giá thép cuộn cán nóng không thay đổi, giá thép không gỉ giảm 1%.
Trên thị trường nông sản, giá đường tăng do lo ngại về nguồn cung suy giảm, song mức tăng bị hạn chế bởi lo ngại về virus corona lây lan mạnh.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE tăng 0,17 US cent tương đương 1,1% lên 15,43 US cent/lb. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn London tăng 1,7 USD tương đương 0,4% lên 416,5 USD/tấn.
Fitch Solutions cắt giảm dự báo sản lượng đường Thái Lan niên vụ 2019/20 xuống 9,8 triệu tấn so với 13,5 triệu tấn dự kiến trước đó.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn ICE giảm 1,2 US cent tương đương 1,1% xuống 1,058 USD/lb sau khi tăng 5,1% trong ngày 21/2/2020. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn tăng 9 USD tương đương 0,7% lên 1.282 USD/tấn.
Giá ngô tại Mỹ duy trì vững và giá đậu tương tăng từ mức giảm mạnh phiên trước đó, do lo ngại về tác động của virus corona bùng phát. Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 5-3/4 US cent lên 8,88-1/4 USD/bushel. Giá ngô giao cùng kỳ hạn tăng 1/4 US cent lên 3,76-1/2 USD/bushel. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 2-1/4 US cent lên 5,37 USD/bushel, sau khi chạm 5,28-1/2 USD/bushel trong đầu phiên giao dịch, thấp nhất kể từ ngày 12/12/2019.
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm giảm xuống mức thấp nhất gần 4 tháng, do xuất khẩu giảm bởi virus corona bùng phát và dự báo sản lượng ở mức cao. Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Bursa Malaysia giảm 33 ringgit tương đương 1,3% xuống 2.510 ringgit (599,33 USD)/tấn, trong phiên có lúc chạm 2.500 ringgit/tấn, thấp nhất kể từ ngày 4/11/2019.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc giảm do Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp cùng lúc, bao gồm cả xuất bán thịt dự trữ
Trong tuần 17 - 21/2/2020, giá thịt lợn ở Trung Quốc giảm 0,7% so với tuần trước đó, xuống 50,85 CNY/kg (tương đương 168.600 đồng/kg). Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nguồn cung, gồm cả tăng trợ cấp để tái đàn, giải phóng kho dự trữ thịt lợn đông lạnh và tăng cường nhập khẩu thịt lợn.
Giá thịt lợn, thực phẩm thiết yếu tại Trung Quốc, đã tăng mạnh trong những tháng gần đây, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi và các yếu tố chu kỳ. Mặt hàng này trong tháng 1/2020 đã tăng 116% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo giá các thực phẩm khác tăng theo, dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng leo lên mức cao nhất trong hơn 8 năm.
Giá cao su tại Tokyo tăng do các nhà đầu tư mua vào kiếm lời sau khi giảm xuống mức thấp nhất gần 3 tuần trong đầu phiên giao dịch. Đồng thời giá cao su tại Thượng Hải tăng bất chấp mối lo ngại về virus corona lây lan kéo dài. Cao su kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn TOCOM tăng 3,7 JPY tương đương 2% lên 184,9 JPY (1,66 USD)/kg, trong đầu phiên giao dịch giảm xuống 173,8 JPY/kg, thấp nhất kể từ ngày 5/2/2020. Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Thượng Hải tăng 95 CNY lên 11.545 CNY (1.643 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 26/2 (giờ VN)

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

50,35

+0,45

+0,90%

Dầu Brent

USD/thùng

55,41

+0,46

+0,84%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

36.740,00

-980,00

-2,60%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

1,84

-0,01

-0,32%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

153,45

+0,21

+0,14%

Dầu đốt

US cent/gallon

157,50

+0,65

+0,41%

Dầu khí

USD/tấn

481,50

-4,25

-0,87%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

52.750,00

-1.110,00

-2,06%

Vàng New York

USD/ounce

1.645,80

-4,20

-0,25%

Vàng TOCOM

JPY/g

5.816,00

-40,00

-0,68%

Bạc New York

USD/ounce

1.645,80

-4,20

-0,25%

Bạc TOCOM

JPY/g

5.816,00

-40,00

-0,68%

Bạch kim

USD/ounce

931,21

+3,49

+0,38%

Palađi

USD/ounce

2.705,51

-8,87

-0,33%

Đồng New York

US cent/lb

257,40

-0,80

-0,31%

Đồng LME

USD/tấn

5.685,00

-4,00

-0,07%

Nhôm LME

USD/tấn

1.703,00

+4,00

+0,24%

Kẽm LME

USD/tấn

2.029,00

-17,00

-0,83%

Thiếc LME

USD/tấn

16.725,00

+175,00

+1,06%

Ngô

US cent/bushel

376,00

-0,50

-0,13%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

534,00

-3,00

-0,56%

Lúa mạch

US cent/bushel

290,25

-1,50

-0,51%

Gạo thô

USD/cwt

13,58

0,00

0,00%

Đậu tương

US cent/bushel

887,75

-0,50

-0,06%

Khô đậu tương

USD/tấn

293,40

+0,40

+0,14%

Dầu đậu tương

US cent/lb

29,68

+0,06

+0,20%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

456,10

-0,20

-0,04%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.806,00

+5,00

+0,18%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

108,50

+1,60

+1,50%

Đường thô

US cent/lb

14,74

+0,01

+0,07%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

99,35

-0,25

-0,25%

Bông

US cent/lb

66,30

-1,26

-1,87%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

451,80

-7,70

-1,68%

Cao su TOCOM

JPY/kg

182,40

-1,90

-1,03%

Ethanol CME

USD/gallon

1,32

-0,02

-1,20%

Nguồn: VITIC/ Reuters, Bloomberg