Trên thị trường năng lượng, giá dầu Mỹ giảm khoảng 3% do lượng tồn trữ trong nước tăng lên mức cao kỷ lục và dung lượng dự trữ còn trống thu hẹp dần, bất chấp các kế hoạch cắt giảm sản lượng trong kỳ dịch Covid-19. Ít nhất là 16 bang của Mỹ đang chuẩn bị nối lại hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, thị trường năng lượng được hỗ trợ bởi hy vọng nhu cầu sẽ hồi phục trên toàn cầu khi các Chính phủ thông báo nới lỏng những hạn chế liên quan đến dịch bệnh, mặc dù nước Anh cho biết vẫn còn rất nguy hiểm nếu nới lỏng lệnh phong tỏa vì lo sợ sẽ có đợt bùng phát thứ 2.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 44 US cent (3,44%) xuống 12,34 USD/thùng, sau khi tăng 25% ở phiên trước đó; dầu Brent biển Bắc tăng 47 US cent (2,3%) lên 20,46 USD/thùng, sau khi giảm 6,8% ở phiên liền trước.
Theo số liệu của Viện Xăng dầu Mỹ, lượng dầu tồng trữ của nước này đã tăng 10 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 24/4 lên 510 triệu thùng, ít hơn mức tăng được dự đoán trước đó là 10,6 triệu thùng.
Trong khi đó, khả năng dự trữ dầu trên đất liền trên toàn thế giới được dự đoán đã đầy khoảng 85% tính đến tuần trước, theo công ty tư vấn Kpler. Ngành dầu mỏ đang ráo riết tìm kiếm nơi chứa dầu dư thừa.
Một số nguồn tin cho hay các thương gia kinh doanh dầu mỏ đã phải tính đến phương án thuê các tàu chở dầu đắt đỏ của Mỹ để chứa xăng hoặc vận chuyển ra nước ngoài.
Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn dầu khí BP Bernard Looney cho biết BP dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm khoảng 15 triệu thùng/ngày trong quý 2/2020 do các biện pháp hạn chế xã hội để chống lại sự lây lan của Covid-19, cao hơn mức cắt giảm dự kiến 10 triệu thùng/ngày của các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Được biết, lượng cung dầu từ OPEC đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2018 trong tháng Tư, khi các nước này đẩy mạnh sản xuất trước khi thỏa thuận cắt giảm nói trên bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/5/2020.
Giá than luyện cốc trên thị trường Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 4 tháng do nhu cầu của các nhà máy suy yếu trong khi lượng tồn trữ các sản phẩm thép tăng cao và các thương gia hạ giá bán vì than nhập khẩu rẻ đi.
Trong phiên giao dịch vừa qua, than luyện cốc kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên có lúc giảm 5% xuống 1.028 CNY (145,04 USD)/tấn, mức thấp nhất kể từ 26/12/2019. Kết thúc phiên, giá giảm 4,3% xuống 1.036 CNY/tấn. Giá than luyện cốc nhập khẩu hiện khoảng 1.000 – 1.100 CNY/tấn.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tuần do hoạt động bán chốt lời, giữa bối cảnh thị trường kim loại quý chịu áp lực khi nhiều nước lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế do dịch Covid-19.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.702,40 USD/ounce, sau khi có thời điểm giảm tới 1,4%; vàng kỳ hạn tháng 6/2020 giảm 0,1% xuống 1.722,20 USD/ounce.
Người đứng đầu bộ phận giao dịch các sản phẩm phái sinh kim loại quý của BMO, Tai Wong, cho rằng giá vàng giảm trong phiên này do giới đầu tư chốt lời, dù nguồn cung vàng vẫn đang thắt chặt.
Thông tin về các kế hoạch nới lỏng hạn chế ở nhiều nước cũng góp phần gây áp lực lên giá vàng. Chính phủ nhiều nước như Italy, New Zealand… đã tuyên bố nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế. Nhiều nơi ở Mỹ cũng đang chuẩn bị tái khởi động hoạt động kinh doanh.
Mặc dù vậy, Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures, nhận định vàng sẽ vẫn vững giá, trong bối cảnh ngân hàng trung ương nhiều nước đang và sẽ tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp kích thích để ứng phó với tác động của dịch Covid-19. Giới đầu tư đang đón đợi các quyết định chính sách từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sau các cuộc họp diễn ra trong tuần này. Vàng thường được hưởng lợi từ các biện pháp kích thích của ngân hàng trung ương và chính phủ các nước vì nó được xem là công cụ phòng ngừa rủi ro từ lạm phát và sự mất giá của tiền tệ.
Về những kim loại quý khác, giá bạch kim tăng 1,1% lên 766,33 USD/ounce, bạc giảm 1,4% xuống 15,05 USD/ounce; palađi giảm 0,8% xuống 1.903,35 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng nhẹ do một số công ty khai thác lớn cắt giảm sản lượng trong bối cảnh hoạt động kinh tế bị đình trệ và nhu cầu giảm do khủng hoảng virus corona. Kết thúc phiên giao dịch, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,3% lên 5.214 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 6 tuần (5.269 USD/tấn) trong phiên trước đó..
Các nhà phân tích thuộc Refinitiv hạ dự báo sản lượng đồng khai thác trên toàn cầu năm 2020 thêm 2,4% xuống 19,6 triệu tấn. Năm ngoái, sản lượng đồng khai thác đạt 20,36 triệu tấn.
Giá sắt thép giảm trong phiên vừa qua. Quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 1,7% xuống 595 CNY/tấn, thép cây giảm 1,1% xuống 3.292 CNY/tấn trong khi thép cuộn cán nóng giảm 1% xuống 3.149 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá đường tăng trở lại sau khi chạm mức thấp nhất 12,5 năm, do triển vọng sản lượng đường Brazil đạt mức cao kỷ lục và nhu cầu tại Ấn Độ suy giảm. Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn ICE tăng 0,13 US cent tương đương 1,4% lên 9,34 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn London tăng 4,2 USD tương đương 1,4% lên 311,7 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn ICE tăng 1,4 US cent, tương đương 1,3%, lên 1,076 USD/lb; robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 30 USD tương đương 2,6% lên 1.180 USD/tấn.
Nhu cầu tiêu thụ cà phê đã tăng mạnh trong tháng qua do các công ty và người tiêu dùng bắt đầu mua cà phê để tích trữ khi lệnh phong tỏa được áp dụng tại các nước để tránh sự lây lan của dịch COVID-19. Nước Anh có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt cà phê khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn các chuỗi cung ứng lớn trên toàn thế giới, đặc biệt từ Nam Mỹ - khu vực chịu trách nhiệm cung cấp 2/3 sản lượng cà phê thế giới và chiếm khoảng một nửa lượng nhập khẩu của Anh.
Trong nhóm ngũ cốc, giá ngô kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 1-1/4 US cent xuống 3,12 USD/bushel, chỉ cao hơn mức thấp nhất 10,5 năm trong tuần trước đó; giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 4-1/2 US cent xuống 8,32 USD/bushel, trong khi giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 1-1/4 US cent lên 5,26 USD/bushel.
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm phiên thứ 3 liên tiếp xuống mức thấp nhất 9 tháng do giá dầu thô và dầu đậu tương suy yếu bởi virus corona bùng phát khiến nhu cầu giảm. Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn Bursa (Malaysia) giảm 15 ringgit tương đương 0,74% xuống 2.003 ringgit (458,88 USD)/tấn. Trong phiên trước đó, giá dầu cọ giảm gần 3% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 23/7/2019.
Giá cao su tại Tokyo giảm do giá dầu thô giảm và lo ngại về nhu cầu suy yếu bởi đại dịch virus corona. Cao su kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn TOCOM giảm 0,9 JPY xuống 150,6 JPY (1,41 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Thượng Hải giảm 105 CNY xuống 9.890 CNY (1.396 USD)/tấn; cao su kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn SICOM giảm 2,9% xuống 105,6 US cent/kg.
Giá hàng hóa thế giới sáng 29/4/2020

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

13,61

+1,27

+10,29%

Dầu Brent

USD/thùng

21,03

+0,57

+2,79%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

18.760,00

+60,00

+0,32%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

1,79

-0,02

-1,37%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

69,11

+2,39

+3,58%

Dầu đốt

US cent/gallon

63,02

-0,06

-0,10%

Dầu khí

USD/tấn

194,00

+2,50

+1,31%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

29.340,00

+80,00

+0,27%

Vàng New York

USD/ounce

1.724,40

+2,20

+0,13%

Vàng TOCOM

JPY/g

5.860,00

+29,00

+0,50%

Bạc New York

USD/ounce

15,40

+0,07

+0,47%

Bạc TOCOM

JPY/g

52,00

-0,30

-0,57%

Bạch kim

USD/ounce

775,68

+3,32

+0,43%

Palađi

USD/ounce

1.925,08

+9,54

+0,50%

Đồng New York

US cent/lb

235,95

+1,40

+0,60%

Đồng LME

USD/tấn

5.223,00

+26,00

+0,50%

Nhôm LME

USD/tấn

1.504,50

-2,50

-0,17%

Kẽm LME

USD/tấn

1.930,50

+25,50

+1,34%

Thiếc LME

USD/tấn

15.345,00

-115,00

-0,74%

Ngô

US cent/bushel

312,25

+0,25

+0,08%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

524,75

-1,25

-0,24%

Lúa mạch

US cent/bushel

283,25

+0,50

+0,18%

Gạo thô

USD/cwt

14,70

-0,06

-0,41%

Đậu tương

US cent/bushel

833,00

+1,00

+0,12%

Khô đậu tương

USD/tấn

288,30

-0,10

-0,03%

Dầu đậu tương

US cent/lb

25,81

+0,04

+0,16%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

461,10

-0,60

-0,13%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.342,00

+12,00

+0,51%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

107,60

+1,40

+1,32%

Đường thô

US cent/lb

9,52

+0,14

+1,49%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

114,10

+1,90

+1,69%

Bông

US cent/lb

56,03

+0,25

+0,45%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

319,30

+10,90

+3,53%

Cao su TOCOM

JPY/kg

150,20

-0,40

-0,27%

Ethanol CME

USD/gallon

0,97

-0,01

-0,82%

Nguồn: VITIC/ Reuters, Bloomberg